Huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính cho phát triển

Huyền Thu

Một trong những mục tiêu hướng đến trong xây dựng chiến lược tài chính giai đoạn 2021-2030 là thực hiện chính sách động viên hợp lý, cải thiện dư địa chính sách tài khóa, tạo điều kiện thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội và môi trường, đảm bảo an ninh, quốc phòng và an sinh xã hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tiềm lực tài chính quốc gia tiếp tục được tăng cường

Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Chiến lược Tài chính đến năm 2020. Sau gần 10 năm thực hiện, nền tài chính đã đạt những kết quả toàn diện, góp phần quan trọng vào việc củng cố các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả phân bổ các nguồn lực tài chính, củng cố tiềm lực tài chính quốc gia, cải thiện dư địa tài chính. Nhờ đó, trong 2 năm qua, chính sách tài khóa đã được triển khai chủ động, ứng phó có hiệu quả trước tác động của dịch COVID-19, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.

Theo TS. Nguyễn Như Quỳnh - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, thời gian qua, thể chế tài chính - ngân sách nhà nước đã được đẩy mạnh hoàn thiện, tiềm lực tài chính của Nhà nước tiếp tục được tăng cường, quy mô ngân sách nhà nước đã được mở rộng. Chính sách động viên ngân sách nhà nước đã được rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả. Công tác quản lý thu được đơn giản hóa thủ tục, dễ thực hiện; nâng cao ý thức tự giác tuân thủ pháp luật của người nộp thuế; đẩy mạnh hội nhập, tiếp cận các thông lệ quốc tế tốt.

Nhờ đó, quy mô thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2020 cao gấp 3,8 lần so với giai đoạn 2001-2010. Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2011-2020 đạt khoảng 24,5% GDP, vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 07-NQ/TW (20-21% GDP) và Nghị quyết số 25/2016/QH14 (23,5% GDP). Tỷ lệ huy động từ thuế, phí giai đoạn 2011-2015 đạt khoảng 20,7% GDP; giai đoạn 2016-2020 đạt xấp xỉ 21% GDP, đạt mục tiêu Chiến lược đề ra (21% GDP).

Cơ cấu thu ngân sách nhà nước bền vững hơn, đảm bảo theo đúng định hướng Chiến lược cải cách hệ thống thuế và phù hợp với mục tiêu định hướng sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tăng cường thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển. Tỷ trọng thu nội địa giai đoạn 2011-2020 đạt 76,7%, riêng năm 2020 là 85,6%, vượt mục tiêu của chiến lược tài chính (trên 80%) và Nghị quyết số 07-NQ/TW (đạt 84-85%).

Cân đối ngân sách thời gian qua tích cực, nợ công đảm bảo trong giới hạn an toàn và được quản lý chặt chẽ. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ nợ công so vớiGDP khoảng 55,2%, nợ Chính phủ khoảng 49,1% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 47,2% GDP. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước nằm trong giới hạn Quốc hội phê duyệt (không quá 25%).

Đề ra chiến lược tài chính giai đoạn 2021-2030

Bước sang giai đoạn 2021-2030, chiến lược tài chính giai đoạn này được xây dựng hướng đến mục tiêu xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia. Đồng thời, thực hiện chính sách động viên hợp lý, cải thiện dư địa chính sách tài khóa, tạo điều kiện thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, đảm bảo an ninh, quốc phòng và an sinh xã hội gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.

Với mục tiêu trên, để thực hiện tốt nhiệm vụ của ngành Tài chính trong thời gian tới, TS. Nguyễn Như Quỳnh cho rằng, chiến lược tài chính giai đoạn 2021-2030 cần chú trọng triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp. Trong đó, tập trung hoàn thiện chính sách huy động các nguồn lực tài chính quốc gia nhằm huy động có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, hướng tới một hệ thống thu ngân sách nhà nước đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bền vững, đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ của nhà nước và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường huy động các nguồn lực tài chính ngoài ngân sách nhà nước.

Cùng với đó là đổi mới cơ chế phân cấp, phân bổ và cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước; quản lý chặt chẽ, hiệu quả bội chi ngân sách nhà nước, nợ công phù hợp với các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, khả năng vay, trả nợ của nền kinh tế; từng bước cải thiện dư địa tài khóa, nâng cao khả năng chống chịu của nền tài chính quốc gia.

Chiến lược tài chính cũng cần đổi mới cơ chế, chính sách tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, trọng tâm là đẩy mạnh giao tự chủ tài chính cho đơn vị sự nghiệp công lập cùng với đa dạng hóa nguồn lực xã hội phát triển dịch vụ công. Đẩy mạnh việc cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; đổi mới quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Ngoài ra, cần tập trung phát triển thị trường tài chính và dịch vụ tài chính hiện đại, minh bạch và bền vững; đẩy nhanh việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin đảm bảo thị trường hoạt động thông suốt, an toàn và ổn định. Hoàn thiện thể chế, tăng cường công tác quản lý giá theo cơ chế thị trường đối với giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, giá các dịch vụ công, dịch vụ chuyển từ cơ chế quản lý phí sang cơ chế giá thị trường…

Đồng tình với những định hướng đặt ra trong xây dựng chiến lược tài chính giai đoạn 2021-2030, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, chính sách tài khóa cần được triển khai đồng bộ cùng với chính sách tiền tệ gắn với chương trình phục hồi kinh tế và chiến lược phòng, chống dịch bệnh, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, bền vững.