Hiệu quả ứng dụng công nghệ cộng tác trong công việc của các đội ảo lĩnh vực tài chính - ngân hàng


Đội ảo gồm các thành viên bị phân tán (về địa lý, thời gian…), được hỗ trợ bởi công nghệ để hoàn thành các nhiệm vụ của tổ chức. Trong đại dịch COVID-19, nhiều tổ chức trên khắp thế giới đã sử dụng đội ảo để kết nối những nhân viên làm việc tại nhà với những nhân viên làm việc tại cơ sở thành các đội làm việc thông qua công nghệ cộng tác. Dựa trên lý thuyết xác nhận kỳ vọng và các kết quả nghiên cứu liên quan, bài viết kiểm định mô hình của 279 thành viên trong 214 đội dự án ảo thuộc lĩnh vực tài chính, ngân hàng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, đề xuất mô hình mô tả ảnh hưởng của các yếu tố liên quan đến việc sử dụng công nghệ cộng tác lên thành quả công việc trong đội ảo.

Nhiều tổ chức trên khắp thế giới đã sử dụng đội ảo để kết nối những nhân viên làm việc tại nhà với những nhân viên làm việc tại cơ sở
Nhiều tổ chức trên khắp thế giới đã sử dụng đội ảo để kết nối những nhân viên làm việc tại nhà với những nhân viên làm việc tại cơ sở

Lĩnh vực lao động và việc làm trên thế giới những năm gần đây đã trải qua những thay đổi ở quy mô lớn chưa từng có do sự dịch chuyển của một số yếu tố, trong đó có yếu tố công nghệ. Sự phát triển nhảy vọt của công nghệ đã dẫn tới nhiều hệ quả quan trọng đối với môi trường làm việc, điển hình là sự bùng nổ của các hình thức làm việc thông qua công nghệ cộng tác (CNCT).

Theo Chinowsky & Rojas (2003), CNCT là những ứng dụng công nghệ thông tin cho phép người dùng giao tiếp và thao tác đồng bộ trên dữ liệu chung. Theo Ebrahim và cộng sự (2009), đội ảo gồm các thành viên bị phân tán (địa lý, thời gian…), được hỗ trợ bởi CNCT để hoàn thành các nhiệm vụ của tổ chức. CNCT giúp các thành viên đội ảo tạo ra các không gian làm việc điện tử để trải nghiệm hầu như toàn bộ các tương tác xảy ra trong quá trình cộng tác.

Đội ảo được sử dụng phổ biến trong các tổ chức, đặc biệt càng phát huy lợi ích trong đại dịch COVID- 19. Nhiều nghiên cứu cho thấy nhờ sử dụng CNCT, đội ảo đã giúp các tổ chức khai thác được nguồn nhân lực linh hoạt và hiệu quả hơn, vượt qua giới hạn về địa lý và thời gian (Bjorn & Ngwenyama, 2010; Godin & cộng sự, 2017).

Trong đại dịch COVID- 19, nhiều tổ chức trên khắp thế giới đã sử dụng đội ảo để kết nối những nhân viên làm việc tại nhà với những nhân viên làm việc tại cơ sở thành các đội làm việc thông qua CNCT (McKinsey, 2021). Tại Việt Nam, đẩy mạnh sử dụng đội ảo trong quản lý, điều hành và triển khai công việc tại các tổ chức được xem là giải pháp then chốt giúp cả nước thực hiện mục tiêu kép - vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế (Báo chính phủ, 2021).

Hiệu quả ứng dụng công nghệ cộng tác trong công việc của các đội ảo lĩnh vực tài chính - ngân hàng  - Ảnh 1

Để kiểm soát hành vi sử dụng CNCT trong đội ảo, nhà quản lý cần hiểu biết về cách thức ảnh hưởng của các yếu tố quan trọng lên hành vi này (Kirkman & cộng sự, 2002; Munkvold & Zigurs, 2007). Dựa vào lý thuyết xác nhận kỳ vọng và các nghiên cứu liên quan, bài viết này tìm hiểu ảnh hưởng của hành vi sử dụng CNCT lên thành quả công việc trong đội ảo.

Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu

Lý thuyết xác nhận kỳ vọng

Lý thuyết xác nhận kỳ vọng (Oliver, 1980) giải thích ảnh hưởng của sự hài lòng lên quyết định mua lại của người tiêu dùng trong một loạt bối cảnh sau khi mua sản phẩm hoặc sử dụng dịch vụ, nhấn mạnh rằng việc mua lại sản phẩm hoặc tiếp tục sử dụng dịch vụ của người tiêu dùng được xác định phần lớn bởi sự hài lòng với việc sử dụng trước đó.

Lý thuyết này đã được ứng dụng, mở rộng và tích hợp với các lý thuyết khác để nghiên cứu về sự tiếp tục sử dụng công nghệ thông tin (ví dụ: Bhattacherjee và cộng sự, 2001, 2008, 2015). Các kết quả nghiên cứu liên quan cho thấy hành vi sử dụng công nghệ thông tin chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi sự hài lòng với việc sử dụng công nghệ thông tin trước đó, thói quen sử dụng công nghệ thông tin, và một số yếu tố tâm lý khác.

Biện luận các giả thuyết nghiên cứu

Sự hài lòng với việc sử dụng CNCT:

Sự hài lòng với việc sử dụng CNCT trong đội ảo là cảm xúc tình cảm của một thành viên đội ảo xuất phát từ kinh nghiệm sử dụng một hoặc một số loại CNCT để làm việc trong đội ảo trước đó (Bhattacherjee và Lin, 2015). Sự hài lòng với việc sử dụng Blackboard đã được chứng minh là có ảnh hưởng trực tiếp lên ý định sử dụng Blackboard (Limayem và Cheung, 2008). Theo Bhattacherjee và Lin (2015), mức độ ảnh hưởng của sự hài lòng với việc sử dụng hệ thống công nghệ thông tin bảo hiểm lên hành vi sử dụng còn mạnh hơn mức độ ảnh hưởng của sự hài lòng với việc sử dụng lên ý định sử dụng. Nhiều nghiên cứu thực nghiệm đã cho thấy, sự hài lòng có thể có tác động trực tiếp lẫn gián tiếp lên hành vi sử dụng CNTT thông qua trung gian là ý định sử dụng (Doong và Lai, 2008).

Dựa vào đó, giả thuyết (H1) được đề xuất: Sự hài lòng với việc sử dụng CNCT có ảnh hưởng tích cực lên hành vi sử dụng CNCT của mỗi thành viên đội ảo.

Thói quen sử dụng CNCT:

Thói quen sử dụng CNCT trong đội ảo là mức độ mà một thành viên đội ảo có xu hướng thực hiện hành vi sử dụng một hoặc một số loại CNCT một cách tự động để làm việc trong đội ảo do đã sử dụng trước đó (Limayem và cộng sự, 2007). Theo Bhattacherjee và Lin (2015), khi sử dụng công nghệ thông tin trở thành thói quen, hành vi sử dụng không còn được hướng dẫn bởi việc lập kế hoạch có ý thức mà bởi các tín hiệu môi trường theo cách không suy nghĩ hoặc tự động.

Theo Piguing và Ko (2016), việc sử dụng các trang web có thể được dự đoán dựa trên mức độ mà hành vi sử dụng đã trở thành tự động. Theo Hsiao và cộng sự (2016), việc sử dụng công nghệ thường xuyên có thể do phù hợp với cuộc sống hàng ngày, vì vậy hành vi sử dụng có thể không bị ảnh hưởng bởi đánh giá có ý thức mà bởi thói quen.

Dựa vào đó, giả thuyết (H2) được đề xuất: Thói quen sử dụng CNCT có ảnh hưởng tích cực lên hành vi sử dụng CNCT của mỗi thành viên đội ảo.

