Quy định mới về quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua Kho bạc Nhà nước

PV.

Từ ngày 1/4/2017, các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước đăng ký nhu cầu rút tiền mặt cho từng ngày thanh toán hoặc đăng ký cho nhiều ngày thanh toán khác nhau, song phải nêu rõ số lượng và thời điểm rút tiền mặt tại từng ngày thanh toán.

Từ ngày 1/4/2017, các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước đăng ký nhu cầu rút tiền mặt cho từng ngày thanh toán phải nêu rõ số lượng và thời điểm rút tiền mặt tại KBNN.
Từ ngày 1/4/2017, các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước đăng ký nhu cầu rút tiền mặt cho từng ngày thanh toán phải nêu rõ số lượng và thời điểm rút tiền mặt tại KBNN.

Đó là quy định mới của Thông tư số 13/2017/TT-BTC quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước vừa được Bộ Tài chính ban hành. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2017, bãi bỏ Thông tư số 164/2011/TT-BTC ngày 17/11/2011 quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước.

Thông tư 13/2017/TT-BTC áp dụng đối với các đơn vị thuộc hệ thống Kho bạc Nhà nước, các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước và các đơn vị giao dịch.

Thông tư quy định, các khoản chi thanh toán cá nhân, bao gồm: Tiền lương; tiền công; phụ cấp lương; học bổng học sinh, sinh viên; tiền thưởng; phúc lợi tập thể; chi cho cán bộ xã, thôn, bản đương chức; chi về công tác người có công với cách mạng và xã hội; chi lương hưu và trợ cấp xã hội; chi tiền ăn trưa cho trẻ em mầm non, học sinh; các khoản thanh toán khác cho cá nhân.

Về quy định về rút tiền mặt đối với các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, Thông tư này quy định, các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước có nhu cầu rút tiền mặt trong một ngày vượt mức quy định (Từ 200 triệu đồng trở lên đối với các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện giao dịch với Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh; từ 100 triệu đồng trở lên đối với các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện giao dịch với KBNN cấp huyện) phải đăng ký với Kho bạc Nhà nước.

Theo quy định mới của Thông tư này, các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước đăng ký nhu cầu rút tiền mặt cho từng ngày thanh toán hoặc đăng ký cho nhiều ngày thanh toán khác nhau, song phải nêu rõ số lượng và thời điểm rút tiền mặt tại từng ngày thanh toán.

Trong trường hợp đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện giao dịch với Kho  bạc Nhà nước cấp huyện đăng ký rút tiền mặt ngay trong ngày làm việc tại ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước cấp huyện mở tài khoản thì Kho bạc Nhà nước cấp huyện chuyển chứng từ rút tiền mặt theo phương thức điện tử đến ngân hàng thương mại nơi mở tài khoản để đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện lĩnh tiền mặt tại ngân hàng thương mại.

Đối với các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước khi giao dịch với Kho bạc Nhà nước cấp huyện có nhu cầu thanh toán bằng tiền mặt có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên trong 1 lần thanh toán thì thực hiện rút tiền mặt tại ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước cấp huyện mở tài khoản.

Đối với sử dụng phương thức thanh toán qua thẻ tín dụng, đơn vị giao dịch có trách nhiệm tổ chức quản lý, sử dụng và bảo quản an toàn thẻ tín dụng; đồng thời phải làm thủ tục thanh toán đầy đủ, đúng hạn.

Về kiểm soát và thanh toán chi trả tiền mặt cho các đơn vị giao dịch, hệ thống Kho bạc Nhà nước các cấp (cấp tỉnh, cấp huyện) thực hiện kiểm soát và thanh toán chi trả tiền mặt cho các đơn vị giao dịch cùng với quá trình kiểm soát chi ngân sách nhà nước và trên cơ sở nội dung được phép chi bằng tiền mặt, chứng từ chi hợp pháp, hợp lệ của đơn vị, đảm bảo đúng chế độ quy định; đồng thời, có trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị giao dịch thực hiện đúng chế độ thanh toán được quy định tại Thông tư này.