Hoàn thiện cơ sở pháp lý về tổ chức và hoạt động của công ty tài chính

TS. NGUYỄN THỊ HƯƠNG LAN - Đại học Đại Nam

Cũng giống như ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng, các công ty tài chính ở Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm trong quá trình phát triển. Đến nay mô hình hoạt động của công ty tài chính ở Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ và có nhiều quan điểm khác nhau về định hướng phát triển. Bài viết đề cập đến quá trình hình thành và phát triển, chia sẻ một số quan điểm nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến tổ chức và hoạt động của các công ty tài chính ở Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Các giai đoạn hình thành và phát triển

Những công ty tài chính đầu tiên

Nói đến sự hình thành và phát triển của các công ty tài chính (CTTC) ở Việt Nam, không thể không nhắc đến 3 CTTC nhà nước được thành lập và đi vào hoạt động năm 1998 là: CTTC Bưu điện trực thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, CTTC Dệt may Việt Nam thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, CTTC Cao su thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Các công ty này hoạt động theo Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) năm 1997.

Thực tế trước đó, đã có 2 CTTC được thành lập là: CTTC Cổ phần Sài Gòn (SFC) và CTTC Cổ phần Seaprodex trên cơ sở Pháp lệnh ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và CTTC được Hội đồng Nhà nước thông qua ngày 23/5/1990. Văn bản này là cơ sở pháp lý đầu tiên cho sự ra đời và hoạt động của CTTC ở Việt Nam. Pháp lệnh này quy định: “CTTC cho vay để mua, bán hàng hóa, dịch vụ bằng vốn của mình hoặc vay dân cư”; “CTTC hoạt động bằng nguồn vốn của mình hoặc vay dân cư bằng phát hành tín phiếu, không được nhận tiền gửi tiết kiệm của dân cư và không sử dụng vốn vay của dân cư làm phương tiện thanh toán”.

Theo Luật các TCTD năm 1997: CTTC là TCTD phi ngân hàng. TCTD phi ngân hàng là loại hình TCTD được thực hiện một số hoạt động ngân hàng như là nội dung kinh doanh thường xuyên nhưng không được nhận tiền gửi không kỳ hạn, không làm dịch vụ thanh toán. TCTD phi ngân hàng gồm CTTC, công ty cho thuê tài chính và các TCTD phi ngân hàng khác. Đối với các CTTC thuộc các tổng công ty, việc ra đời còn dựa trên các quy định của Luật Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) năm 1995.

Giai đoạn hình thành và phát triển

Từ năm 1995, triển khai Luật DNNN, Chính phủ đã thí điểm thành lập một số tổng công ty nhà nước, trong đó có việc thí điểm thành lập một số CTTC trong tổng công ty nhà nước. Thời gian đầu, do mới đi vào hoạt động, hành lang pháp lý còn thiếu, hoạt động của CTTC còn bó hẹp, hiệu quả chưa cao. Khi Luật các TCTD 1997 ra đời, tổ chức và hoạt động của CTTC được định hình rõ hơn, đặc biệt là qua Nghị định 79/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 về tổ chức và hoạt động của CTTC. Từ đây, các CTTC dần phát huy đúng vai trò, chức năng vị trí của mình đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, phải đến năm 2006-2008 một loạt CTTC thuộc các ngành kinh tế chủ chốt khác mới ra đời. Thời gian này, với sự phát triển khá mạnh của thị trường chứng khoán tạo tiền đề cho sự phát triển của CTTC cổ phần. Tiếp theo đó, ngày 29/7/2008 Chính phủ ban hành Nghị định 81/2008/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2002/NĐ-CP, trong đó cho phép CTTC được thành lập và hoạt động tại Việt Nam dưới các hình thức là Công ty tài chính TNHH một thành viên (TNHH MTV); Công ty tài chính TNHH hai thành viên trở lên; Công ty tài chính cổ phần.

Điều này đã tạo động lực cho các CTTC hình thành và phát triển mạnh mẽ. Tính đến 31/12/2014, Việt Nam có tổng số 17 CTTC hoạt động dưới 2 hình thức công ty cổ phần và công ty TNHH một thành viên (do nhà nước sở hữu 100% vốn hoặc 100% vốn của một tổ chức nước ngoài). Trong số đó, có 10 CTTC có phần vốn góp của các tập đoàn/tổng công ty tổ chức theo hình thức CTTC tổng hợp (nhiều hoạt động kinh doanh), 7 CTTC còn lại tổ chức theo hình thức CTTC chuyên ngành (tín dụng tiêu dùng).

Giai đoạn tái cơ cấu các công ty tài chính

Ngày 07/05/2014, Chính phủ ban hành Nghị định 39/2014/NĐ-CP về hoạt động của CTTC và công ty cho thuê tài chính. Theo đó, CTTC được thực hiện nhiều hoạt động như: phát hành thẻ tín dụng, phát hành trái phiếu, kỳ phiếu, kinh doanh ngoại hối. Nghị định xác định cụ thể 2 loại CTTC, bao gồm: CTTC tổng hợp và CTTC chuyên ngành (CTTC bao thanh toán, CTTC tiêu dùng và công ty cho thuê tài chính).

