Hiệu quả từ tăng tỷ lệ nội địa hóa
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, đặc biệt là khi tham gia vào các FTA quan trọng (TPP, AEC, EVFTA, FTA Việt Nam - EAEU…), thì việc tăng tỷ lệ nội địa hóa là điều rất cần thiết đối với doanh nghiệp (DN)...
Hiện nhiều DN đang tích cực nâng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm để vừa kiểm soát được quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, vừa giảm chi phí giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Khánh cho rằng, việc tăng tỷ lệ nội địa hóa góp phần rất lớn giúp DN tiết giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh cho DN. Thời gian qua đã có rất nhiều DN thực hiện các dự án nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và đã thành công đem lại nguồn thu lợi nhuận lớn cho DN.
Điển hình như việc tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm giàn khoan tự nâng đã giúp Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam giảm được chi phí ít nhất khoảng 7 triệu USD. Công ty cổ phần ô tô Trường Hải với việc tăng tỷ lệ nội địa hóa trong chế tạo xe ô tô bus từ 45% lên 59% góp phần giảm giá thành sản phẩm, sản lượng tăng 1,5 lần…
Ông Trần Văn Quang, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh (EEMC) cho biết, việc tăng tỷ lệ nội địa sẽ giúp DN giảm lượng hàng ngoại nhập, từ đó có thể đưa năng lực của DN lên cao. Tuy nhiên để làm được điều này DN phải mạnh dạn đầu tư khoa học công nghệ, tuyển chọn những kỹ sư trình độ cao. Đặc biệt dám đương đầu với những khó khăn thử thách lớn.
Trong xu hướng khoa học công nghệ phát triển, EEMC đã biết tận dụng những lợi thế đó để ứng dụng vào trong sản xuất kinh doanh. Với truyền thống và kinh nghiệm 45 năm trong thiết kế, chế tạo, cung cấp và sửa chữa các thiết bị điện, EEMC đã nổi tiếng là nhà sản xuất thiết bị điện hàng đầu Việt Nam với các sản phẩm cáp điện, cầu dao, tủ điện và đặc biệt năm 2010 đã chế tạo thành công máy biến áp 500 kV.
Năm 2008, nhằm thực hiện đề tài khoa học cấp nhà nước chế tạo máy 220 kV công suất 250 MVA, lãnh đạo EEMC đã dốc túi và đi vay tiền ngân hàng với lãi suất 17-18%/năm để đầu tư một loạt thiết bị công nghệ mới, xây dựng nhà xưởng mới với hệ thống cẩu trục 150 tấn để làm ra chiếc máy có tỷ lệ nội địa hóa tới 90%.
Vang dội nhất là sự kiện chế tạo thành công máy biến áp 500 kV đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2010. EEMC đã khẳng định năng lực và trưởng thành vượt bậc trên lĩnh vực sản xuất cơ khí điện, đưa Việt Nam trở thành nước đầu tiên ở Đông Nam Á và một trong 10 nước trên thế giới sản xuất được máy biến áp 500 kV, đồng thời góp phần đưa ngành điện từng bước làm chủ và chủ động trong công tác bảo dưỡng, sửa chữa các thiết bị điện cấp điện áp đến 500 kV.
Với tỷ lệ nội địa hóa tới 90%, việc chế tạo thành công các máy biến áp truyền tải từ 110 kV đến 500 kV đã trở thành đối trọng để các hãng nước ngoài bán sản phẩm vào Việt Nam phải giảm giá từ 20-30%. Góp phần giúp ngành điện tiết kiệm chi phí mua sắm, làm giảm nhập siêu cho đất nước. Giúp ngành điện chủ động trong việc cung cấp các máy biến áp và các sản phẩm thiết bị điện, phục vụ chống quá tải cho lưới điện quốc gia.
Tạo ra lợi nhuận để DN có khả năng đầu tư thiết bị công nghệ tiên tiến nhằm mở rộng và phát triển sản xuất, tạo ra các sản phẩm mới, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế, tăng khả năng cạnh tranh của DN trong nước.
Đặc biệt năm 2014, EEMC đã đưa ba loại máy biến áp gồm máy cấp điện áp 220 kV, máy cấp điện áp 110 kV và máy biến áp phân phối 22 kV đi thí nghiệm ngắn mạch tại phòng Thí nghiệm quốc tế Intertek và đạt kết quả tốt, đáp ứng được những yêu cầu vận hành trong hệ thống điện quốc gia, đạt chất lượng tương đương các máy biến áp của các hãng lớn trên thế giới.
Đây chính là sản phẩm của dự án “Hoàn thiện thiết kế, quy trình công nghệ về chế tạo máy biến áp 220 kV đạt tiêu chuẩn IEC 60076 do TGĐ Trần Văn Quang làm chủ nhiệm. Có thể nói việc chế tạo thành công các máy biến áp truyền tải từ 110kV đến 500kV đã giúp ngành điện giảm chi phí mua sắm gần 30% (nhiều nghìn tỷ đồng) so với máy biến áp nhập khẩu.
Có thể thấy việc tăng tỷ lệ nội địa hóa đã giúp DN thành công đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, từng bước làm chủ công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và hướng đến các thị trường xuất khẩu với giá trị ngày càng lớn. Trong bối cảnh hội nhập của Việt Nam, việc bãi bỏ thuế quan trong các Hiệp định thương mại đang mở ra nhiều cơ hội cho các DN. Vì vậy việc nâng tỷ lệ nội địa hóa cũng sẽ đem lại những lợi thế cho các DN xuất khẩu.