Sự tự tin vào năng lực bn thân:

Sự tự tin vào năng lực bản thân của một thành viên đội ảo phản ánh niềm tin của thành viên đó vào khả năng có thể thực hiện các hoạt động công việc trong đội ảo bằng kỹ năng có được (Spreitzer, 1995). Sự tự tin vào năng lực bản thân được xác nhận là có ảnh hưởng lên một số hành vi liên quan đến sử dụng công nghệ thông tin, chẳng hạn như hành vi thu thập kỹ năng máy tính (Gist và cộng sự, 1989; Mitchell và cộng sự, 1994), hành vi chấp nhận công nghệ (Agarwal và Karahanna, 2000; Venkatesh, 2000), hành vi sử dụng hệ thống thông tin (Compeau và Higgins, 1995; Compeau và cộng sự, 1999; Mun và Hwang, 2003).

Dựa vào đó, giả thuyết (H3) được đề xuất: Sự tự tin vào năng lực bản thân có ảnh hưởng tích cực lên hành vi sử dụng CNCT của mỗi thành viên đội ảo.

Thành quả công việc

Thành quả công việc trong đội ảo là tổng giá trị mà một thành viên đội ảo mong đợi là có thể đóng góp cho đội ảo thông qua các hành vi mà thành viên đó thực hiện trong đội ảo trong một khoảng thời gian nhất định (Motowidlo và Kell, 2012). Theo Sun và cộng sự (2009), hành vi sử dụng của người dùng hệ thống ERP tại Trung Quốc có ảnh hưởng tích cực lên thành quả cá nhân của họ. Tam và Oliveira (2016) thực hiện một khảo sát tại Portugal (Châu Âu), kết quả cho thấy hành vi sử dụng ngân hàng trực tuyến có ảnh hưởng tích cực lên thành quả công việc của người dùng.

Dựa vào đó, giả thuyết (H4) được đề xuất: Hành vi sử dụng CNCT có ảnh hưởng tích cực lên sự tự tin vào năng lực bản thân của mỗi thành viên đội ảo.

Phương pháp nghiên cứu

Thang đo

Thang đo của 05 yếu tố trong mô hình được kế thừa từ các nghiên cứu có trước và hiệu chỉnh câu chữ thông qua phỏng vấn sơ bộ 11 đáp viên đang là trưởng đội của 11 đội dự án ảo thuộc lĩnh vực tài chính ngân hàng (xem Bảng 1). Sử dụng Thang đo thứ tự 5 mức và thang đo Likert 5 điểm được sử dụng.

Thu thập và phân tích dữ liệu

Một nghiên cứu định lượng được thực hiện bằng cách phát bảng câu hỏi thuận tiện cho các thành viên của các đội dự án ảo thuộc lĩnh vực tài chính ngân hàng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Cỡ mẫu là 279, đạt yêu cầu phân tích SEM bằng ước lượng ML (Hair và cộng sự, 2014). Dữ liệu được xử lý bằng SPSS và AMOS qua 03 bước: (1) Thống kê mô tả; (2) Kiểm định sơ bộ thang đo bằng phân tích Cronbach’s Alpha và phân tích EFA (phép quay Promax); (3) Kiểm định mô hình đo lường bằng phân tích CFA và kiểm định mô hình cấu trúc bằng phân tích SEM.

Kết quả nghiên cứu

Thống kê mô tả

Trong số 279 đáp viên, có 179 người sinh từ năm 1965 đến 1980 (Gen X) (64,2%), 100 người sinh từ năm 1981 đến 1996 (Gen Y) (35,8%). Có 98 người giữ vị trí trưởng đội (35,1%), 181 người là thành viên bình thường trong đội (64,9%).

Kiểm định mô hình đo lường

Từ 22 biến ban đầu, tiến hành phân tích Cronbach’s Alpha, lần lượt loại 05 biến HaiLong2, ThoiQuen2, ThanhQua7, ThanhQua3, ThanhQua1 do |tương quan biến – tổng| <0,3 và hệ số Cronbach’s Alpha của thang đo tăng khi loại biến. Bộ thang đo Ccòn lại 17 biến, tiến hành phân tích EFA, lần lượt loại 02 biến ThoiQuen1, ThanhQua6 do tải lên 02 nhân tố với |hiệu số tải| <0,3. Cuối lần chạy thứ 03, tập dữ liệu còn 15 biến đều có hệ số tải >0,7, KMO=0,845 (p=0,000 <0,05), 05 nhân tố hình thành đều có hệ số Cronbach’s Alpha >0,7. Tổng phương sai trích = 88,318% >50%, giải thích tương đối tốt sự biến thiên của dữ liệu (Hair và cộng sự, 2014) (xem Bảng 1).

Tiếp tục tiến hành phân tích CFA, kết quả thu được 15 biến đều có hệ số tải chuẩn hóa >0,7 (p=0,000 <0,05), phương sai trích trung bình (AVE) của các nhân tố đều >0,5, thang đo đạt độ hội tụ (Fornell và Larcker, 1981), hệ số tin cậy tổng hợp (CR) của các nhân tố đều >0,7, thang đo đạt độ tin cậy (Hair và cộng sự, 2014) (xem Bảng 1). AVE của mỗi nhân tố (trên đường chéo) lớn hơn bình phương hệ số tương quan giữa nhân tố đó với các nhân tố khác, thang đo đạt độ phân biệt (Hair và cộng sự, 2014).

Kiểm định mô hình cấu trúc

Phân tích SEM bằng ước lượng ML, kết quả thu được Chi - square (χ2)/dF = 2,095 (<3) (p = 0,000 < 0,05); AGFI= 0,866 (>0,8), GFI= 0,901 (>0,9), TLI = 0,901 (>0,9), CFI = 0,934 (>0,9), IFI = 0,925 (>0,9), RMSEA = 0,020 (<0,08), vì vậy, mô hình phù hợp với thông tin thị trường (Hair và cộng sự, 2014). Xem xét 05 giả thuyết nghiên cứu, nhận thấy Ccả 04 giả thuyết đều được ủng hộ.

Trong đó, sự hài lòng với việc sử dụng CNCT (γ=0,305), thói quen sử dụng CNCT (γ=0,473) và sự tự tin vào năng lực bản thân (γ=0, 207) đều có ảnh hưởng tích cực lên hành vi sử dụng CNCT, trong khi hành vi này có ảnh hưởng tích cực lên thành quả công việc trong đội ảo (γ=0,403). Các yếu tố trong mô hình giải thích được 31,9% phương sai của thành quả công việc.

Kết luận và kiến nghị

Về mặt lý thuyết, cũng như lý thuyết xác nhận kỳ vọng và các kết quả nghiên cứu liên quan có trước, bài viết này khẳng định tồn tại ảnh hưởng dương của sự hài lòng với việc sử dụng, thói quen sử dụng và sự tự tin vào năng lực bản thân lên hành vi sử dụng CNCT. Trong đó, so với các nghiên cứu của Bhattacherjee và cộng sự (2001, 2015), đóng góp đáng chú ý của bài viết này là phát hiện ra thói quen sử dụng CNCT (chứ không phải sự hài lòng với việc sử dụng CNCT) mới chính là yếu tố có ảnh hưởng mạnh nhất lên hành vi sử dụng CNCT. Trong bài viết này, sự tự tin với năng lực bản thân cũng là một yếu tố mới được đưa vào nghiên cứu trong bối cảnh đội ảo.

Kết quả nghiên cứu cho thấy khi sự tự tin với năng lực bản thân gia tăng thì mức độ sử dụng CNCT của các thành viên đội ảo cũng gia tăng. Bên cạnh đó, bài viết này còn đóng góp thêm một hậu tố mới của hành vi sử dụng CNCT là thành quả công việc. Kết quả nghiên cứu cho thấy, khi một thành viên đội ảo gia tăng mức độ sử dụng CNCT thì thành quả công việc của thành viên đó trong đội ảo cũng được cải thiện. Qua đó, bài viết này bổ sung một tài liệu tham khảo về chủ đề tiếp tục sử dụng CNCT trong bối cảnh đội ảo - vốn chưa được chú ý nghiên cứu tại Việt Nam.

