Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ

Theo Thái Khoa/Báo Bình Thuận

Chính sách phát triển các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) đang được Nhà nước ưu tiên, khuyến khích hình thành để sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm từ ứng dụng KH&CN. Qua đó, góp phần khai thác lợi thế của địa phương.

Có thể hình thành doanh nghiệp khoa học công nghệ từ sản phẩm lợi thế của tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Thái Khoa
Có thể hình thành doanh nghiệp khoa học công nghệ từ sản phẩm lợi thế của tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Thái Khoa

TS. Ngô Đắc Thuần - Chủ tịch Công ty cổ phần IPGroup, báo cáo viên tại hội nghị hướng dẫn thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ do Sở KH&CN tổ chức mới đây đã nhấn mạnh về nội dung liên quan này. Điển hình nhất là Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2019 về doanh nghiệp khoa học và công nghệ, khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư hoạt động, phù hợp xu hướng thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo đó, các đơn vị thành lập dưới 5 năm, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; khả năng tạo ra hoặc ứng dụng kết quả KH&CN được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận; có doanh thu từ sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu đều được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.

Khi có “giấy phép thông hành” này, thu nhập của doanh nghiệp KH&CN hoạt động sản xuất kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Cụ thể được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Cùng đó, doanh nghiệp được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định pháp luật về đất đai. Loại hình doanh nghiệp này còn được Nhà nước dành cho các chương trình, nguồn quỹ hỗ trợ để khởi nghiệp, tạo sức lan tỏa tới cộng đồng.

Đó là các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN của doanh nghiệp được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước. Còn các doanh nghiệp KH&CN khi thực hiện các đề tài, dự án KH&CN thì được Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố tài trợ, cho vay lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay và bảo lãnh để vay vốn.

Bà Mai Thanh Nga - Phó Giám đốc Sở KH&CN cho rằng, chính phủ đã có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp KH&CN nhằm thúc đẩy lực lượng doanh nghiệp này phát triển mạnh mẽ. Tại tỉnh, Sở KH&CN đang triển khai nhiều giải pháp đồng hành, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc triển khai các nhiệm vụ KH&CN, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, hướng dẫn, tổ chức nghiệm thu kết quả đề tài KH&CN, tạo điều kiện cho các cơ sở, đơn vị thành lập doanh nghiệp KH&CN.

Các doanh nghiệp có kết quả nghiên cứu thuộc ngân sách nhà nước, tự nghiên cứu, bảo hộ sở hữu công nghiệp, chuyển giao công nghệ đều có thể gửi hồ sơ đăng ký thành lập đến Sở KH&CN tỉnh để được hưởng các chính sách ưu đãi khi hoạt động trong lĩnh vực này.

“Vài năm trở lại đây, khá nhiều đề tài, sản phẩm của cá nhân, nhóm tác giả đoạt các giải thưởng sáng tạo, KH&CN của tỉnh. Đây là cơ sở đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích lên Cục Sở hữu trí tuệ để được xem xét cấp bằng công nhận, tạo điều kiện hình thành phát triển doanh nghiệp KH&CN, đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm hàng hóa, đáp ứng thị trường tiêu thụ trong, ngoài tỉnh”, bà Mai Thanh Nga lưu ý.

Trước đó, chuyên gia Ngô Đắc Thuần chia sẻ, hiện tại Bình Thuận mới có 2 doanh nghiệp KH&CN hoạt động lĩnh vực chế biến thực phẩm, phân bón, góp phần tiêu thụ nông hải sản địa phương. Con số còn “khiêm tốn” so tiềm năng chất xám của tỉnh.

Các cơ sở, doanh nghiệp mới thành lập ở địa phương cần mạnh dạn đầu tư, đổi mới công nghệ sản xuất, chế biến; hoặc thỏa thuận chuyển nhượng bằng sáng chế, đề tài nghiên cứu khoa học từ các trường đại học, viện nghiên cứu, cá nhân được cấp bằng sáng chế trong, ngoài tỉnh để phát triển doanh nghiệp KH&CN nhiều hơn, góp phần tăng năng lực cạnh tranh sản phẩm trên thị trường, khai thác lợi thế ở địa phương.