Hiệu quả từ xử lý nợ, tái cơ cấu doanh nghiệp

Hồng Minh - DĐDN

Những năm gần đây, tái cơ cấu doanh nghiệpđã trở thành một trong ba trọng tâm chính của tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế. Trong đó, góp phần đáng kể vào quá trình tái cơ cấu và thúc đẩy tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước là hoạt động mua bán, xử lý nợ xấu của Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam.

Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La là một trong những đơn vị được DATC xử lý nợ, tái cơ cấu thành công
Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La là một trong những đơn vị được DATC xử lý nợ, tái cơ cấu thành công

Vai trò của DATC

Trong giai đoạn 2011-2015, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã xử lý gần 40.000 tỷ đồng nợ xấu (bao gồm cả nợ xấu của Vinashin thông qua phát hành trái phiếu, hối phiếu).

Để có được kết quả đó, lãnh đạo Công ty đã tập trung chỉ đạo nhiều giải pháp linh hoạt, kể cả thay đổi phương thức tiếp cận khai thác nợ xấu từ các tổ chức tín dụng (kể cả nợ xấu tại các doanh nghiệp).

Cùng với việc đẩy nhanh công tác tiếp nhận tại doanh nghiệp, DATC tâp trung xử lý tài sản, thực hiện nhiều giải pháp thu hồi nợ.

Trong giai đoạn 2011-2015, DATC đã thực hiện xử lý nợ và tài sản tồn đọng của 333 doanh nghiệp với giá trị thu hồi là hơn 150 tỷ đồng, nộp ngân sách 106 tỷ đồng.

Hoạt động mua bán nợ gắn với tái cấu trúc tại doanh nghiệp của DATC cũng góp phần đẩy nhanh công tác chuyển đổi sở hữu các doanh nghiệp thành viên thuộc các Tập đoàn, tổng tông ty, giúp cho 20 tổng công ty nhà nước cổ phần hóa theo đúng lộ trình chung của Chính phủ.

Điển hình như: Tổng Công ty Sông Hồng, Tổng Công tyDâu tằm tơ,Tổng Công ty Thăng Long, Tổng Công ty Bạch Đằng, Tổng Công ty Cà phê, Vinashin, Vinalines cũng như các Tổng Công ty thuộc Bộ Giao Thông…

Trong những năm gần đây, DATC không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà còn hỗ trợ các DN khác tái cơ cấu lại tình hình tài chính, vượt qua khó khăn, tiếp tục đóng góp cho ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động và ổn định an sinh xã hội.

Ông Võ Trường Thành – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Gỗ Trường Thành cho hay, việc bán nợ của ngân hàng cho DATC đối với khoản nợ vay đã cứu gỗ Trường Thành, đồng thời cũng là cứu ngân hàng. Ông chia sẻ, thông qua DATC, Công ty đã tái cơ cấu các khoản nợ vay ngân hàng và giảm mức lãi suất ấn định từ 17 – 18% xuống chỉ còn 7 – 8%/năm.

Ngoài Trường Thành, những DN khác như Công ty Sadico Cần Thơ, Công ty Cổ phần Đường Sơn La, Tổng Công ty Dâu tằm tơ, Dệt Hòa Khánh, gạch men Cosevco và Công ty Intimex Nha Trang đã được tái cơ cấu thành công nhờ vào hoạt động mua bán xử lý nợ của DATC.

Cùng với đó, DATC cũng đang bắt tay vào tái cơ cấu khoản nợ 530,69 tỷ đồng cho Haprosimex và khoản nợ 723,82 tỷ đồng cho Công tyThực phẩm miền Bắc.

Thực tế, có nhiều giải pháp xử lý nợ xấu, ở cả tầm quốc gia hay ở cấp độ đơn lẻ từng đơn vị, như xử lý tài sản bảo đảm, bán nợ, cơ cấu lại nợ, chứng khoán hóa nợ, nhưng phát triển thị trường mua bán nợ xấu là một biện pháp mang lại nhiều hiệu quả tích cực.

Tại Việt Nam, số lượng nợ xấu là khá nhiều nhưng số lượng DN chuyên hoạt động mua bán nợ xấu lại không nhiều. Nhưng nếu nói về vai trò mua bán nợ và tham gia sâu vào quá trình tái cơ cấu DN, có lẽ chỉ có DATC là tích cực nhất. Những trường hợp như Công tyDâu tằm tơ, Đường Sơn La, Sadico Cần Thơ, gỗ Trường Thành và sắp tới sẽ là Haprosimex là những minh chứng rõ nét cho sự tích cực của DATC.

Trong năm 2015 Công ty đã mua hơn 4.300 tỷ đồng nợ của các tổ chức tín dụng trong nước và ngoài nước. Đây là năm đầu tiên DATC thực hiện thí điểm mua nợ của tổ chức tín dụng ngoài nước.

