Hạn chế tối đa nhà đầu tư cá nhân “lách luật” mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ

Trần Huyền (Thực hiện)

Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP đã bổ sung nhiều quy định mới, đặc biệt là những quy định nhằm tăng tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư cá nhân, hạn chế tối đa nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ gian lận để mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Tạp chí Tài chính điện tử đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) xoay quanh nội dung này.

Phóng viên: Ngày 16/9/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Xin ông cho biết những điểm khác biệt so với quy định cũ đối với nhà đầu tư cá nhân khi tham gia thị trường?

Ông Nguyễn Hoàng Dương Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính)
Ông Nguyễn Hoàng Dương
Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính)

Ông Nguyễn Hoàng Dương: Với nhà đầu tư, đáng chú ý nhất trong Nghị định số 65/2022/NĐ-CP là quy định về nhà đầu tư chuyên nghiệp được xác định bằng danh mục chứng khoán phải đảm bảo danh mục nắm giữ có giá trị trung bình từ 2 tỷ đồng tối thiểu trong vòng 180 ngày bằng tài sản của nhà đầu tư, không bao gồm tiền vay.

Tức là 2 tỷ đồng này là tài sản thực của nhà đầu tư, không bao gồm giá trị vay giao dịch ký quỹ (vay margin) và giá trị chứng khoán thực hiện giao dịch mua bán lại và nhà đầu tư phải nắm giữ danh mục này tối thiểu trong vòng 180 ngày. Thời gian có hiệu lực của việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bằng danh mục chứng khoán nắm giữ có hiệu lực trong vòng 3 tháng, sau đó sẽ phải xác định lại chứ không có giá trị trong vòng 01 năm như trước.

Nghị định cũng quy định, khi mua trái phiếu, nhà đầu tư phải đọc, hiểu và ký văn bản xác nhận đã tiếp cận đầy đủ các tài liệu về trái phiếu dự kiến mua và hiểu biết pháp luật, chấp nhận rủi ro về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cả trên thị trường sơ cấp và thứ cấp. Tổ chức cung cấp thông tin và tổ chức xác nhận tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cùng ký xác nhận lên văn bản này về việc đã cung cấp đầy đủ thông tin và hồ sơ cho nhà đầu tư.

Đặc biệt, Nghị định quy định, nhà đầu tư không được phép bán hoặc cùng góp vốn đầu tư trái phiếu với nhà đầu tư không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Phóng viên: Những quy định này liệu có ngăn chặn được tình trạng lách luật để “sau một đêm có thể trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp” hay không, thưa ông?

Ông Nguyễn Hoàng Dương: Thực tế thời gian qua, khi theo dõi đánh giá thị trường, chúng tôi thấy rằng, một trong những rủi ro của thị trường là rủi ro nhà đầu tư cá nhân không có khả năng phân tích nhưng cố tình trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp để đầu tư trái phiếu. Đây là rủi ro rất lớn.

Để khắc phục tình trạng này, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP đã bổ sung các quy định nêu trên để tăng chất lượng của nhà đầu tư chuyên nghiệp, đồng thời hạn chế việc tiếp cận của những nhà đầu tư không chuyên nghiệp đối với kênh phát hành này. Từ đó, giảm thiểu rủi ro chung của thị trường.

Theo đó, khi nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu phải chứng minh mình là nhà đầu tư chuyên nghiệp theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, nhà đầu tư phải thận trọng hơn thông qua quy định ký vào văn bản xác nhận đã được tiếp cận đầy đủ thông tin của doanh nghiệp phát hành và văn bản đó sẽ được ký giữa nhà đầu tư, doanh nghiệp phát hành và tổ chức xác nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp như tôi vừa đề cập.

Thời gian vừa qua có trường hợp nhà đầu tư mua trái phiếu qua hợp đồng cùng đầu tư với nhà đầu tư khác và thực tế đã xảy ra rủi ro trên thị trường. Để khắc phục tình trạng này, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP đã bổ sung quy định cấm nhà đầu tư đã mua trái phiếu và đi phân phối lại thông qua các hợp đồng đầu tư. Do vậy, việc chào mời nhà đầu tư không phải nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mua trái phiếu qua hợp đồng góp vốn/hợp đồng đầu tư là hành vi vi phạm pháp luật.

Nghị định cũng điều chỉnh tăng mệnh giá trái phiếu doanh nghiệp khi phát hành lên mức 100 triệu đồng/trái phiếu hoặc bội số của 100 triệu đồng thay vì 100 nghìn đồng và bội số của 100 nghìn đồng như trước đây. Đây cũng là một trong những quy định hướng đến hạn chế sự tiếp cận của những nhà đầu tư không chuyên nghiệp khi mua trái phiếu doanh nghiệp.

Với các quy định như vậy, chúng tôi cho rằng Nghị định số 65/2022/NĐ-CP đã hạn chế rất nhiều việc lách luật để "sau một đêm trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp". Mọi hành vi vi phạm quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp của nhà đầu tư và các bên liên quan sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Phóng viên: Có ý kiến lo ngại siết chặt việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn của doanh nghiệp. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Ông Nguyễn Hoàng Dương: Vừa qua, trước những rủi ro của thị trường, các cơ quan quản lý nhà nước đã tăng cường công tác quản lý giám sát, thanh tra, kiểm tra. Qua đó, đã phát hiện sai phạm và xử phạt, do đó, các doanh nghiệp đã thận trọng hơn trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, dẫn đến thị trường chững lại chứ Nhà nước không không có chủ trương siết chặt.

Nghị định số 65/2022/NĐ-CP cũng không hề thắt chặt điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp mà chỉ bổ sung một số quy định về hồ sơ, phương án phát hành và chế độ công bố thông tin, báo cáo để tăng cường tính minh bạch của trái phiếu phát hành. Những quy định nâng cao tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư, hạn chế nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp sẽ góp phần nâng tính công khai, minh bạch của thị trường, làm thị trường tốt hơn, từ đó sẽ huy động được lượng nhà đầu tư mới là các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, các nhà đầu tư có tổ chức như các quỹ đầu tư. Đó mới là nội dung hướng tới trong việc phát triển thị trường trái phiếu nói riêng và thị trường vốn nói chung.

Nghị định này cũng đã kế thừa quy định cho phép doanh nghiệp phát hành để cơ cấu lại nợ. Chúng tôi nhận thấy quy định này phù hợp vì thị trường vốn còn quy mô nhỏ, doanh nghiệp phát hành kỳ hạn dài rất khó, trong khi dự án thì thường triển khai trong thời hạn dài. Do vậy, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp để cơ cấu lại nợ của đợt phát hành trước gắn với dự án là phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Căn cứ Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Nghị định số 153/2020/NĐ-CP và Nghị định số 65/2022/NĐ-CP thì doanh nghiệp vẫn có thể tiếp tục huy động vốn thông qua kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo quy định. Các doanh nghiệp có tính tuân thủ cao, công bố thông tin minh bạch, đầy đủ và đặc biệt là các doanh nghiệp có tình hình tài chính tốt, tình hình sản xuất kinh doanh tốt, có phương án phát hành trái phiếu khả thi, hiệu quả và phù hợp với quy định của pháp luật sẽ thuận lợi hơn trong việc huy động vốn.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!