Những điểm mới của các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 8 tháng đầu năm 2017, cả nước có thêm 85.357 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký đạt trên 822.116 tỷ đồng, tăng 16,3% về số lượng doanh nghiệp và tăng 44,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Hoạt động của các doanh nghiệp nói chung đã có nhiều khởi sắc... Kết quả tích cực này đến từ những động thái của Chính phủ nhằm thiết lập môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng cùng với đó là những cải cách mạnh mẽ về chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp phát triển...
Tạo động lực mới cho doanh nghiệp từ chính sách tài chính
Thực hiện các Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm tạo thuận lợi, hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN), phát triển.
Có thể nói, chính sách tài chính thời gian qua đã hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều cho DN và “thổi một luồng gió mới” cho hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng DN, hướng đến mục tiêu tạo thuận lợi tối đa hỗ trợ cho DN phát triển.
Đáng chú ý, các chính sách tài chính mới đã thêm nhiều đối tượng không chịu thuế, giãn thời gian cưỡng chế thuế. Cụ thể, một số nội dung trong Luật số 106/2016/QH13 (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế) đã được bổ sung như: Đối tượng hoàn thuế trước kiểm tra sau (hậu kiểm); mở rộng đối tượng không thuộc diện chịu thuế; quy định về hoàn thuế và thực hiện nguyên tắc đối xử công bằng.
Đối với đối tượng hoàn thuế trước kiểm tra sau, Luật số 106/2016/QH13 đã bổ sung 2 đối tượng thuộc diện hậu kiểm, bao gồm: Người nộp thuế (NNT) sản xuất hàng hóa xuất khẩu không vi phạm pháp luật thuế trong hai năm liên tục; NNT không thuộc diện rủi ro cao theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Đối với đối tượng không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật Thuế GTGT đã bổ sung thêm đối tượng là dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật để họ có cơ hội thụ hưởng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, dưỡng lão với mức giá hợp lý.
Đối với quy định hoàn thuế và thực hiện nguyên tắc đối xử công bằng, Luật Thuế GTGT quy định không thực hiện hoàn thuế GTGT đối với sản xuất kinh doanh khâu nội địa và rút ngắn thời gian được hoàn thuế từ DN có số thuế GTGT đầu vào lũy kế 12 tháng chưa được khấu trừ hết xuống quy định đối với số thuế GTGT đầu vào trong tháng/quý chưa được khấu trừ hết thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo.
Chính sách thuế mới quy định giãn thời gian cưỡng chế thuế đối với một số đối tượng cụ thể. Theo đó, Luật Quản lý thuế đã giảm mức phạt chậm nộp thuế từ 0,05%/ngày xuống mức 0,03%/ngày, để phù hợp với mặt bằng lãi suất ngân hàng (mức phạt chậm nộp đã giảm nhiều so với trước đây).
Ngoài ra, Luật Quản lý thuế cũng quy định chưa thực hiện biện pháp cưỡng chế thuế đối với trường hợp được cho phép nộp dần tiền nợ thuế nhưng không quá 12 tháng, kể từ ngày bắt đầu của thời hạn cưỡng chế thuế. Việc nộp dần tiền nợ thuế sẽ được xem xét trên cơ sở đề nghị của NNT nếu có bảo lãnh của tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, chính sách tài chính cũng có các quy định thực hiện bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước. Điển hình như, Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi đã quy định cụ thể về giá tính thuế nhằm bảo đảm sự bình đẳng về giá tính thuế, cách tính thuế và mức thuế giữa hàng hoá sản xuất ở Việt Nam và hàng hoá nhập khẩu.
Theo đó, giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa nhập khẩu được tính trên mức giá do cơ sở nhập khẩu bán ra như đang áp dụng đối với hàng hóa sản xuất trong nước, trong khi đó giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa nhập khẩu trước đây là tính theo giá thành, bảo hiểm và cước (CIF).
Giá bán làm căn cứ xác định giá tính thuế TTĐB không thấp hơn tỷ lệ 7% so với giá bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại mua trực tiếp của cơ sở sản xuất, nhập khẩu bán ra...