Bên cạnh việc đẩy mạnh mua nợ, DATC luôn tăng cường hoạt động thu nợ, xử lý nợ đối với các DN đã mua nợ. Riêng năm 2015 hoạt động này đã mang lại cho DATC giá trị hơn 1.800 tỷ đồng, đạt 168% kế hoạch, tăng gấp 2,52 lần so cùng kỳ.

Cùng với việc mua, bán, tiếp nhận và xử lý, công tác thoái vốn đầu tư tại các DN, các tổ chức tài chính có vốn góp của DATC được xem là nhiệm vụ chính trị.

Do đó, DATC đã tập trung rà soát các khoản vốn góp thông qua hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện sắp xếp chuyển đổi sở hữu và các doanh nghiệp khác có vốn góp của DATC để thoái vốn theo quy định, kể cả thoái vốn các doanh nghiệp mới góp vốn từ 2013, 2014.

Trong năm 2015, DATC đã hoàn thành thoái vốn tại 24 doanh nghiệp, thu về hơn 323 tỷ đồng, đạt 115% kế hoạch, tăng gấp 2,37 lần so cùng kỳ.

Trao đổi về kinh nghiệm tái cơ cấu DN thông qua phương thức mua bán nợ, Phó Tổng Giám đốc DATC Hồ Văn Thám cho biết, theo quy trình chuẩn thì DN mua bán nợ cần chủ động kiểm soát chặt chẽ rủi ro, do đó, phải tự tìm hiểu thông tin về DN, đàm phán mua nợ và chuyển nợ thành vốn góp tại DN nhằm cơ cấu lại nguồn vốn và nợ của DN.

Hoạt động này sẽ giảm nhẹ gánh nặng trả nợ cho DN, đây cũng là khâu quan trọng nhất quyết định mức độ thành côngcủa hoạt động tái cơ cấu. Tiếp theo, cần tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược tham gia góp vốn vào DN để tận dụng những kinh nghiệm quản trị, trình độ kỹ thuật, kênh phân phối, nhằm hỗ trợ DN sau tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình DN thành công ty cổ phần.

Chính vì vậy, việc mua bán nợ gắn với tái cơ cấu các DN của DATC đã giúp đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ với các ngân hàng, qua đó giúp các ngân hàng thương mại xử lý nhanh lượng nợ lớn tồn đọng, nâng cao năng lực tài chính, đồng thời hỗ trợ hoạt động tái cơ cấu DN.

Hướng tới mô hình Tổng Công ty

Thực tế, DATC đã và đang hoạt động như một định chế tài chính, một Công ty xử lý nợ mang tầm cỡ quốc gia. Song quy trình xử lý, mua bán nợ xấu còn có những rào cản lớn đòi hỏi phải có hành lang pháp lý thông thoáng, giảm những ràng buộc, cản trở việc xử lý nợ xấu hiện nay.

Do vậy, DATC đã tập trung nghiên cứu, đề xuất nhiều cơ chế chính sách trình các cấp có thẩm quyền nhằm hoàn thiện và hỗ trợ về hoạt động tiếp nhận nợ và tài sản tồn đọng của mình.

Đặc biệt, hoàn thiện Đề án chiến lược kinh doanh của Công ty giai đoạn 2015 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030: Đề án nâng cấp Công ty thành Tổng Công ty Mua bán nợ Việt Nam.

Bên cạnh đó, công tác quản trị nội bộ Công ty cũng được tăng cường trên cơ sở tập trung bổ sung, hoàn thiện trên 40 quy trình, quy chế quản lý nội bộ nhằm tạo cơ sở pháp lý và hạn chế rủi ro.

Thông qua hoạt động này, công ty đã vận dụng hợp lý đường lối, chính sách của Nhà nước, tìm hiểu đối tác để chủ động đề ra những giải pháp xử lý nhằm hạn chế rủi ro trong quá trình xây dựng, triển khai thực hiện phương án mua bán nợ, tái cơ cấu doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ được Chính phủ, Bộ Tài chính giao sẽ rất cần sự tháo gỡ sớm một số cơ chế chính sách còn tồn tại cho DATC.

Cùng với việc bổ sung, hoàn thiện hơn nữa hệ thống quy trình, quy chế quản lý nội bộ nhằm tăng cường kiểm soát rủi ro, phân định rõ thẩm quyền trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, DATC cũng kiến nghị Bộ Tài chính tiếp tục ủng hộ Công ty trong việc nâng tầm khuôn khổ pháp lý, sớm xem xét trình Chính phủ quyết định ban hành Nghị định về chức năng nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của DATC, chiến lược phát triển công ty trong thời gian tới cùng một số cơ chế chính sách quan trọng khác.