"Hiến kế" nhận diện, xử lý tin giả để bảo vệ doanh nghiệp

Việt Hoàng

Với kỳ vọng tìm ra phương pháp tiếp cận cũng như nhận diện, xử lý tin giả một cách hiệu quả nhất, chiều ngày 15/11, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuộc tọa đàm “Bảo vệ doanh nghiệp trước tin giả”.

Cần có thêm chế tài xử phạt thích đáng, đủ sức răn đe các trường hợp cố tình tung tin giả.
Cần có thêm chế tài xử phạt thích đáng, đủ sức răn đe các trường hợp cố tình tung tin giả.

Cách nào để ứng phó với tin giả?

Tham dự Tọa đàm có ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT); ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); ông Lê Quốc Vinh - Nhà báo, Chuyên gia truyền thông; Luật sư Nguyễn Danh Huế - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH Hừng Đông, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội; ông Nguyễn Vũ Long - Quyền Tổng giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần chứng khoán Vndirect.

Về việc tiếp nhận, thanh lọc và xử lý tin giả, ông Lê Quang Tự Do cho biết, Trung tâm Xử lý tin giả của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử được thành lập vào tháng 4/2021, đúng cao điểm chống dịch COVID-19 ở nước ta. Đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận gần 5.000 phản ánh tin giả gửi đến và phân loại xử lý, đóng dấu tin giả được 50 tin. Thực tế, có những tin không phải tin giả, mà là những tin xúc phạm nhân phẩm, danh dự, những tin cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nên được chuyển đến những nơi khác để xử lý.

Nhận định con số 5.000 trong hơn 1 năm không phải là nhiều, ông Lê Quang Tự Do cho biết, Bộ TT&TT đang đẩy mạnh phổ biến để người dân biết Trung tâm trên, nhưng đồng thời Bộ cũng đề nghị các địa phương tổ chức tiếp nhận những phản ánh của người dân trên địa bàn mình để xác minh và xử lý. Địa phương sẽ tiếp nhận qua Sở TT&TT và Văn phòng UBND, nơi phát ngôn cũng là nơi chuyển cho các sở, ngành liên quan để xử lý các thông tin đó.

Đại diện Bộ TT&TT khẳng định, trường hợp, các cá nhân và doanh nghiệp khi vướng tin đồn thất thiệt có thể phản hồi đến Trung tâm Xử lý tin giả của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT).

Chia sẻ thêm, ông Lê Quang Tự Do cho biết, trong thời gian tới, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử sẽ tiếp tục triển khai kết hợp với Cổng TTĐT Chính phủ để sử dụng được những phản ánh của người dân qua fanpage Thông tin Chính phủ trên Facebook.

Trong khi đó, theo nhà báo, chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh, tương tác chính là mấu chốt của truyền thông hiện đại và phải chủ động tiếp cận người dân thì mới có thể xử lý tốt khủng hoảng truyền thông. Ông Vinh cho rằng cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp không nên để công chúng tự đi tìm kiếm thông tin về vấn đề họ thắc mắc. Thay vào đó, cần chủ động đưa ra thông tin ngay khi đo lường được sức nóng vấn đề, như vậy mới tạo ra niềm tin ở công chúng.

Đồng quan điểm với chuyên gia truyền thông về nguyên nhân tin đồn “nhiều đất sống” là do thiếu thông tin chuẩn xác, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI khẳng định, chỉ có tin thật mới xóa được tin đồn. Khi công chúng tin cậy một nguồn thông tin, tin cậy nơi cung cấp thông tin thì chắc chắn tin đồn tự khắc giảm dần và sẽ hết. Do đó, các cơ quan cần phản ứng nhanh hơn, chuyên nghiệp hơn, phải có người chuyên trong lĩnh vực này, là đầu mối và đưa ra những phản ứng kịp thời.

Từ góc độ người đứng đầu doanh nghiệp, ông Nguyễn Vũ Long - Quyền Tổng giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần chứng khoán Vndirect chia sẻ, trong giai đoạn vừa qua có rất nhiều thông tin sai lệch, thông tin không đúng sự thật và doanh nghiệp phải học cách thích nghi.

Theo đó, trong kỷ nguyên số, khi tốc độ lan truyền thông tin trên các mạng xã hội nhanh như hiện nay, rất cần sự phối hợp chặt chẽ, giải pháp đồng bộ, tổng thể nhằm điều chỉnh hành vi, thay đổi nhận thức của mỗi người, từ người đưa tin đến người chịu ảnh hưởng của thông tin, người đọc, người tiếp nhận thông tin, qua đó ngày càng giảm thiểu tin giả, tin xấu độc.

Dưới góc nhìn của một luật sư, ông Nguyễn Danh Huế cho rằng để giải quyết được tin giả cần nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật và đặc biệt là các cơ quan nhà nước, công chức, viên chức phải đi đầu làm gương, xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật. Trong bối cảnh chung của đất nước ta là ý thức thượng tôn pháp luật của các tổ chức, cá nhân chưa cao, nếu không xây dựng được ý thức thượng tôn pháp luật từ cấp tiểu học, trung học thì không giải quyết được.

Cần có thêm chế tài xử phạt thích đáng, đủ sức răn đe các trường hợp cố tình tung tin

Tại cuộc Toạ đàm, các chuyên gia cũng cơ bản thống nhất cho rằng, hiện nay hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật tương đối đầy đủ. Gần đây nhất, đã có Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Pháp luật cũng phân định rất rõ mức xử lý vi phạm hành chính, mức phạt phụ thuộc vào hậu quả.

Tuy nhiên, đóng góp thêm ý kiến, luật sư Nguyễn Danh Huế cho rằng, cần sửa luật về bồi thường thiệt hại. Theo đó, hiện nay để doanh nghiệp chứng minh thiệt hại do tin giả, tin đồn gây ra là rất khó, đôi khi cần cả hóa đơn, chứng từ. Về quy trình tố tụng, đôi khi có những vụ rõ ràng nhưng quy trình kiện dân sự, xử sơ thẩm mất 1 năm, sau đó đương sự kháng cáo mất thêm 1 năm nữa, bản án không biết bao giờ mới thi hành được. Đây cũng là bất cập khiến nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại về quyền lợi nhưng không dùng các công cụ pháp luật bảo vệ, bởi mất thời gian, tốn kém vật chất, hiệu quả không biết đến đâu.

Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn đề xuất, có thể phải thay đổi, cải cách tư pháp, làm sao có những phiên xử rút gọn, nhanh, đúng với tinh thần giao dịch trên mạng hiện nay, bởi hiện nay một giao dịch trên mạng xã hội mất có vài giây trong khi chúng ta xét xử tranh chấp đến hàng năm.

Trước đây, nếu người thật thì xác định được cá nhân, nhưng lên internet, do yếu tố ẩn danh, không hiện diện nên nhiều người dùng cảm thấy trách nhiệm ít hơn và dễ dàng lan truyền những thông tin không đúng, không thật. Do đó, phải có cách thức bắt buộc công khai thông tin, nhất là với những người có ảnh hưởng (KOL) và có những quy định bắt buộc nghĩa vụ họ phải thực hiện.

Nói đến vấn đề xử lý người đưa tin giả, ông Lê Quốc Vinh gợi ý cần có giải pháp cho những người dân bình thường. Ngoài ra, cũng cần có thêm chế tài xử phạt thích đáng, đủ sức răn đe các trường hợp cố tình tung tin.