Bên cạnh đó, các chính sách tài chính được triển khai tích cực đã tác động mạnh mẽ cho phát triển mạnh mẽ các khu công nghiệp. Cụ thể, các chính sách hỗ trợ trực tiếp thông qua các ưu đãi về thuế, tín dụng cho các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ; Các chính sách hỗ trợ gián tiếp phát triển các yếu tố tiền đề để thực hiện chính sách công nghiệp như hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, phát triển khoa học và công nghệ, phát triển các vùng kinh tế trọng điểm…
Đối với các chính sách hỗ trợ trực tiếp, chính sách thuế, tín dụng đã hướng ưu tiên vào các ngành công nghiệp mũi nhọn, ngành công nghiệp ưu tiên phát triển, các vùng kinh tế trọng điểm, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất và công nghiệp hỗ trợ.
Trong đó, chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp được xây dựng với các mức độ ưu đãi khác nhau theo đối tượng hoặc địa bàn ưu đãi đầu tư.
Mức độ ưu đãi cao nhất cho áp dụng mức thuế suất 10% trong vòng 15 năm, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong vòng 9 năm tiếp theo đối với DN thuộc ngành công nghiệp tại các địa bàn đặc biệt khó khăn, khu kinh tế hoặc thuộc các ngành, lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích đầu tư; Áp dụng mức thuế suất 0% đối với hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình cho DN chế xuất; DN cung cấp hàng hoá, dịch vụ cung cấp cho khu chế xuất, DN chế xuất (khu phi thuế quan)...
Bên cạnh đó, chính sách tài chính phục vụ phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp cũng đang phát huy tác dụng tích cực…
Có thể nói, những điều chỉnh trong chính sách tài chính đã tạo thêm động lực mới cho các DN kinh doanh có hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Hỗ trợ doanh nghiệp từ những cải cách
Bên cạnh những chính sách tài chính hỗ trợ DN được triển khai mạnh mẽ, trong thời gian qua Bộ Tài chính còn triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020. Thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN, Bộ Tài chính đã ban hành Chương trình hành động đến năm 2020 với 34 giải pháp được cụ thể hóa thành 46 sản phẩm đầu ra.
Năm 2016, Bộ Tài chính đã hoàn thành 29 sản phẩm đầu ra thuộc nhiệm vụ của năm (đạt 100% kế hoạch). Đây là những nội dung nhằm mục tiêu bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của DN; cải cách hành chính, giảm chi phí kinh doanh và tạo thuận lợi cho DN.
Thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính theo Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành chương trình hành động với 83 giải pháp, được chi tiết thành 118 sản phẩm đầu ra và đã hoàn thành toàn bộ 83 sản phẩm thuộc nhiệm vụ năm 2016 (đạt 100% kế hoạch).
Năm 2017, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ với 87 giải pháp, được cụ thể hoá thành 175 nhiệm vụ. Trong đó, tập trung cải cách đồng bộ, toàn diện, hướng tới cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN, đẩy mạnh cải cách thể chế trong lĩnh vực tài chính; đổi mới phương thức quản lý từ tiền kiểm, sang hậu kiểm; hiện đại hóa quản lý nhất là lĩnh vực thuế, hải quan.
Các giải pháp được Bộ Tài chính đưa ra để thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP và Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ bao gồm cả các giải pháp về cải cách thể chế, chính sách và các giải pháp về cải cách hành chính, góp phần tích cực vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và tạo thuận lợi cho DN phát triển. Đặc biệt, 2 lĩnh vực được cộng đồng DN quan tâm nhiều nhất đó là lĩnh vực thuế và lĩnh vực hải quan.
Cải cách thể chế
Từ năm 2016 đến nay, Bộ Tài chính đã hoàn thành trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền 454 văn bản quy phạm pháp luật, gồm: 02 Luật, 02 Nghị quyết của Quốc hội; 03 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 52 Nghị định và 01 Nghị quyết của Chính phủ; 18 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và ban hành theo thẩm quyền 376 Thông tư của Bộ Tài chính.
Trong đó, riêng lĩnh vực thuế, hải quan đã có 257 văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, gồm: 02 Luật, 01 Nghị quyết của Quốc hội, 01 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 31 Nghị định và 01 Nghị quyết của Chính phủ, 06 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 215 Thông tư của Bộ Tài chính.
