Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước Nguyễn Hồng Hà:
Hệ thống Kho bạc Nhà nước đã có bước phát triển vượt bậc trong 5 năm qua
Sáng ngày 3/3/2017, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân - Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã đến thăm và làm việc tại Kho bạc Nhà nước.
Cùng tham dự buổi làm việc có Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc. Về phía Bộ Tài chính và Kho bạc Nhà nước (KBNN) có đồng chí Đinh Tiến Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải, Tổng giám đốc KBNN Nguyễn Hồng Hà cùng tập thể lãnh đạo KBNN, lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính và đại diện KBNN các tỉnh, thành phố.
Kho bạc Nhà nước khẳng định vị trí, vai trò trong hệ thống tài chính quốc gia
Báo cáo tại buổi làm việc với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước Nguyễn Hồng Hà cho biết: Thời gian qua, KBNN đã tích cực phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đẩy mạnh cải cách thể chế, chính sách, hoàn thiện tổ chức bộ máy của KBNN, gắn với hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực để thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao, điển hình như:
Về thể chế, chính sách: KBNN đã chủ động nghiên cứu xây dựng và đưa quy định về quản lý ngân quỹ trong Luật ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015, làm cơ sở pháp lý để xây dựng trình Bộ Tài chính, báo cáo Chính phủ ban hành Nghị định 24/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 quy định chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước theo nguyên tắc đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Bên cạnh đó, KBNN đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tài chính trình Chính phủ để trình Quốc hội thông qua Luật Kế toán sửa đổi; trong đó, đã đưa vào các quy định liên quan đến việc lập báo cáo tài chính nhà nước, bao gồm các nội dung về tài sản và nguồn vốn của Nhà nước như: thông tin về tình hình tài sản và nguồn hình thành tài sản của Nhà nước; thông tin đánh giá về hiệu quả điều hành NSNN và kết quả hoạt động thu chi NSNN hàng năm; thông tin về tổng tài sản, thông tin về nghĩa vụ phải trả của Nhà nước... Hiện tại, KBNN đang trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn việc lập báo cáo tài chính nhà nước theo đúng lộ trình Luật Kế toán quy định.
Về việc hoàn thiện tổ chức bộ máy: KBNN đã trình Bộ Tài chính, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 26/2015/QĐ-TTg ngày 08/7/2015 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của KBNN trực thuộc Bộ Tài chính. Theo đó, mô hình tổ chức của KBNN được kiện toàn một cách khoa học, đảm bảo công tác chỉ đạo điều hành thông suốt trong hệ thống, các nhiệm vụ chuyên môn được tách bạch, rõ ràng và không chồng chéo, các đầu mối quản lý nội bộ được tinh gọn và hình thành một số đơn vị thực hiện theo chức năng như Cục KTNN, Cục Quản lý ngân quỹ. Tại KBNN cấp tỉnh đã giảm 123 đầu mối cấp phòng; tại KBNN cấp huyện đã giảm trên 660 cấp tổ.
Về hiện đại hóa công nghệ thông tin: Trên cơ sở kết quả triển khai Dự án TABMIS, KBNN tiếp tục phát triển các hệ thống ứng dụng CNTT theo hướng tập trung, trực tuyến và tích hợp các hệ thống TABMIS như Dự án hiện đại hóa thu NSNN, Thanh toán điện tử tập trung với hệ thống ngân hàng, Thanh toán điện tử trong nội bộ hệ thống KBNN, thí điểm cung cấp các dịch vụ công trực tuyến; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng CNTT và đội ngũ cán bộ làm công tác CNTT. Ngoài ra, KBNN cũng đầu tư phát triển các ứng dụng CNTT phục vụ cho hoạt động quản lý nội bộ như chương trình quản lý tài chính nội bộ; mạng Intranet nội bộ, Cổng thông tin KBNN,… Từ đó, đưa CNTT là khâu đột phá, tác động lớn và hỗ trợ có hiệu quả cho các hoạt động cải cách, hiện đại hóa toàn hệ thống KBNN, tạo tiền đề để đến năm 2020 hình thành KBNN điện tử.
