Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý nhằm nâng cao năng suất chất lượng
Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp (DN), điểm nổi bật của Chương trình quốc gia nâng cao năng suất chất lượng là hỗ trợ DN nâng cao năng suất chất lượng thông qua áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các hệ thống quản lý tiên tiến, mô hình, công cụ cải tiến. Đến nay, cả nước có hàng vạn DN, tổ chức áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ nâng cao năng suất, chất lượng tiên tiến khác nhau.
Nâng cao năng suất là yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế của quốc gia. Trong những điều kiện hạn chế đầu vào (lao động và vốn), tăng năng suất là con đường duy nhất để tăng trưởng kinh tế bền vững về dài hạn. Đối với các tổ chức, DN, quản lý năng suất thành công là chìa khóa cho sự sống còn trong môi trường kinh doanh hiện nay.
Có nhiều giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy nâng cao năng suất cho DN, trong đó áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý (HTQL), công cụ cải tiến năng suất chất lượng đã được minh chứng là một trong các giải pháp hữu hiệu (chi phí đầu tư không đáng kể nhưng hiệu quả mang lại rất rõ rệt trong việc tiết giảm lãng phí, chi phí, nâng cao năng suất chất lượng, chất lượng sản phẩm hàng hóa…) cho DN, đặc biệt trong bối cảnh DN Việt Nam còn hạn chế về nguồn lực như hiện nay.
Các HTQL, nâng cao năng suất, chất lượng tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế được đưa vào áp dụng rộng rãi. Hệ thống quản lý chất lượng theo các tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001, ISO 22000, HACCP… đã được chấp nhận thành tiêu chuẩn quốc gia, được phổ biến áp dụng thành công ở hàng ngàn DN để đảm bảo chất lượng làm cơ sở cho sự hội nhập, thừa nhận và công nhận lẫn nhau theo tập quán và thông lệ quốc tế.
Trong khuôn khổ của Chương trình quốc gia nâng cao năng suất chất lượng giai đoạn 2012-2018, đã triển khai việc nghiên cứu, thử nghiệm áp dụng HTQL, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng thích hợp (HTQL/MH/CC) vào DN Việt Nam: HTQL Năng lượng (ISO 50001), An toàn thực phẩm (ISO 22000), An toàn thông tin (ISO 27001); Quản lý rủi ro (ISO 31000); Công cụ cải tiến năng suất: Bảy công cụ thống kê; 5S; Chỉ số đánh giá hoạt động chính (KPI); Thẻ điểm cân bằng (BSC); Sản xuất tinh gọn (Lean); Lean six sigma, 7 lãng phí (seven wastes); Hạch toán chi phí dòng nguyên liệu (MFCA); Duy trì hiệu suất thiết bị tổng thể (TPM); Nghiên cứu thao tác; Cân bằng sản xuất (Heijunka); Giảm thời gian chuyển đổi và cài đặt; Sơ đồ chuỗi giá trị (VSM)...
Các DN Việt Nam đã ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng, áp dụng các HTQL chất lượng, đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Các chương trình cải tiến năng suất, chất lượng đã trở thành hoạt động không thể thiếu trong DN. Nhiều HTQL như ISO 9001, SA 8000, ISO 14000, GMP, HACCP đã trở thành quen thuộc với DN. Các công cụ cải tiến 5S, Kaizen, Lean, Lean 6 Sigma... đã được ứng dụng nhiều hơn.
Các HTQL được tích hợp từ các HTQL căn bản gồm HTQL chất lượng ISO 9001, HTQL An toàn Thực phẩm (ISO 22000), HTQL An toàn Thông tin (ISO 27000), HTQL Năng lượng (ISO 50001), HTQL Môi trường (ISO 14000), HTQL Trách nhiệm xã hội (ISO 26000); HTQL Sức khỏe và An toàn nghề nghiệp (ISO 45001). Áp dụng HTQL tích hợp từ các HTQL căn bản trên đã được trải nghiệm ở quy mô toàn cầu để thực hiện phương pháp quản lý có hệ thống đối với các quá trình trong tổ chức/DN, từ đó tạo ra sản phẩm đáp ứng một cách ổn định các yêu cầu của khách hàng, đồng thời bảo đảm các quy định pháp luật về an toàn, sức khỏe, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, an toàn thông tin, và trách nhiệm xã hội.
Trong khuôn khổ Chương trình giai đoạn đến năm 2020, mục tiêu hỗ trợ DN được đề ra với chỉ tiêu là 100.000 DN được phổ biến, hướng dẫn áp dụng các HTQL/MH/công cụ NSCL, tuy nhiên, mục tiêu này mức độ đạt được còn thấp, chủ yếu do nguồn lực của chương trình còn hạn hẹp (cả về nhân lực và tài chính); DN mới tiếp cận đến các giải pháp của Chương trình nên còn e ngại tham gia; đa số DN vừa và nhỏ, hạn hẹp về nguồn tài chính nên không sẵn sàng đối ứng kinh phí để thực hiện.
Mục tiêu hỗ trợ DN của Chương trình giai đoạn này chủ yếu hướng vào DN sản xuất sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu chủ lực, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, ưu tiên các DN vừa và nhỏ. Các HT/CC được lựa chọn là các HT/CC đã áp dụng thí điểm ở giai đoạn I và được xác định là tương đối phù hợp với DN Việt Nam, các HT, tiêu chuẩn bắt buộc theo yêu cầu của nước xuất khẩu và các đặc biệt là các công cụ hỗ trợ tiếp cận đến sản xuất thông minh trong bối cảnh 4.0. Trong số DN sản xuất sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu chủ lực dự kiến được hỗ trợ hàng năm là khoảng 1.000 DN và sẽ tăng 10-15% qua từng năm. Phấn đấu trong cả giai đoạn xây dựng được ít nhất 100 DN trở thành các mô hình điển hình để có tác động lan tỏa, nhân rộng cho cộng đồng DN.
Trong thời gian tới, mục tiêu hướng đến của Chương trình là hỗ trợ DN áp dụng các HTQL cơ bản: HTQL chất lượng (TCVN/ISO 9001); HTQL môi trường (TCVN/ISO 14001); HTQL Năng lượng TCVN/ISO 50001; HTQL an toàn thông tin theo TCVN/ISO 27001; HTQL trách nhiệm xã hội (TCVN/ISO 26000); HTQL rủi ro (TCVN/ISO 31000); HTQL an toàn và sức khỏe nghề nghiệp (TCVN/ISO 45001); HTQL liên tục trong kinh doanh (ISO 22301); Hệ thống truy xuất nguồn gốc… ; các HTQL chuyên ngành: HTQL chất lượng chuyên ngành công nghiệp dầu khí (ISO 29001), sản xuất ôtô và công nghiệp phụ trợ (TCVN/ISO/TS 16949), viễn thông (TL 9000), thiết bị y tế (TCVN/ISO 13485); HTQL chất lượng phòng thử nghiệm (TCVN/ISO/IEC 17025); HTQL chất lượng phòng thử nghiệm y tế theo ISO/IEC 15189; HTQL toàn thực phẩm (TCVN/ISO 22000), HACCP, GMP …; các HTQL mới và các hệ thống tích hợp phù hợp với đặc thù DN.