Các văn bản trên đã góp phần tạo cơ sở pháp lý cho cải cách hành chính, hiện đại hóa, giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho NNT, tạo thuận lợi trong việc tiếp cận các nguồn lực, mở rộng cơ hội đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho DN, điển hình là Luật số 106/2016/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT, Luật Thuế TTĐB và Luật Quản lý thuế; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2016, (thay thế Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 45/2005/QH11), Nghị quyết số 28/2016/QH14 ngày 11/11/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp để mở rộng đối tượng được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2020...
Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định, ban hành nhiều văn bản quy định mới hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định trong lĩnh vực thuế như: các nghị định của Chính phủ quy định về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi; về Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan...
Các quy định này đã góp phần tăng cường hiệu quả và minh bạch hóa hoạt động quản lý nhà nước; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích và thu hút đầu tư; tạo nguồn thu ổn định cho NSNN và góp phần chủ động tham gia hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế quốc tế.
Đẩy mạnh hiện đại hóa và cải cách thủ tục hành chính
Bộ Tài chính đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đối với lĩnh vực thuế và hải quan nhằm đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho NNT khi thực hiện thủ tục hành chính, góp phần giảm thời gian nộp thuế, cải thiện môi trường kinh doanh.
+ Đối với lĩnh vực thuế: Tính đến nay, cả nước đã có trên 585 nghìn DN thực hiện khai thuế điện tử (đạt 99,8 %); đã có trên 576 nghìn DN đăng ký sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử với cơ quan thuế (đạt 98,3%) và trên 568 nghìn DN hoàn thành đăng ký dịch vụ với ngân hàng (đạt 96,9%); đã cắt giảm 85 thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế so với năm 2015.
+ Đối với lĩnh vực hải quan: Đến cuối năm 2016, đã có trên 69,39 nghìn DN tham gia Hệ thống thông quan điện tử tự động (VNACCS/VCIS) với 100% các quy trình, thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa trên phạm vi toàn quốc; Chính thức thực hiện Cổng thanh toán điện tử tại tất cả các cục Hải quan tỉnh, thành phố; Ký thỏa thuận hợp tác thu thuế xuất nhập khẩu bằng phương thức điện tử với 33 ngân hàng thương mại với số thu chiếm 89% thu ngân sách của ngành Hải quan.
Cơ chế một cửa quốc gia của Việt Nam đã kết nối kỹ thuật thành công với 04 nước (Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore) để trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D cho hàng hóa xuất khẩu có xuất xứ ASEAN. Cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối chính thức với 11/14 Bộ. Tính đến nay, đã đơn giản hoá, bãi bỏ 38 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan (giảm khoảng 17% so với thời điểm năm 2015).
Những kết quả đạt được khi triển khai các giải pháp ban hành theo Nghị quyết 35/NQ-CP và Nghị quyết 19/NQ-CP mà ngành Tài chính thực hiện thời gian qua đã được xã hội, cộng đồng DN ghi nhận và đánh giá cao. Bộ Tài chính 02 năm liên tiếp (2015, 2016) đứng ở vị trí số 2 trong bảng xếp hạng về cải cách hành chính và 04 năm liên tiếp dẫn đầu về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin so với các bộ, ngành khác.
Trong Báo cáo thường niên về Chỉ số thuận lợi kinh doanh do Ngân hàng Thế giới công bố cuối năm 2016, điểm số môi trường kinh doanh của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, tăng 9 bậc, từ vị trí thứ 91 lên vị trí thứ 82 trong tổng số 190 quốc gia, vùng lãnh thổ; (trong đó, chỉ số về khai, nộp thuế tăng 11 bậc; chỉ số về thương mại qua biên giới tăng 15 bậc). Bên cạnh đó, theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới, Việt Nam tăng 14 bậc trong bảng xếp hạng môi trường thương mại toàn cầu từ vị trí 87 lên vị trí thứ 73.
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ, 2017, Nghị quyết 19/2017/NQ-CP và Nghị quyết 35/2017/NQ-CP;
2. Chỉ thị 26/CT-TTg về tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng DN;
3. Tạp chí Tài chính, 2017, Bộ Tài chính - Đồng hành hỗ trợ DN phát triển;
4. Báo Tin tức, 2017, Tiếp tục hỗ trợ tài chính đối với DN nhỏ và vừa.