Dự thảo Luật Quản lý nợ công:

Hoàn thiện chính sách về nợ công

PV.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Luật Quản lý nợ công với nhiều nội dung quan trọng như: chương trình, kế hoạch quản lý nợ công, công tác quản lý rủi ro, giám sát an toàn nợ công...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo Dự thảo, nợ công quy định trong Luật Quản lý nợ công bao gồm: Nợ Chính phủ; Nợ được Chính phủ bảo lãnh; Nợ chính quyền địa phương.

Dự thảo Luật quy định về các chỉ tiêu an toàn nợ, chiến lược nợ, các nội dung về quản lý nợ công gồm chương trình, kế hoạch quản lý nợ công, công tác quản lý rủi ro, giám sát an toàn nợ công, việc huy động, sử dụng vốn vay, trả nợ của Chính phủ; quản lý hoạt động cho vay lại, bảo lãnh của Chính phủ; quản lý nợ chính quyền địa phương; công tác kế toán, kiểm toán, thống kê, báo cáo, đánh giá và công bố thông tin về nợ công; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị, tổ chức cá nhân có liên quan đến hoạt động quản lý, sử dụng nợ công.

Dự thảo nêu rõ nguyên tắc quản lý nợ công là tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng nợ công và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Nhà nước quản lý thống nhất, toàn diện nợ công, đảm bảo đúng trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động quản lý, sử dụng nợ công. Huy động, phân bổ, sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, đảm bảo khả năng trả nợ đầy đủ, đúng hạn. Quản lý nợ bền vững, đảm bảo an toàn nợ, an ninh tài chính quốc gia và cân đối vĩ mô nền kinh tế.

Theo dự thảo chỉ tiêu an toàn nợ là giới hạn mức nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP và chỉ số về thanh toán trả nợ so với tổng thu Ngân sách Nhà nước.

Các chỉ tiêu an toàn nợ bao gồm: Nợ công so với GDP; nợ Chính phủ so với GDP; nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (gốc, lãi) so với tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng các chỉ tiêu an toàn nợ, báo cáo Chính phủ để báo cáo Quốc hội quyết định trong chiến lược nợ từng thời kỳ. 

Đối với kế hoạch vay trả nợ hàng năm được dự thảo Luật  định là: Kế hoạch vay trả nợ của Chính phủ, bao gồm vay để bù đắp thiếu hụt ngân sách trung ương, vay để trả nợ gốc và vay về để cho vay lại; Kế hoạch bảo lãnh chính phủ, bao gồm bảo lãnh cho các doanh nghiệp, ngân hàng chính sách vay vốn để thực hiện chương trình, dự án; Kế hoạch vay, trả nợ của chính quyền địa phương trong dự toán của ngân sách địa phương được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Kế hoạch vay trả nợ hàng năm được lập để thực hiện nhiệm vụ tài chính, ngân sách trong năm kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.   

Bộ Tài chính có trách nhiệm tổng hợp kế hoạch vay, trả nợ hàng năm trong dự toán ngân sách nhà nước, trong đó xác định cụ thể vay trả nợ của Ngân sách Trung ương, vay trả nợ của ngân sách địa phương để trình Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định.

Đối với kế hoạch vay trả nợ công trung hạn (05) năm, dự thảo nêu rõ, kế hoạch vay trả nợ công trung hạn 5 năm được xác định trong quá trình xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, kế hoạch tài chính 5 năm và kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm.

Nội dung chủ yếu kế hoạch vay trả nợ công trung hạn 5 năm, bao gồm: Xác định mục tiêu tổng quát, các mục tiêu cụ thể, các chỉ tiêu giới hạn nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia; các định hướng về huy động, phân bổ, sử dụng vốn vay và trả nợ công; các giải pháp chủ yếu để đảm bảo an toàn, bền vững nợ công.

Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì xây dựng kế hoạch vay trả nợ công trung hạn 5 năm cùng với kế hoạch tài chính 5 năm trình Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định.