Về phát triển nguồn nhân lực: KBNN đẩy mạnh công tác phát triển nhân lực thông qua việc xây dựng và triển khai các đề án có liên quan nhằm đáp ứng mục tiêu Chiến lược phát triển KBNN. Từ đó, góp phần tăng tỷ trọng công chức ngạch cao, ngạch làm chuyên môn nghiệp vụ, giảm dần tỷ trọng công chức kiểm ngân, công chức có trình độ sơ cấp hoặc chưa qua đào tạo (tỷ lệ công chức có trình độ đại học và tương đương trở lên tại thời điểm tháng 6/2016 là 79,4%, tăng 14,7% so với năm 2011). Tổ chức đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu, đặc biệt tổ chức đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao tại nước ngoài để thực hiện chức năng tổng kế toán nhà nước và quản lý ngân quỹ nhà nước.
Với việc hoàn thiện cơ chế chính sách, hiện đại hóa CNTT gắn với phát triển nguồn nhân lực, trong những năm qua, đặc biệt là trong giai đoạn 2011 - 2016, hệ thống KBNN đã có bước phát triển vượt bậc theo hướng cải cách và hiện đại hóa trên tất cả các lĩnh vực hoạt động; tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng của mình trong hệ thống tài chính quốc gia thông qua việc tập trung nhanh, đầy đủ nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của Chính phủ, thực hiện các chính sách xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng... Cụ thể:
Một là, KBNN đã thực hiện tốt vai trò quản lý quỹ NSNN, tập trung nhanh mọi nguồn thu NSNN (số thu tăng dần qua các năm, năm 2011 đạt hơn 800 nghìn tỷ đồng, đến năm 2016 đạt hơn 1 triệu tỷ đồng), quản lý kiểm soát chi NSNN chặt chẽ (từ năm 2011-2016, KBNN đã thực hiện kiểm soát trên 5,5 triệu tỷ đồng, qua đó phát hiện trên 280 nghìn khoản chi của đơn vị sử dụng NSNN chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định, số thực từ chối thanh toán là 926 tỷ đồng).
Hai là, KBNN đã đảm bảo quản lý, điều hòa ngân quỹ trong phạm vi cả nước, đảm bảo thanh toán chi trả tại tất cả các đơn vị KBNN, sử dụng vốn nhàn rỗi hiệu quả để tạm ứng cho ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, đáp ứng nhu cầu chi trong khi nguồn ngân sách còn khó khăn.
Ba là, KBNN đã thực hiện tốt nhiệm vụ huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển. Trong những năm gần đây, mức độ phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) bình quân gần 190 nghìn tỷ đồng/năm, đảm bảo bù đắp thâm hụt ngân sách và cho đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, KBNN cũng đã thực hiện các giải pháp tái cơ cấu nợ trong nước; phát hành trái phiếu theo lô lớn để tăng tính thanh khoản của trái phiếu, đa dạng hóa kỳ hạn trái phiếu, cơ cấu lại các khoản vay của Bảo hiểm xã hội, kéo dài kỳ hạn danh mục nợ Chính phủ và giảm số lượng mã trái phiếu nhỏ, lẻ trên thị trường, tăng tính thanh khoản của trái phiếu.
Quy mô huy động vốn năm 2016 gấp 3,5 lần so với năm 2011, tốc độ tăng trưởng bình quân huy động vốn cả nước giai đoạn 2011-2016 khoảng 40%/năm; Kỳ hạn còn lại trung bình của cả danh mục TPCP được nâng dần từ dưới 2 năm vào cuối năm 2011 lên đến 5,98 năm vào cuối năm 2016.
