Hỗ trợ nộp bảo hiểm đối với đơn vị sử dụng lao động người dân tộc thiểu số
Ngân sách nhà nước hỗ trợ nộp bảo hiểm thay cho các đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số với mức hỗ trợ tối đa 05 năm đối với một người lao động. Đó là một trong những nội dung nổi bật của Thông tư số 58/2017/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành vào ngày 13/6/2017 về việc hướng dẫn một số chính sách hỗ trợ tài chính cho các tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
Theo đó, việc hỗ trợ bảo hiểm được thực hiện đối với lao động là người dân tộc thiểu số được đơn vị sử dụng lao động ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
Về nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo, bảo hiểm, Thông tư số 58/2017/TT-BTC nêu rõ ngân sách trung ương hỗ trợ 100% kinh phí về đào tạo, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho lao động là người dân tộc thiểu số.
Các địa phương chủ động bố trí ngân sách địa phương để cùng với ngân sách trung ương hỗ trợ triển khai có hiệu quả chính sách đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng cho lao động là người dân tộc thiểu số.
Nguồn lồng ghép kinh phí đào tạo thường xuyên, các chương trình (trong đó có chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới), dự án khác trên địa bàn để tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng cho lao động là người dân tộc thiểu số.
Đối với đơn vị sử dụng lao động hoạt động theo hình thức đơn vị sự nghiệp công lập có thu, nếu phương án tự chủ của đơn vị đã bao gồm dự toán chi bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho lao động là người dân tộc thiểu số thì đơn vị không được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định tại Khoản 1 Điều này.
Về việc cấp phát kinh phí hỗ trợ bảo hiểm, Thông tư số 58/2017/TT-BTC hướng dẫn, Sở Tài chính địa phương thực hiện cấp cho đơn vị có sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số, đồng thời thay đơn vị sử dụng lao động chuyển số kinh phí trực tiếp cho cơ quan bảo hiểm theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 3 Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg và thông báo cho từng đơn vị sau khi đã chuyển số kinh phí hỗ trợ cho cơ quan bảo hiểm.
Trường hợp đơn vị sử dụng lao động đã nộp các khoản kinh phí bảo hiểm cho cơ quan bảo hiểm thì Sở Tài chính chuyển kinh phí hỗ trợ cho đơn vị sử dụng lao động tương ứng với số kinh phí mà đơn vị đã nộp.
Kết thúc năm ngân sách, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổng hợp báo cáo quyết toán kinh phí hỗ trợ kinh phí bảo hiểm gửi Bộ Tài chính để bổ sung cho địa phương trong trường hợp thiếu nguồn kinh phí hoặc yêu cầu hoàn trả ngân sách trung ương số kinh phí không sử dụng hết.