Hiện đại hoá hải quan góp phần thúc đẩy liên kết phát triển logistics, tạo động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đông nam bộ
Đông Nam Bộ là vùng kinh tế phát triển năng động nhất cả nước, đóng góp quan trọng vào quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế của Việt Nam. Đặc biệt vùng Đông Nam Bộ có lợi thế địa kinh tế là cửa ngõ quan trọng của Việt Nam trong thực hiện hoạt động thương mại xuyên biên giới. Để phát huy sức mạnh, tận dụng tối đa lợi thế của Vùng nhằm thúc đẩy phát triển toàn diện, đồng bộ các hoạt động kinh tế, yêu cầu thực hiện tốt, hiệu quả các hoạt động liên kết Vùng là rất quan trọng. Hiện đại hóa hải quan góp phần thúc đẩy liên kết phát triển Logistics trong hoạt động thương mại nói chung và thương mại xuyên biên giới nói riêng của Vùng sẽ tạo động lực tăng trưởng và là những yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công trong thực hiện các mục tiêu phát triển và tăng trưởng kinh tế của Vùng.
Định hướng phát triển vùng Đông Nam Bộ
Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển logistics tại vùng Đông Nam Bộ.
Theo đó, Nghị quyết xác định nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển logistics với phát triển kinh tế vùng, liên vùng: Phát triển mạnh, đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, quốc tế gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, các trục hành lang kinh tế trọng điểm và tuyến thương mại liên vùng tại TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Long Thành, Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), tỉnh Tây Ninh. Tập trung xây dựng trung tâm logistics hàng không gắn với cảng hàng không quốc tế Long Thành, đầu tư phát triển hệ thống logistics cảng và cảng trung chuyển quốc tế tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh…
Ngày 09/01/2023, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là văn bản pháp lý quan trọng, là căn cứ để các bộ, ngành, chính quyền địa phương thực hiện quy hoạch, hoạch định và triển khai tổ chức không gian phát triển toàn diện trên các mặt kinh tế; xã hội; môi trường; phát triển kết cấu hạ tầng; quốc phòng, an ninh đến năm 2030 tầm nhìn 2050.
Phát triển vùng Đông Nam Bộ nhằm tạo động lực liên kết, lan toả thúc đẩy hợp tác và phát triển qua hành lang kinh tế Bắc - Nam, hành lang kinh tế Tây Nguyên - Đông Nam Bộ.
Theo Nghị quyết số 81/2023/QH15, phát triển vùng động lực phía Nam bao gồm TP. Hồ Chí Minh và các địa bàn cấp huyện dọc theo trục Quốc lộ 22, Quốc lộ 13,
Quốc lộ 1, Quốc lộ 51 qua các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó TP. Hồ Chí Minh là cực tăng trưởng. Phát triển mạnh các dịch vụ tài chính, ngân hàng, khoa học, công nghệ, logistics. Thu hút đầu tư các ngành công nghiệp công nghệ cao, các công viên phần mềm, trí tuệ nhân tạo. Phát triển các ngành kinh tế biển như dịch vụ logistics, khai thác, chế biến dầu khí, du lịch biển.
Nghị quyết số 81/2023/QH15 nêu rõ, phát triển hành lang kinh tế Mộc Bài - TP. Hồ Chí Minh - Biên Hoà - Vũng Tàu gắn với hành lang kinh tế xuyên Á, là cửa ngõ ra biển của khu vực Đông Nam Bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.
Vùng biển và ven biển Đông Nam Bộ tập trung phát triển cảng Cái Mép - Thị Vải thực sự trở thành cảng trung chuyển quốc tế, gắn với hành lang kinh tế xuyên Á. Phát triển dịch vụ hậu cần cảng biển, dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải, công nghiệp khai thác, chế biến dầu khí, công nghiệp hỗ trợ và các dịch vụ ngành dầu khí. Xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng biển chất lượng cao.
Có thể khẳng định, những định hướng phát triển logistics tạo động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ đã được định hướng và thể chế hóa hóa đầy đủ, toàn diện trong các văn bản cấp cao nhất của Đảng và Quốc hội. Tuy nhiên, để các định hướng và quy hoạch được triển khai hiệu quả trong thực tiễn rất cần phải có sự vào cuộc, chung tay vào cuộc thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ, toàn diện của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp.