CTTC tổng hợp được thực hiện các hoạt động quy định tại Luật các TCTD và Nghị định này; CTTC chuyên ngành gồm CTTC bao thanh toán, CTTC tín dụng tiêu dùng, công ty cho thuê tài chính hoạt động theo quy định tại Nghị định này và hướng dẫn của NHNN. Trong đó, CTTC bao thanh toán là CTTC chuyên ngành, hoạt động chính trong lĩnh vực bao thanh toán. CTTC tín dụng tiêu dùng là CTTC chuyên ngành, hoạt động chính trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng. Công ty cho thuê tài chính là CTTC chuyên ngành, hoạt động chính là cho thuê tài chính; dư nợ cho thuê tài chính phải chiếm tối thiểu 70% tổng dư nợ cấp tín dụng. Việc cho phép CTTC phát hành thẻ tín dụng đã được quy định trong Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, song vì chưa có hướng dẫn cụ thể nên chưa thực hiện được. Đến nay, các CTTC vẫn đang đợi Thông tư hướng dẫn cụ thể thì mới chính thức phát hành thẻ.

Được coi là giải pháp hợp lý trong bối cảnh và điều kiện của Việt Nam hiện nay, trong Dự thảo lần thứ nhất Thông tư quy định về hoạt động tín dụng tiêu dùng của CTTC, NHNN quy định: NHTM thực hiện cho vay tiêu dùng được thành lập CTTC (Khoản 2, Điều 1); Các hình thức cho vay tiêu dùng bao gồm: Cho vay trả góp, Cho vay thấu chi qua thẻ tín dụng, phát hành thẻ mua hàng (Khoản 1, Điều 1); Kể từ ngày Thông tư có hiệu lực, NHTM không được ký thêm hợp đồng tín dụng tiêu dùng (Khoản 3, Điều 23)”. Đồng thời, hiện NHNN đang xây dựng Dự thảo Thông tư quy định về hoạt động cho vay của TCTD với quy định: “Thông tư này không điều chỉnh đối với hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng vay vốn nhằm đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ tiêu dùng (Mục c, Khoản 2, Điều 1)” như một nội dung “bật đèn xanh” khởi động cuộc đua NHTM lập CTTC để cho vay tiêu dùng, song việc các TCTD có nguyện vọng và kế hoạch đăng ký thành lập CTTC, theo Luật các TCTD lại vẫn phải xin giấy phép NHNN. Đây là lý do khiến cho việc bùng nổ các thương vụ M&A liên quan đến CTTC gần đây.

Một số nhận xét, đánh giá

Xét ở nhiều khía cạnh khác nhau, các CTTC đã có những đóng góp nhất định, tuy nhiên,vẫn còn nhiều khó khăn đối với các tổ chức này. Cụ thể:

Một là, quy định pháp lý cho loại hình CTTC chưa đầy đủ, chưa khuyến khích, chưa tạo thuận lợi cho mô hình này trong cạnh tranh với các trung gian tài chính khác. Hiện nay, xu hướng M&A giữa NHTM và CTTC đang diễn ra sôi động và nó càng sôi động hơn khi NHNN cho phép các TCTD nước ngoài, NHTM trong nước mua lại CTTC để chuyển đổi thành CTTC tín dụng tiêu dùng. Tuy vậy, đây thực chất là giải pháp tái cơ cấu có phần mang tính hành chính, chưa xuất phát từ sự tự nguyện và quy luật thị trường.

Hai là, đến nay mô hình, chức năng, phạm vi hoạt động của CTTC chưa được định hình thật rõ ràng. Ví dụ, CTTC có được huy động vốn từ dân cư hay không, CTTC nên trực thuộc NHTM hay các tập đoàn/tổng công ty, CTTC được phép cung cấp dịch vụ nội bộ tập đoàn/tổng công ty hay rộng rãi với công chúng, CTTC đa ngành hay đơn ngành...

Ba là, chưa có chiến lược tổng thể phát triển CTTC phù hợp với quy mô thị trường Việt Nam.

Bốn là, công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các CTTC với vai trò là TCTD chưa chặt chẽ; chưa kịp thời đưa ra những cảnh báo và biện pháp thực sự quyết liệt nhằm hạn chế rủi ro và chấn chỉnh những vi phạm, yếu kém của nhiều CTTC.

Năm là, việc triển khai các văn bản pháp lý và hướng dẫn thực hiện đối với các CTTC còn chậm, gây lúng túng cho CTTC trong hoạt động.

Đề xuất hoàn thiện cơ sở pháp lý

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý liên quan đến tổ chức và hoạt động của các CTTC tại Việt Nam. Do tính chất lịch sử của quá trình hình thành và phát triển CTTC ở Việt Nam nên đến nay vẫn còn chắp vá, chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ và định hướng rõ ràng của hệ thống các văn bản pháp lý liên quan đến CTTC. Do đó, các cơ quan quản lý Nhà nước sớm nghiên cứu để tham mưu cho Chính phủ xem xét, trình Quốc hội ban hành Luật Công ty tài chính hoặc Luật các phi ngân hàng quy định một cách đầy đủ, rõ ràng và nhất quán về hoạt động của CTTC.