Lãi suất bình quân qua các năm 2012-2016 giảm dần, từ 9,8%/năm vào năm 2012 xuống đến 6,49%/năm vào năm 2016. Với mức lãi suất này, nếu vay với khối lượng và kỳ hạn trái phiếu của năm 2016, so với năm 2015 đã tiết kiệm cho NSNN khoảng 870 tỷ đồng; so với năm 2011 tiết kiệm trên 18.000 tỷ đồng; Tỷ trọng sở hữu TPCP của khối Bảo hiểm xã hội đạt mức 43%, tỷ lệ sở hữu của khối ngân hàng thương mại từ mức 80% giảm xuống mức 55,7% vào cuối năm 2016, góp phần ổn định, bền vững cơ sở nhà đầu tư TPCP.
Bốn là, hiện đại hóa công nghệ thanh toán thông qua việc triển khai thanh toán điện tử trong nội bộ hệ thống KBNN và với các hệ thống ngân hàng. Từ đó, góp phần thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là cải cách quy trình, thủ tục trong thu, chi NSNN.
Tóm lại, với tinh thần đoàn kết, đồng sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, trong thời gian qua, hệ thống KBNN đã có bước phát triển vượt bậc theo hướng cải cách và hiện đại hóa trên tất cả các lĩnh vực hoạt động. KBNN tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng của mình trong hệ thống tài chính quốc gia thông qua việc tập trung nhanh, đầy đủ nguồn thu cho NSNN, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của Chính phủ, thực hiện các chính sách xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng. Tổ chức huy động một lượng vốn lớn cho NSNN và cho đầu tư phát triển; cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về tình hình thu, chi NSNN phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan Trung ương và địa phương, góp phần đắc lực vào việc nâng cao chất lượng quản lý và điều hành tài chính – ngân sách phục vụ mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước.
Đề xuất, kiến nghị
Để KBNN thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chuyên môn, chính trị được giao, đặc biệt là triển khai thực hiện đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ theo quy định tại Quyết định số 26/2015/QĐ-TTg ngày 08/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ, KBNN đề xuất, kiến nghị Chủ tịch Quốc hội, Lãnh đạo các cơ quan thuộc Quốc hội, Lãnh đạo Bộ Tài chính và các đơn vị có liên quan một số nội dung sau:
Một là, về việc thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020
Việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển KBNN không chỉ là nhiệm vụ riêng của hệ thống KBNN, của Bộ Tài chính, mà còn có liên quan đến các bộ, ngành, địa phương. Vì vậy, để việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển KBNN thành công theo đúng mục tiêu, định hướng đã đề ra, KBNN kiến nghị Chủ tịch Quốc hội, Lãnh đạo các Ủy ban thuộc Quốc hội, Lãnh đạo Bộ Tài chính và các đơn vị có liên quan tiếp tục quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện để KBNN thực hiện thành công Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020.
Hai là, về việc thực hiện chức năng quản lý ngân quỹ nhà nước và tổng kế toán nhà nước
Được sự quan tâm của Lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính và các đơn vị có liên quan, đến nay các nội dung quy định về quản lý ngân quỹ nhà nước và tổng kế toán nhà nước đã được thể chế hóa trong Luật NSNN năm 2015, Luật Kế toán năm 2015; đã và đang được cụ thể hóa tại Nghị định số 24/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ quy định về chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước và dự thảo Nghị định về báo cáo tài chính nhà nước.
Thời gian tới, KBNN sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực, triển khai quyết liệt 2 chức năng mới, tuy nhiên do đây là những vấn đề mới và khó, chưa có tiền lệ ở nước ta, phạm vi tác động rộng, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương. Vì vậy, KBNN đề xuất, kiến nghị Chủ tịch Quốc hội, Lãnh đạo các Ủy ban thuộc Quốc hội, và Lãnh đạo Bộ Tài chính tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, giám sát để KBNN cùng các đơn vị liên quan sớm hoàn thành việc xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành đồng bộ các văn bản hướng dẫn, tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ cho việc triển khai thực hiện các chức năng báo cáo tài chính nhà nước của KBNN.