Kết quả đạt được trong quản lý nhà nước về hải quan tại vùng Đông Nam Bộ
Đối với lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan, vùng Đông Nam Bộ thuộc địa bàn quản lý nhà nước về hải quan gồm: các cục hải quan: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh. Đây là những cục hải quan lớn, có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển thương mại xuyên biên giới của Việt Nam. Đóng góp rất lớn và quan trọng vào nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước cho ngành Hải quan.
Về kim ngạch xuất nhập khẩu làm thủ tục tại các cục hải quan địa phương thuộc vùng Đông Nam Bộ: Năm 2022, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đạt kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất cả nước với 129,73 tỷ USD và là một trong 3 đơn vị có kim ngạch xuất nhập khẩu hơn 100 tỷ USD. Các đơn vị có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn khác với quy mô hàng chục tỷ USD như: Cục Hải quan Bình Dương đạt 49,06 tỷ USD; Cục Hải quan Đồng Nai đạt 39,36 tỷ USD; Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 21,13 tỷ USD.
Có được những kết quả trên là nhờ sự quyết tâm chính trị rất cao nhằm thực hiện cải cải cách, đổi mới, lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong Chiến lược xây dựng, hoạch định và thực thi chính sách của các cấp, các ngành chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp tại vùng Đông Nam Bộ. Đóng góp quan trọng cho những kết quả đó là do vùng Đông Nam Bộ đã, đang từng bước khai thác hiệu quả lợi thế địa kinh tế của Vùng.
Cụ thể, vùng Đông Nam Bộ phát huy lợi thế về cảng biển, sân bay lớn và sôi động nhất cả nước rất thuận lợi cho các dịch vụ logistics. Các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ đang ngày càng liên kết chặt chẽ với nhau hơn để cùng xây dựng phát triển đồng bộ, toàn diện hệ thống logisstics bao gồm hạ tầng giao thông và doanh nghiệp logistics phục vụ hiệu quả cho hoạt động thương mại xuyên biên giới không những cho Vùng mà cho cả nước.
Trong nhiều năm qua, ngành Hải quan nỗ lực thực hiện cải cách thủ tục hành chính hướng đến người dân doanh nghiệp, tạo điều kiện này càng tốt hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá góp phần xây dựng và phát triển dịch vụ logistics. Ngành Hải quan đã xây dựng được hệ thống chính sách pháp luật hải quan đầy đủ, minh bạch, thủ tục hải quan đơn giản, hài hòa đạt chuẩn mực quốc tế; áp dụng phương pháp quản lý hải quan hiện đại theo nguyên tắc quản lý rủi ro và quản lý tuân thủ; đẩy mạnh kiểm tra sau thông quan, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm; dữ liệu được xử lý tập trung tại cấp Tổng cục; đẩy mạnh hiện đại hóa cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị phục vụ cho công tác kiểm tra giám sát, kiểm soát hải quan; quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp từng bước phát triển.
Hải quan Việt Nam đã triển khai Hệ thống thông quan điện tử tự động (VNACCS/VCIS) từ năm 2014 với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản. Đến nay, thủ tục hải quan hoàn toàn thực hiện bằng phương thức điện tử thông qua Hệ thống VNACCS/VCIS với mức độ tự động hóa cao. Góp phần rút ngắn thời gian làm thủ tục hải quan cho doanh nghiệp, giảm thiểu giấy tờ và đơn giản hóa hồ sơ hải quan. Đến nay, tất cả các thủ tục hải quan cốt lõi hoàn toàn thực hiện bằng phương thức điện tử với 100% đơn vị hải quan trên toàn quốc, 99% doanh nghiệp tham gia, xử lý hơn 99,6% tờ khai thông quan với thời gian thông quan luồng xanh chỉ từ 1-3 giây.
Từ năm 2017, Tổng cục Hải quan đã triển khai Hệ thống quản lý hải quan tự động (VASSCM) thông qua việc kết nối, trao đổi thông tin với doanh nghiệp kinh doanh cảng, sân bay, kho bãi, địa điểm chịu sự giám sát hải quan. Việc triển khai hệ thống VASSCM góp phần làm cho hồ sơ, thủ tục để đưa hàng ra khỏi kho bãi cảng đơn giản; giảm tiếp xúc giữa hải quan và doanh nghiệp; giảm thời gian đi lại làm thủ tục của doanh nghiệp xuất nhập khẩu khắc phục được tình trạng ùn tắc tại cổng cảng/kho bãi; tạo ra sự thuận lợi, minh bạch trong quản lý điều hành công việc của doanh nghiệp. Đến nay, việc thực hiện giám sát hải quan tự động được thực hiện tại hầu hết các Cục Hải quan tỉnh, thành phố.