Thứ hai, hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý đối với hoạt động của các tập đoàn tài chính ngân hàng. Luật NHNN 2010 và Luật các TCTD 2010 đã thể hiện rõ quan điểm của Nhà nước trong việc tiếp tục đổi mới toàn diện và triệt để hệ thống tài chính ngân hàng. Tuy nhiên, hiện nay, chưa có một văn bản nào quy định hoàn chỉnh về sự kết hợp giữa các TCTD riêng biệt có nguyện vọng tập hợp lại thành một thể thống nhất dưới sự chỉ đạo của tập đoàn tài chính ngân hàng, bao gồm các quy định pháp lý về sáp nhập, hợp nhất, mua lại các TCTD. Trong khi đó khung pháp lý về mua bán và sáp nhập (M&A) là nền tảng quan trọng nhằm thúc đẩy quá trình tích tụ và tập trung vốn công khai minh bạch tại các TCTD. Bên cạnh đó, quy định điều chỉnh mô hình kinh doanh mới này về các vấn đề nền tảng như định nghĩa tập đoàn tài chính ngân hàng, những tiêu chí, điều kiện để thành lập tập đoàn tài chính ngân hàng, những quy định về cấu trúc tổ chức quản lý, chuẩn mực kế toán.

Thứ ba, cần định hình rõ và phân tách cụ thể hơn chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động của loại hình TCTD phi ngân hàng này. Tránh những lúng túng hay những biện pháp điều chỉnh mang tính hành chính, không tuân theo quy luật phát triển của thị trường tài chính như đã đề cập trên đây.

Thứ tư, cần có những quy định để có thể phân tầng, phân loại các tổ chức tín dụng. Số lượng các TCTD (gồm NHTM và TCTD phi ngân hàng) tuy không nhiều nếu xét theo tiêu chí số lượng tài khoản ngân hàng so với dân số. Tuy nhiên, với trình độ dân trí và quy mô của thị trường Việt Nam hiện nay thì số lượng các TCTD hiện tại quá nhiều và đã tỏ ra kém hiệu quả.

Thứ năm, cần có thêm những chế tài để quản lý cũng như hỗ trợ phát triển tín dụng tiêu dùng của CTTC. Hiện nay, NHNN đã đưa ra một dự thảo Thông tư để quản lý các CTTC và bắt buộc các ngân hàng phải thành lập CTTC để cho vay tiêu dùng. Bởi khách hàng vay tiêu dùng thường có thu nhập thấp, thiếu tài sản thế chấp nên phù hợp với mô hình CTTC hơn và rủi ro cũng lớn. Do vậy, NHNN cần phải quản lý các CTTC để hạn chế tối đa rủi ro. Bên cạnh đó, mặc dù nhiều CTTC cũng phải đi vay để cho vay, song lại không được huy động vốn dưới hình thức tiền gửi tiết kiệm của dân. Do đó, CTTC phải đi vay của ngân hàng hoặc vay trên thị trường trái phiếu để cho vay. Đó cũng chính là lý do cần có sự quản lý khác.

Ngoài ra, vấn đề mà NHNN cần cân nhắc đó là áp dụng trần lãi suất cho vay đối với tiêu dùng vì trong thực tế việc áp dụng trần lãi suất cho vay đã thất bại đối với các TCTD trước đây và điều đó chưa tuân theo quy luật thị trường. Tuy nhiên, nếu cho phép các CTTC tự do xác định lãi suất thỏa thuận với khách hàng như hiện nay thì có thể xảy ra những hậu quả khó kiểm soát và bất lợi cho người tiêu dùng. Mức lãi suất cho vay tiêu dùng hiện nay được các CTTC áp dụng theo nhiều kiểu khác nhau nhưng về bản chất mức lãi suất khoảng từ 27-35%/năm, đây là mức quá cao (vay tiêu dùng tín chấp tại các NHTM lãi suất vài năm gần đây khoảng 12-15%/năm nhưng các NHTM vẫn rất thận trọng cho vay vì lo ngại rủi ro). Mức lãi suất cao như vậy có thể khiến cho một vài CTTC có lãi lớn như số liệu đã công bố trong 1-2 năm gần đây, tuy nhiên, sẽ có thể xảy ra tình trạng vì theo đuổi mục tiêu lợi nhuận bất chấp nguy cơ rủi ro tiềm ẩn của các CTTC.

Thứ sáu, tăng cường thanh tra, giám sát và xử lý những bất ổn đối với các CTTC và giám sát chặt chẽ hơn đối với các CTTC về chấp hành các quy định liên quan đến giới hạn an toàn của TCTD; Tăng cường giám sát quá trình M&A giữa NHTM và CTTC; Kiểm soát rủi ro để tránh “bong bóng” tín dụng tài chính cá nhân.

Tài liệu tham khảo:

1. Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010;

2. Luật các Tổ chức tín dụng 2010;

3. Nghị định 79/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của công ty tài chính; Nghị định 81/2008/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 79/2002/NĐ-CP; Nghị định 39/2014/NĐ-CP về hoạt động của công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính.