Hoàn thiện dự thảo Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp
(Tài chính) Ngày 12/9/2014, tại Ninh Bình, Ủy ban Kinh tế Quốc hội phối hợp với Bộ Tài chính và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đồng chủ trì hội nghị. Tham dự hội thảo còn có Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh; Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu; đại diện các đoàn đại biểu quốc hội khu vực phía Bắc, các chuyên gia kinh tế…
Theo đánh giá của Ban soạn thảo, vấn đề quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh thời gian qua chưa thực sự hiệu quả. Hiện chưa có một văn bản lớn, thống nhất quy định về các nguyên tắc, phạm vi, thẩm quyền quyết định đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; các quy định hiện hành còn nằm rải rác ở các Luật, Nghị định, thông tư và chưa có sự thống nhất.
Trên cơ sở khảo sát đánh giá và tiếp thu các ý kiến đại biểu quốc hội ở kỳ họp trước, Dự thảo luật đã thể hiện quan điểm của đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp ở 3 khía cạnh lớn.
Thứ nhất, danh mục những ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi đầu tư vốn của Nhà nước sẽ được công khai. Danh mục này sẽ được điều chỉnh trong từng giai đoạn theo từng thời kỳ để phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội. Khi đó, nếu dự án đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp nằm ngoài danh mục sẽ bị “thổi còi” và dừng ngay không đầu tư. Như vậy, với việc định vị, công khai đối tượng ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi đầu tư vốn của Nhà nước trong từng thời kỳ sẽ tạo thuận lợi cho cơ quan đại diện chủ sở hữu, Chính phủ, Quốc hội trong quá trình giám sát, kiểm tra, rà soát và đốc thúc thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại, trọng tâm là cổ phần hóa DNNN.
Thứ hai, giám sát của Nhà nước đối với nguồn vốn đầu tư tại doanh nghiệp. Việc giám sát này được quy định cụ thể cho các cấp, từ cấp Quốc hội cho đến đại diện chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cả người dân. Đây là một nội dung được đánh giá mang tính “cách mạng” về giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).
Thứ ba, vấn đề sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, dự thảo luật đã đưa ra những nguyên tắc quản lý mang tính đặc thù riêng của Nhà nước với vai trò là đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN. Đây là những tiêu chí do đại diện chủ sở hữu nhà nước đặt ra để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn của mình tại doanh nghiệp. Những tiêu chí này sẽ thể hiện quyền của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và sẽ chặt chẽ hơn so với nguyên tắc quản trị doanh nghiệp quy định tại Luật Doanh nghiệp.
Luật Doanh nghiệp quy định chủ sở hữu doanh nghiệp căn cứ theo nguyên tắc quản trị doanh nghiệp để xây dựng và đưa ra phương án đảm bảo an toàn vốn. Đối với doanh nghiệp tư nhân, lãnh đạo doanh nghiệp là ông chủ thực sự đồng vốn đầu tư, do đó, họ có thể sẵn sàng chấp nhận rủi ro để vay vốn lớn gấp nhiều lần vốn điều lệ nếu ngân hàng chấp nhận cho vay. Nhưng đối với DNNN, đại diện chủ sở hữu nhà nước và lãnh đạo doanh nghiệp là hai chủ thể khác nhau, độc lập nhau nên việc sử dụng vốn nhà nước phải có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ để ngăn ngừa rủi ro. Vì vậy, tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, những người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại DNNN sẽ không được quyết định huy động vốn, đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định vượt mức 50% vốn chủ sở hữu. Đồng thời, DNNN sẽ phải minh bạch thông tin về hoạt động cũng như thông tin tài chính như những doanh nghiệp đại chúng theo quy định của pháp luật. Riêng đối với doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước thực hiện quản lý vốn thông qua người đại diện, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp này. Điều này cho thấy doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước vẫn phải bảo đảm hoạt động bình đẳng như các doanh nghiệp khác theo cơ chế thị trường.
Tại hội thảo, các đại biểu đề nghị ban soạn thảo tiếp tục làm rõ hơn một số vấn đề như: Quy định rõ xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân nếu hoạt động không hiệu quả; vấn đề lương thưởng cần theo hướng gắn với hiệu quả sản xuất kinh doanh...
Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu và giao Ban soạn thảo đánh giá, tiếp thu để tiếp tục hoàn chỉnh hơn dự thảo luật. Thứ trưởng cho biết, dự thảo đã tiếp cận theo chỉ đạo của Quốc hội từ vấn đề sở hữu và đã gắn được chủ trương tái cơ cấu kinh tế. Về vấn đề sở hữu, thứ trưởng nêu rõ: Cơ quan đại diện chủ sở hữu hiện nay có nhiều mô hình và đều có ưu và khuyết điểm. Điều quan trọng là quy định rõ quyền, trách nhiệm nghĩa vụ của chủ sở hữu. Do vậy, cần giữ nguyên mô hình như dự thảo.
Dự kiến Dự thảo luật sẽ được Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp vào tháng 10/2014.