Hành trang cho doanh nghiệp gia nhập TPP
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được nhận định sẽ mở ra cơ hội bứt phá cho tăng trưởng kinh tế của các nước thành viên nói chung và Việt Nam nói riêng. Đó cũng là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong nước khẳng định chỗ đứng của mình trong môi trường cạnh tranh khốc liệt.

Động lực cho sản xuất kinh doanh
Đối với nền kinh tế Việt Nam, TPP được xem như chất xúc tác quan trọng cho xuất khẩu khi chiếm đến 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu và các nước thành viên đều là những thị trường tiêu dùng lớn của thế giới. Hiệp định này cũng mở ra cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài dồi dào. Đối với doanh nghiệp, TPP sẽ góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch, tạo sân chơi bình đẳng, là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh lành, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam.
Theo Vietnam Report, kết quả khảo sát từ từ 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam cho thấy, có 91% doanh nghiệp đánh giá tích cực về thay đổi liên quan đến chính sách thuế sau khi Việt Nam ký kết TPP. Trong đó, có 49% doanh nghiệp nhận thấy sẽ hưởng lợi; 42% doanh nghiệp cho rằng không chịu quá nhiều tác động của những chính sách cải cách thuế sau khi TPP được thông qua. Như vậy, phần lớn các doanh nghiệp đều có niềm tin vào những lợi ích mà TPP mang lại cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong cuộc cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài cũng như tin tưởng vào những đổi mới trong chính sách thuế thời gian qua.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng được hưởng lợi và trụ vững trong cuộc cạnh tranh khốc liệt mà TPP mang lại. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 600.000 doanh nghiệp, trong đó 80% là các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nguy cơ gặp khó khăn khi bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt ngay trên sân nhà.
Nắm chắc luật chơi
Để vững bước tiến vào hội nhập sâu rộng, mỗi doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin, đề ra kế hoạch tận dụng cơ hội từ TPP. Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải có nhận thức đầy đủ về TPP , tìm ra những ưu, khuyết điểm của mình để xác định được chiến lược, mục tiêu phát triển để khai thác triệt để những lợi thế và khắc phục những yếu kém. Từ đó sớm thích nghi và đáp ứng tốt các yêu cầu đặt ra trong bối cảnh mới.
Đồng thời, các doanh nghiệp cần phải có tầm nhìn mới, tư duy và chiến lược kinh doanh mới phù hợp với những thay đổi về điều kiện kinh doanh. Doanh nghiệp trong nước cần chú ý tiếp thu công nghệ khoa học-kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, kỹ năng đào tạo nguồn nhân lực của các nước khác một cách linh hoạt, phù hợp để cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm của mình một cách hiệu quả nhất.
Ở tầm vĩ mô, cần tập trung tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu doanh nghiệp một cách toàn diện để nâng cao năng lực cạnh canh, nâng cao hiệu quả hoạt động đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. Bên cạnh đó, cần tiếp tục có những cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp và các bộ ngành để doanh nghiệp hiểu hơn về TPP từ đó có thể đề ra những giải pháp kinh doanh hiệu quả nhất. Hỗ trợ doanh nghiệp về pháp lý cũng như các vấn đề được quy định trong TPP để có thể bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp, tránh được những rủi ro.
Công tác tuyên truyền về TPP cũng cần được đẩy mạnh đến toàn xã hội và cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy sự liên kết giữa các vùng miền, các sản phẩm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển tốt thị trường trong nước và quốc tế.