Tổng cục Hải quan đã cung cấp 215/237 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (~ 91% tổng số thủ tục hành chính do cơ quan hải quan thực hiện), trong đó có 209 thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 (đạt tỷ lệ 88%), cho phép người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ và nhận kết quả trực tuyến thông qua mạng Internet.
Tổng cục Hải quan triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại đã có bước đột phá, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 249 thủ tục hành chính của 13 Bộ, ngành kết nối, với trên 4,92 triệu bộ hồ sơ của hơn 54.8 nghìn doanh nghiệp. Về Cơ chế một cửa ASEAN, Việt Nam đã thực hiện trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu D bản điện tử (e-C/O form D) với 09 nước ASEAN: Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Brunei, Campuchia, Myanmar, Lào, Phillipines. Việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN đã giúp giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, làm thay đổi căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành.
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan toàn diện, góp phần thúc đẩy liên kết phát triển Logistics tạo động lực tăng trưởng kinh tế tại vùng Đông Nam Bộ
Chiến lược phát triển Hải quan đã xác định nhiều giải pháp thúc đẩy liên kết vùng, thúc đẩy sự tăng trưởng, phát triển không gian kinh tế -xã hội, phát triển hành lang kinh tế theo Nghị quyết 81/2023/QH15 (trong đó có vùng Đông Nam Bộ). Các giải pháp này góp phần thúc đẩy phát triển thương mại xuyên biên giới nói chung và của vùng Đông Nam Bộ nói riêng. Đồng thời, thúc đẩy liên kết phát triển dịch vụ logistics tạo động lực tăng trưởng kinh tế cho Vùng. Cụ thể:
Một là, cải cách thủ tục hành chính hải quan theo hướng tiếp tục đơn giản, hài hòa hóa thủ tục hải quan, các chế độ quản lý hải quan theo chuẩn mực của Hải quan thế giới, tạo nền tảng để tái thiết kế các quy trình thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, đáp ứng yêu cầu triển khai mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh.
Hai là, tái thiết kế hệ thống quy trình thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan làm cơ sở để xây dựng mô hình Hải quan số theo kiến trúc Chính phủ số, Hải quan thông minh theo khuyến nghị của WCO với mức độ số hóa ngày càng cao.
Ba là, triển khai mô hình quản lý biên giới hải quan thông minh theo khuyến nghị của WCO đảm bảo cơ quan Hải quan có thể giám sát, kiểm soát hàng hóa từ đầu vào các nguồn nguyên liệu đến khi đưa vào sản xuất, chế biến, vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu.
Bốn là, triển khai hải quan xanh, khuyến khích và thúc đẩy hoạt động thương mại hướng tới phát triển bền vững theo mô hình nền kinh tế tuần hoàn thông qua việc triển khai hiệu quả các điều ước quốc tế về bảo vệ môi trường và động vật hoang dã mà Việt Nam đã ký kết, có những biện pháp khuyến khích doanh nghiệp xuất nhập khẩu thực hiện các giải pháp theo mô hình nền kinh tế tuần hoàn.
Năm là, tại các Cục Hải quan vùng Đông Nam Bộ, Tổng cục Hải quan đã phê duyệt Kế hoạch cải cách, phát triển và Hiện đại hoá các Cục Hải quan đến năm 2025. Theo đó, mục tiêu tổng quát tại kế hoạch của các Cục Hải quan luôn được xác định là xây dựng Cục Hải quan tỉnh, thành phố chính quy, hiện đại, là một trong những đơn vị dẫn đầu các cơ quan nhà nước trên địa bàn quản lý nhà nước về hải quan trong thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính; từng bước triển khai hải quan số hướng tới hải quan thông minh; tự động hoá trong thực hiện thủ tục hải quan trên môi trường hải quan quan số, cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN…
Sáu là, việc xây dựng, triển khai các kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hoá Cục Hải quan tỉnh, thành phố đến năm 2025 cùng với việc thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 sẽ góp phần quan trọng vào thúc đẩy và phát triển thương mại xuyên biên giới của vùng Đông Nam Bộ, góp phần thu hút đầu tư trên địa bàn vùng. Đây là cơ hội quan trọng đồng thời cũng là sự đóng góp rất lớn cho phát triển và liên kết phát triển dịch vụ logistics vùng Đông Nam Bộ từ đó tạo động lực thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ theo định hướng và quy hoạch và Trung ương và Quốc hội đã đề ra.
Tài liệu tham khảo:
- Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
- Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 20/5/2022 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030;
- Nghị quyết số 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.