Hiện đại hóa hải quan thúc đẩy phát triển logistics

Trần Huyền

Thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm cách cách thủ tục hành chính, tận dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ để thực hiện chuyển đổi số, hiện đại hóa một cách toàn diện các hoạt động nghiệp vụ hải quan, góp phần tạo thuận lợi thương mại và thúc đẩy logistics phát triển.

Ngành Hải quan đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, tạo thuận lợi thương mại và logistics phát triển. Ảnh: internet
Ngành Hải quan đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, tạo thuận lợi thương mại và logistics phát triển. Ảnh: internet

Cải cách, hiện đại hóa trên mọi mặt

Để tạo thuận lợi thương mại nói chung và hoạt động logistics nói riêng, Tổng cục Hải quan đã đẩy mạnh triển khai và tăng số lượng các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 trên Cơ chế Một cửa Quốc gia, công khai thông tin về thời gian tiếp nhận, xử lý các hồ sơ trên Cổng thông tin một cửa quốc gia kết nối với hệ thống quản lý chuyên ngành của các bộ ngành. Qua đó, thúc đẩy việc thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh bằng phương thức điện tử.

Cùng với đó, ngành Hải quan đã đẩy mạnh triển khai Cơ chế một cửa ASEAN và kết nối chính thức với các đối tác thương mại ngoài ASEAN. Đến nay, toàn bộ 10 nước ASEAN đã kết nối chính thức qua Cơ chế một cửa ASEAN trao đổi chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử, số lượng chứng từ trao đổi qua Cơ chế một cửa ASEAN cũng đang được mở rộng.

Công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu cũng đạt được nhiều cải cách đáng kể, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Theo đó, đã cắt giảm đáng kể các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành; chuyển đổi phương thức kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu từ tiền kiểm sang hậu kiểm; áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong công tác kiểm tra chuyên ngành...

Những năm gần đây, Tổng cục Hải quan cũng đã đầu tư, đưa vào sử dụng nhiều loại trang thiết bị hiện đại như: máy soi container, máy soi hành lý; các hệ thống camera giám sát, phòng quan sát camera và hệ thống seal định vị điện tử… nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát hải quan và phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa, ma túy qua biên giới. Qua đó, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, đảm bảo an ninh, an toàn cho nền kinh tế, thu hút đầu tư và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh công bằng, minh bạch.

Xây dựng hệ thống cửa khẩu thông minh

Ông Nguyễn Bắc Hải - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, thời gian tới, bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, quy trình nghiệp vụ, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và đẩy mạnh việc sử dụng trang thiết bị hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và tạo thuận lợi thương mại.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan sẽ tích cực nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các quốc gia tiên tiến thế giới để triển khai các giải pháp về cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi thương mại, giảm thời gian thông quan, thúc đẩy nâng cao hiệu quả, giảm chi phí trong hoạt động logistics của doanh nghiệp nói riêng.

Đặc biệt, Tổng cục sẽ tập trung xây dựng Đề án mô hình về công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh qua cửa khẩu đường bộ. Đây là mô hình nhằm hướng tới xây dựng một hệ thống cửa khẩu thông minh, biên giới thông minh, phục vụ công tác quản lý nhà nước của các lực lượng chức năng tại khu vực cửa khẩu biên giới đất liền.

Là một trong những đơn vị hải quan lớn nhất cả nước, để thúc đẩy phát triển logistics, Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã triển khai Đề án Tạo thuận lợi thương mại thủ tục hải quan trong hoạt động logistics và chống ùn tắc tại cảng Cát Lái nhằm cắt giảm thủ tục, ứng dụng công nghệ thông tin để rút ngắn hơn nữa thời gian làm thủ tục, giảm chi phí đi lại cho doanh nghiệp. Thông qua đó, nâng cao hiệu quả hoạt động logistics đối với hoạt động xuất nhập khẩu qua cảng Cát Lái, góp phần giảm ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái và nâng cao thứ bậc về chỉ số hiệu quả logistics, chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Hữu Nghiệp - Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, để hỗ trợ cho việc triển khai Đề án phát triển Logistics và chống ùn tắc nói trên, Cục Hải quan Thành phố đã triển khai Hệ thống quản trị Hải quan và chương trình hợp tác đối tác Hải quan – Doanh nghiệp. Trong thời gian tới, Cục tiếp tục triển khai các kế hoạch cải cách hành chính, hiện đại hóa, tạo thuận lợi thương mại, thúc đẩy phát triển logistics trên địa bàn.