Về mặt quản trị, bài viết chỉ ra rằng để tăng cường hành vi sử dụng CNCT của các thành viên đội ảo, nhà quản lý cần tập trung cải thiện sự hài lòng với việc sử dụng CNCT, rèn luyện thói quen sử dụng CNCT và nâng cao sự tự tin vào năng lực bản thân của họ. Trong đó, vì thói quen sử dụng CNCT ảnh hưởng mạnh nhất lên hành vi sử dụng CNCT nên nhà quản lý cần đặc biệt chú trọng khía cạnh này. Bên cạnh đó, bài viết chỉ ra rằng vì hành vi sử dụng CNCT có ảnh hưởng và giải thích được đến 31,9% sự biến thiên của sự thành quả công việc. Vì vậy, để cải thiện thành tích thu được từ công việc của mỗi thành viên đội ảo, nhà quản lý cần đặc biệt quan tâm đến các yếu tố liên quan đến việc sử dụng CNCT trong đội ảo.

Bài viết này chỉ kiểm định mô hình trong bối cảnh tổng quát là đội dự án ảo thuộc lĩnh vực tài chính ngân hàng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, hướng nghiên cứu kế tiếp có thể là đánh giá lại mô hình trong các lĩnh vực khác, tại nhiều địa phương khác, nhằm gia tăng khả năng tổng quát hóa của mô hình. Bên cạnh đó, có thể tham khảo các lý thuyết và nghiên cứu khác để lựa chọn thêm bổ sung các yếu tố phù hợp khác đưa vào mô hình nghiên cứu, nhằm khám phá thêm về ảnh hưởng của việc sử dụng CNCT lên thành quả công việc trong bối cảnh đội ảo.

Tài liệu tham khảo:

1. Bhattacherjee, A. và Lin, C. P. (2015), A unified model of IT continuance: three complementary perspectives and crossover effects, European Journal of Information Systems, 24(4), 364-373;

2. Doong, H.-S. và Lai, H. (2008), Exploring usage continuance of e-negotiation systems: expectation and disconfirmation approach, Group Decision and Negotiation, 17(2), 111-126;

3. Elyousfi, F., Anand, A. và Dalmasso, A. (2021), Impact of e-leadership and team dynamics on virtual team performance in a public organization, International Journal of Public Sector Management;

4. Ferreira, R., Pereira, R., Bianchi, I. S. và da Silva, M. M. (2021), Decision Factors for Remote Work Adoption: Advantages, Disadvantages, Driving Forces and Challenges, Journal of Open Innovation: Technology, Market, and Complexity, 7(1), 70;

5. Godin, J., Leader, L., Gibson, N., Marshall, B., Poddar, A., và Cardon, P. W. (2017), Virtual teamwork training: factors influencing the acceptance of collaboration technology, International Journal of Information and Communication Technology, 10(1), 5-23;

6. Hsiao, C.-H., Chang, J.-J. và Tang, K.-Y. (2016), Exploring the influential factors in continuance usage of mobile social Apps: Satisfaction, habit, and customer value perspectives; Telematics and Informatics, 33(2), 342-355;

7. Limayem, M., Hirt, S. G. và Cheung, C. M. (2007), How habit limits the predictive power of intention: The case of information systems continuance, MIS quarterly, 31(4), 705-737;

8. Osman, H. (2017), The Ultimate List of Virtual Team Technology Tools. Retrieved from http://www.thecouchmanager.com/the-ultimate-list-of-virtual-team-technology-tools/;

9. Tam, C. và Oliveira, T. (2016), Understanding the impact of m-banking on individual performance: DeLone và McLean and TTF perspective, Computers in Human Behavior, 61, 233-244;

10. Williams, L. J. và Anderson, S. E. (1991), Job satisfaction and organizational commitment as predictors of organizational citizenship and in-role behaviors, Journal of management, 17(3), 601-617.

Thông tin tác giả:

(*) Huỳnh Thị Minh Châu, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

(**) Bài đăng TCTC kỳ 1 tháng 11/2021.