Ba là, về vấn đề mở tài khoản của KBNN
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 55 Luật NSNN năm 2015 thì KBNN được mở tài khoản tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các ngân hàng thương mại để tập trung các khoản thu của NSNN. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 3 Điều 27 Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010, thì KBNN mở tài khoản tại NHNN; ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh không có chi nhánh NHNN, việc thực hiện giao dịch cho KBNN được thực hiện theo quy định của NHNN. Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 24 Điều 1 của Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối, thì Bộ Tài chính có trách nhiệm gửi toàn bộ số ngoại tệ của KBNN tại NHNN Việt Nam.
Thực tế hiện nay để tập trung đầy đủ các khoản thu, thanh toán chi trả kịp thời các khoản chi của NSNN (bằng Việt Nam đồng và bằng ngoại tệ), KBNN phải mở tài khoản tại cả NHNN Việt Nam và tại NHTM (kể cả VND và ngoại tệ). Vì vậy, để tạo điều kiện cho KBNN trong việc tập trung nguồn thu, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán, chi trả của NSNN, KBNN đề xuất với Chủ tịch Quốc hội quan tâm chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Luật Ngân hàng Nhà nước và Pháp lệnh Quản lý ngoại hối cho phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013, quy định của Luật NSNN năm 2015 và tình hình thực tế về quản lý thu, chi NSNN hiện nay.
Bốn là, về công tác tổng hợp, lập báo cáo quyết toán NSNN hàng năm
Hiện nay, theo quy định của Luật NSNN năm 2015 và Quyết định số 26/2015/QĐ-TTg ngày 08/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của KBNN, KBNN mới chỉ thực hiện nhiệm vụ tổng hợp, lập báo cáo quyết toán NSNN toàn quốc; nhiệm vụ lập báo cáo quyết toán NSNN địa phương vẫn đang giao cho các cơ quan tài chính thực hiện.
Đây là nhiệm vụ mới đối với hệ thống KBNN, sẽ được thực hiện định kỳ hàng năm với yêu cầu và trách nhiệm cao. Do vậy, KBNN rất mong nhận được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Lãnh đạo Bộ Tài chính; sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương ngay trong quá trình tổng hợp, xây dựng báo cáo quyết toán để kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh, giúp KBNN hoàn thành tốt nhiệm vụ này.
Giai đoạn sau năm 2025, khi KBNN chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực và công nghệ thông tin, KBNN sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ tiến hành tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật NSNN năm 2015 và đề xuất, kiến nghị giao nhiệm vụ tổng hợp, lập báo cáo quyết toán NSNN các cấp cho KBNN các cấp thực hiện để đảm bảo đồng bộ với nhiệm vụ tổng hợp, lập báo cáo tài chính nhà nước đang giao cho hệ thống KBNN thực hiện.
Năm là, về việc xây dựng chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2040
Theo kế hoạch đến năm 2019, KBNN sẽ tổng kết, đánh giá kết quả 10 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển KBNN, đồng thời nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển KBNN cho giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2040. Theo đó, định hướng trong giai đoạn 2025-2030, KBNN sẽ xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền ban hành Luật KBNN. Trong đó, quy định toàn bộ các vấn đề có liên quan đến lĩnh vực hoạt động KBNN như: quản lý quỹ NSNN; quản lý ngân quỹ; huy động vốn; lập báo cáo tài chính nhà nước; tổng hợp, lập báo cáo quyết toán NSNN các cấp. KBNN rất mong nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, định hướng phát triển của Chủ tịch Quốc hội, Lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, Lãnh đạo Bộ Tài chính và các đơn vị có liên quan để KBNN tiếp tục phát triển ổn định, bền vững ở những giai đoạn tiếp theo...