Hiệp định RCEP tác động đến lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam
Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia của các nước thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang các nước thành viên. Tuy nhiên, những tiêu chuẩn khắt khe của thị trường này cũng tạo ra nhiều thách thức.
Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia của các nước thành viên RCEP nhìn chung theo hệ thống tiêu chuẩn quốc tế ISO, IEC, ITU, CODEX… tương tự như hệ thống TCVN nên tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang các nước thành viên.
Tại Việt Nam, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia với hơn 13500 TCVN, tỷ lệ 61% hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, trở thành công cụ hỗ trợ cho hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam hội nhập dễ dàng vào các thị trường lớn, yêu cầu chất lượng nghiêm ngặt như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…
Tuy nhiên, thách thức, khó khăn cho Việt Nam đến từ việc một số nước phát triển trong RCEP như Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Singapore… thời gian qua đã tăng cường ban hành, áp dụng các quy định kiểm sát chặt chẽ hơn đối với tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật.
Theo đó, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đã có thể vượt qua được tiêu chuẩn quốc gia xuất khẩu, nhưng lại gặp khó khăn khi đáp ứng các tiêu chuẩn riêng, do nhà nhập khẩu đưa ra, yêu cầu phải thỏa mãn thì mới được đưa vào hệ thống phân phối, siêu thị, chuỗi cung ứng…
Bên cạnh đó, sản phẩm, hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu vào các nước RCEP còn phải đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, ghi nhãn, quy cách mẫu mã…
Theo các chuyên gia kinh tế, trong thời gian tới, các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe khi các nước sẽ tăng cường kiểm tra và áp dụng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó có Việt Nam.