Hiệu quả quản lý hành chính thuế đạt 9/10 điểm
Ngày 25/5, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội thảo công bố báo cáo công bằng thuế Việt Nam năm 2017. Theo đó 3/6 chỉ tiêu chính đánh giá hệ thống thuế của Việt Nam đều đạt điểm số cao là quản lý hành chính thuế đạt 9/10 điểm; tính đầy đủ của nguồn thu ngân sách 8/10 điểm và tính lũy tiến hệ thống thuế 7/10.
PGS., TS. Vũ Sỹ Cường đại diện nhóm nghiên cứu cho biết: báo cáo sử dụng bộ công cụ do Oxfam toàn cầu phát triển để đánh giá hệ thống thuế của Việt Nam trong 10 năm trở lại đây.
Các tiêu chí để đánh giá trong bộ công cụ này gồm tính lũy tiến của hệ thống thuế; tính đầy đủ của thu ngân sách; tính công bằng qua việc phân tích về miễn giảm thuế; hiệu quả quản lý hành chính thuế; công bằng qua chi tiêu của Chính phủ và trách nhiệm giải trình.
Đại diện nhóm nghiên cứu chia sẻ, quy mô của ngân sách Nhà nước so với GDP có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Cụ thể, tổng thu ngân sách năm 2006 chiếm khoảng 30% GDP đến nay đã giảm còn hơn 24%. Số thuế tương ứng đã giảm dần từ mức 24% xuống mức 18% GDP.
Xét về cơ cấu thu thuế, tỷ trọng thuế gián thu tăng mạnh lên mức 60%, thuế trực thu đã giảm xuống dưới 40%. Điều này tác động không tốt đến tính lũy tiến của hệ thống thuế Việt Nam.
Mặc dù được đánh giá khá cao về tính đầy đủ của nguồn thu ngân sách nhưng báo cáo chỉ ra nhiều vấn đề cần lưu tâm đó là, các khoản thu phí và lệ phí còn quá nhiều, với 100 loại phí và gần 50 loại lệ phí, chiếm tới gần 10% tổng thu ngân sách.
Khoản thu về đất tiếp tục đóng góp lớn trong tổng thu ngân sách chiếm khoảng 11%. Tuy nhiên đây là những khoản thu một lần và không bền vững.
Từ kết quả nghiên cứu các chuyên gia khuyến nghị, thuế trực thu đang chiếm tỷ trọng thấp, cho thấy nguồn thu của Việt Nam dựa nhiều vào thuế tiêu dùng - những loại thuế mang tính lũy thoái cao. Vì vậy, bất kỳ đề xuất tăng thuế tiêu dùng nào cũng cần thận trọng.
Phân tích cũng cho thấy, vai trò hạn chế của thuế tài sản như thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và nông nghiệp và số lượng người nộp thuế TNCN chưa cao (khoảng 8 triệu người nộp thuế thường xuyên trên khoảng 50 triệu lao động).
Do đó trong thời gian tới có thể nghiên cứu ban hành các loại thuế tài sản phù hợp. Bên cạnh đó các cơ quan quản lý cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thời gian chi phí cho DN, đồng thời tách các chính sách xã hội ra khỏi chính sách thuế để tránh bị lợi dụng.