Hiệp định EVIPA: “Đón lõng” sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư quốc tế
Sáng ngày 8/6/2020, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu (EU) và các nước thành viên EU (EVIPA) với tỷ lệ đại biểu tán thành gần như tuyệt đối. Theo các chuyên gia kinh tế, việc thực thi EVFTA, EVIPA sẽ góp phần quan trọng giúp Việt Nam đón lõng sự dịch chuyển của dòng đầu tư quốc tế nhằm sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như đón đầu sự điều chỉnh của các cấu trúc kinh tế và trật tự thế giới mới.
Hiệp định EVIPA được Hội đồng châu Âu thông qua ngày 25/6/2019 và được đại diện các bên ký ngày 30/6/2019 tại Hà Nội. Ngày 12/2/2020, Nghị viện châu Âu đã phê chuẩn EVIPA cùng với việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA. Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam cũng đã trình Quốc hội phê chuẩn EVIPA tại Kỳ họp thứ 9, khẳng định quyết tâm chính trị của Nhà nước ta trong việc sớm triển khai các cam kết trong EVIPA, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam với EU.
Việc thực hiện các cam kết theo EVIPA sẽ là động lực thúc đẩy Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, bình đẳng, an toàn, minh bạch và thân thiện hơn đối với nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế.
Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định EVIPA với EU với tỷ lệ tán thành rất cao đã tạo môi trường thuận lợi về kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU, qua đó khẳng định rõ vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Theo Nghị quyết phê chuẩn đã được Quốc hội thông qua, toàn bộ nội dung Hiệp định được áp dụng trực tiếp trừ một số quy định tại Điều 3.57 của Hiệp định sẽ được thực hiện theo một nghị quyết riêng của Quốc hội có một số nội dung còn chưa cụ thể, một số nội dung chưa được pháp luật Việt Nam quy định, do đó rất khó có thể áp dụng được trực tiếp.
Theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, Việt Nam đang trở thành vùng đất lành cho các tập đoàn lớn đến đầu tư, đặc biệt là sau sự kiện chính thức ký kết Hiệp định EVFTA và EVIPA. Bà Cecilia Malmstrom, Cao ủy Thương mại của EU cho rằng, với sự bảo hộ đầu tư tốt hơn qua các cam kết tại EVIPA, các nhà đầu tư EU sẽ có thêm lòng tin để đầu tư vào Việt Nam. Hiệp định EVFTA và EVIPA, có thể nói, sẽ là sự bảo đảm cho một môi trường đầu tư, kinh doanh cởi mở, thông thoáng hơn cho các nhà đầu tư toàn cầu nói chung.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc thực thi EVFTA, EVIPA sẽ góp phần quan trọng giúp Việt Nam đón lõng sự dịch chuyển của dòng đầu tư quốc tế nhằm sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như đón đầu sự điều chỉnh của các cấu trúc kinh tế và trật tự thế giới mới. Việc thực hiện các cam kết theo EVIPA sẽ là động lực thúc đẩy Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, bình đẳng, an toàn, minh bạch và thân thiện hơn đối với nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế.
Cùng với những cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư theo EVFTA, thực thi EVIPA sẽ tạo môi trường thuận lợi để Việt Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư trong một số lĩnh vực mà EU có tiềm năng và thế mạnh do mức độ tự do hóa đầu tư của EU vào Việt Nam được tăng thêm, đặc biệt là trong một số ngành dịch vụ chuyên môn, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, dịch vụ phân phối, công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo...
Bên cạnh đó, đầu tư từ EU trong các lĩnh vực này có thể hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế trong nước. Thông qua liên kết sản xuất với doanh nghiệp có vốn đầu tư của EU, doanh nghiệp trong nước có cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của EU và toàn cầu, được chuyển giao công nghệ, kỹ năng, qua đó sẽ nhận được tác động lan tỏa về công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, góp phần tăng sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cùng với EVFTA, Hiệp định EVIPA sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thông qua tác động tới đầu tư, thương mại, cải thiện năng suất và cải thiện môi trường thể chế. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang lan rộng EVFTA và EVIPA có tác động tích cực giúp Việt Nam thiết lập các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị mới với EU, phục hồi nền kinh tế, bù đắp những thiệt hại do việc đứt gãy các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị khác của Việt Nam với các nước khác do ảnh hưởng của đại dịch.
Tuy nhiên, để thi hành EVIPA đồng thời phát huy tối đa những lợi ích mang lại từ Hiệp định, theo Tờ trình, Việt Nam cũng đứng trước một số khó khăn, thách thức do thể chế, chính sách, cơ chế quản lý của Việt Nam còn một số mặt hạn chế; hệ thống kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ công chức, thẩm phán, luật sư, trọng tài viên quốc tế để đáp ứng xử lý các tranh chấp đầu tư theo Hiệp định; năng lực và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp còn yếu…
Trong bối cảnh đó, để thực thi EVIPA có hiệu quả, cần tiếp tục rà soát hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; xây dựng đề án tuyên truyền, phổ biến đến các ngành, các cấp, doanh nghiệp và người dân trước khi Hiệp định có hiệu lực; có chính sách hỗ trợ để nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ để đáp ứng xử lý các tranh chấp phát sinh theo khuôn khổ Hiệp định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia...