Hoàn thiện hệ thống báo cáo kế toán quản trị trong các doanh nghiệp dệt may Việt Nam
Trong kế toán quản trị, lập báo cáo là nội dung quan trọng, giúp nhà quản trị có cơ sở hoạch định, kiểm soát, tổ chức thực hiện để đạt mục tiêu. Đối với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, công tác lập báo cáo kế toán quản trị hiện nay chưa thực sự được quan tâm đúng mức, việc cung cấp thông tin cho nhà quản trị chưa kịp thời. Qua phân tích nội dung yêu cầu báo cáo kế toán quản trị, bài viết đưa ra một số giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống báo cáo kế toán quản trị trong các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Kế toán quản trị (KTQT) được chính thức thừa nhận trong Luật Kế toán được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2003. Ngày 12/06/2006, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 53/2006/TT-BTC hướng dẫn áp dụng KTQT vào các doanh nghiệp (DN). So với các nước trên thế giới, KTQT tại Việt Nam còn non trẻ nên việc xây dựng và hoàn thiện KTQT trong các DN Việt Nam là thực sự cần thiết.
Trong KTQT, lập báo cáo là nội dung quan trọng, giúp nhà quản trị có cơ sở hoạch định, kiểm soát, tổ chức thực hiện để đạt mục tiêu. Đối với các DN dệt may Việt Nam hiện nay, công tác lập báo cáo KTQT chưa được quan tâm đúng mức nên chưa cung cấp thông tin kịp thời cho nhà quản trị.
Nội dung của báo cáo kế toán quản trị
KTQT nhằm cung cấp thông tin nội bộ giúp nhà quản lý điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh tại đơn vị. Trong đó, báo cáo KTQT là một nội dung cơ bản và quan trọng giúp nhà quản trị có thông tin ra quyết định. Thông tư số 53/2006/TT-BTC ngày 12/6/2006 của Bộ Tài chính cũng đã đề cập đến báo cáo KTQT. Nhìn chung, hệ thống báo cáo KTQT chủ yếu của một DN thường gồm:
Thứ nhất, báo cáo dự toán.
Dự toán là một kế hoạch hành động được tính toán một cách chi tiết, định lượng các mục tiêu hoạt động của đơn vị. Đó là tính toán dự kiến, phối hợp một cách chi tiết và toàn diện nguồn lực, cách huy động và sử dụng nguồn lực để thực hiện một khối lượng công việc nhất định bằng hệ thống các chỉ tiêu về số lượng và giá trị.
Các báo cáo dự toán bao gồm: Dự toán tiêu thụ, dự toán sản xuất, dự toán chi phí vật tư và cung ứng vật tư cho sản xuất, dự toán lao động trực tiếp...
Thứ hai, báo cáo tình hình thực hiện.
Thông tin về quá trình thực hiện là một khâu không thể thiếu để nhà quản lý hiểu được kết quả thực tế của DN. Các báo cáo thực hiện sẽ cung cấp thông tin này qua các giai đoạn như cung ứng, sản xuất, tiêu thụ... thể hiện ở một số báo cáo sau: Báo cáo doanh thu, chi phí và lợi nhuận của từng loại sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ; Báo cáo chấp hành định mức hàng tồn kho; Báo cáo tình hình sử dụng lao động và năng suất lao động...
Thứ ba, báo cáo kiểm soát và đánh giá.
Trong quá trình kiểm soát, nhà quản lý sẽ so sánh thực tiễn với kế hoạch đã thiết lập. Mục đích của báo cáo này nhằm giúp chỉ ra ở khâu nào công việc thực hiện chưa đạt yêu cầu, cũng như phát hiện những chỗ bất hợp lý trong khâu lập kế hoạch, từ đó đưa ra điều chỉnh kịp thời. Báo cáo kiểm soát bao gồm: Báo cáo kiểm soát doanh thu, báo cáo kiểm soát chi phí, báo cáo kiểm soát lợi nhuận.
Thứ tư, báo cáo phân tích.
Phân tích mối quan hệ giữa chi phí, khối lượng và lợi nhuận; Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất và tài chính. Ngoài ra, căn cứ vào yêu cầu quản lý, điều hành của từng giai đoạn cụ thể, DN có thể lập các báo cáo KTQT khác.
Hệ thống báo cáo kế toán quản trị trong các doanh nghiệp dệt may Việt Nam
Các DN dệt may Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân không chỉ về giá trị kinh tế mà còn trong việc tạo ra công ăn việc làm cho người lao động. Dệt may là ngành mà sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm thiết yếu.
Sản phẩm dệt may là loại sản phẩm có yêu cầu rất phong phú, đa dạng tuỳ thuộc vào đối tượng tiêu dùng, đây là sản phẩm mang tính thời trang cao, phải thường xuyên thay đổi mẫu mã, kiểu dáng, màu sắc, chất liệu để đáp ứng nhu cầu thích đổi mới, độc đáo và gây ấn tượng của người tiêu dùng.
Trong các DN dệt may thì việc tổ chức sản xuất thường theo dây chuyền công nghệ khép kín tương đối hoàn chỉnh từ khâu đầu đến khâu cuối cùng, là một quy trình chuyển hóa nguyên liệu vải các loại thành các loại sản phẩm may mặc. Quá trình chuyển hóa này được thực hiện theo quy trình công nghệ chế biến kiểu liên tục. Quy trình công nghệ sản xuất thường trải qua 3 giai đoạn chế biến sau:
- Giai đoạn cắt: Ở giai đoạn này nguyên liệu chính chủ yếu là vải các loại, gồm các công việc như: phân khổ vải, trải vải, đánh số và cắt vải thành các bán thành phẩm để cung cấp cho giai đoạn công nghệ chế biến tiếp theo.
Do nguyên vật liệu được tham gia một lần ngay từ đầu và có giá trị lớn nên đòi hỏi kỹ thuật cắt đảm bảo độ chính xác về các thông số, về kích cỡ quy định nếu không sẽ gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, đến chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm của công ty.
- Giai đoạn may: Bán thành phẩm từ giai đoạn cắt chuyển sang, sẽ được tiến hành theo một trình tự quy định trong thiết kế chuyền may do phòng kỹ thuật xây dựng cho từng sản phẩm, gồm các công việc như: may chi tiết, lắp ráp chính, may lót, may chính, cuối cùng may ghép thành sản phẩm. Trong quá trình này luôn được bộ phận KCS kiểm tra chất lượng.
- Giai đoạn hoàn thành sản phẩm: Đây là giai đoạn cuối cùng được thực hiện bao gồm các công việc còn lại và lúc này bộ phận KCS có nhiệm vụ kiểm tra chất lượng sản phẩm lần cuối. Sau đó tiếp tục các công việc như: Ủi, đóng gói, nhập kho, giao hàng.
Từ những đặc điểm trên cho thấy, để cung cấp thông tin cần thiết cho nhà quản trị trong việc lập kế hoạch và kiểm soát chi phí, doanh thu thì phải cần có các báo cáo KTQT đầy đủ.
Thống kê cho thấy, đến nay cả nước có hơn 6.000 DN dệt may; thu hút hơn 2,5 triệu lao động; Ước cả năm 2017, xuất khẩu toàn ngành Dệt may đạt 31 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với con số 28,3 tỷ USD của năm 2016.
Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), mỗi 1 tỷ USD xuất khẩu hàng dệt may có thể tạo việc làm cho 150 - 200 nghìn lao động. Như vậy, có thể thấy ngành Dệt may là ngành có thị trường tiêu thụ rộng lớn, có những đóng góp quan trọng về giá trị kinh tế nên cần phát triển nhiều hơn nữa. Do vậy, nhà quản trị phải cần nhiều nguồn thông tin từ các bộ phận khác nhau để phục vụ cho việc quản lý. Các thông tin đó cần phải được trình bày trong hệ thống báo cáo KTQT.
Qua nghiên cứu thực trạng tổ chức hệ thống báo cáo KTQT tại các DN dệt may có thể nhận thấy, một số DN đã sử dụng mẫu báo cáo phục vụ trong KTQT như: Báo cáo tình hình sử dụng vật liệu, báo cáo về chi phí nhân công trực tiếp, báo cáo phân tích giá thành sản phẩm, dự toán về doanh thu và sản lượng tiêu thụ… đã đáp ứng được phần nào thông tin cho nhà quản trị trong việc quản trị tại DN. Cụ thể:
- Báo cáo dự toán: Hầu hết các DN đã có lập báo cáo dự toán doanh thu, chi phí. Đối với dự toán doanh thu thì căn cứ vào số lượng tiêu thụ kế hoạch, đơn giá bán; đối với dự toán chi phí thì lập dự toán sản xuất, dự toán chi phí lương, tài chính... Như để lập dự toán chi phí nguyên vật liệu thì cần căn cứ vào số lượng và đơn giá như Bảng 1.
- Báo cáo thực hiện: chủ yếu là các báo cáo chi tiết như báo cáo tình hình thực hiện doanh thu, chi phí, báo cáo nhập xuất tồn nguyên vật liệu...
- Báo cáo kiểm soát: Các báo cáo kiểm soát tại các DN Dệt may chủ yếu là các sổ chi tiết doanh thu, chi phí, căn cứ vào báo cáo dự toán để đánh giá kết quả thực hiện có đạt được kế hoạch hay không, để đánh giá trách nhiệm của các bộ phận này, tại các công ty đã quy trình kiểm soát chi phí nguyên vật liệu như Bảng 2.
Mặc dù việc lập báo cáo KTQT đã được các DN dệt may quan tâm, tuy nhiên chỉ mới ở mức độ ít và sơ sài. Hệ thống báo cáo hầu hết là các báo cáo phục vụ cho kế toán tài chính cung cấp thông tin cho các đối tượng bên ngoài, chưa chú trọng đến việc lập báo cáo kết toán quản trị phục vụ cho nhà quản trị DN:
- Đối với các DN dệt may Việt Nam thì quá trình sản xuất trải qua nhiều giai đoạn, tuy nhiên các báo cáo chủ yếu phục vụ cho kế toán tài chính, chưa có sự chi tiết theo nhu cầu của nhà quản trị nhằm để phản ánh hiệu quả sản xuất kinh doanh theo từng giai đoạn như nhập nguyên liệu, cắt, may… Các báo cáo thực hiện chủ yếu là báo cáo chi tiết của kế toán tài chính: báo cáo sản lượng, doanh thu thực hiện.
- Về công tác lập dự toán chi phí: Tại các DN đã chi tiết hóa các khoản mục phí, tuy nhiên vẫn chưa tách chi phí thành biến phí và định phí, cách phân loại này sẽ giúp nhà quản trị dễ quản lý chi phí hơn đồng thời có thể kiểm soát chi phí tốt hơn.
Giải pháp xây dựng hệ thống báo cáo kế toán quản trị trong các doanh nghiệp dệt may
Báo cáo KTQT là nguồn thông tin rất cần thiết cho nhà quản trị trong DN, tùy thuộc vào các cấp khác nhau, đặc biệt nhà quản trị cấp trung gian và cấp cao. Thông qua hệ thống báo cáo KTQT, giúp nhà quản trị có cơ sở hoạch định, kiểm soát, tổ chức thực hiện để đạt được mục tiêu đề ra.
Khi xây dựng hệ thống báo cáo KTQT phải đảm bảo các mục tiêu sau:
- Xây dựng hệ thống báo cáo KTQT phải đảm bảo cung cấp thông tin hữu ích nhất cho nhà quản trị, thiết kế đơn giản, dễ hiểu và phù hợp với nhu cầu thông tin của nhà quản trị.
- Hệ thống báo cáo KTQT phải thích hợp với mục tiêu hoạt động cụ thể từng DN. Mỗi hoạt động khác nhau thì mục tiêu cũng không giống nhau. Vì vậy, hệ thống báo cáo KTQT phải thiết kế phù hợp với từng loại hình hoạt động của DN, đặc biệt các DN dệt may Việt Nam.
Để thực hiện các mục tiêu trên, ngoài báo cáo KTQT cơ bản mà các DN dệt may Việt Nam đã xây dựng, tác giả đưa ra một số báo cáo KTQT phục vụ cho mục đích kiểm soát chi phí, báo cáo phân tích tình hình thực hiện chi phí, báo cáo bộ phận, báo cáo giá thành sản phẩm, báo cáo thành quả của trung tâm chi phí định mức, báo cáo phản ánh thông tin thích hợp cho việc ra quyết định...
+ Báo cáo KTQT phục vụ cho việc kiểm soát chi phí:
Mục đích: So sánh chi phí định mức với chi phí thực hiện để nhà quản trị biết được tiết kiệm hay lãng phí chi phí ở từng bộ phận cho loại chi phí đó, đặc biệt chi phí nguyên vật liệu trực tiếp gồm nhiều loại nguyên vật liệu khác nhau. Trên góc độ tổng hợp, báo cáo kiểm soát chi phí ở DN dệt may Việt Nam có thể lập như Bảng 3.
+ Báo cáo về chi phí và phân tích tình hình thực hiện chi phí:
Mục đích: cung cấp thông tin về chi phí sản xuất theo từng đối tượng tập hợp chi phí giúp nhà quản trị kiểm tra đánh giá tình hình sử dụng chi phí sản xuất ở các bộ phận sản xuất (Bảng 4).
+ Báo cáo giá thành: Cung cấp thông tin về tổng giá thành sản xuất thực tế, giá thành đơn vị thực tế từng loại sản phẩm, giúp nhà quản trị so sánh tình hình thực hiện giá thành của từng đơn vị trong DN. Đồng thời cung cấp thông tin cho việc ra quyết định liên quan đến việc định giá bán sản phẩm (Bảng 5).
+ Báo cáo bộ phận: cung cấp thông tin về lợi nhuận của từng bộ phận riêng biệt trong DN, để đánh giá kết quả hoạt động của từng bộ phận đó và đánh giá trách nhiệm của nhà quản lý tại bộ phận đó.
+ Báo cáo thành quả của trung tâm chi phí định mức: so sánh được thông tin chi phí định mức thực tế với chi phí định mức, giúp nhà quản trị kiếm soát chặt chẽ hơn về chi phí sản xuất.
+ Báo cáo phản ánh thông tin thích hợp cho việc ra quyết định: Cung cấp thông tin nhanh chóng, dễ hiểu, thích hợp về doanh thu và chi phí liên quan đến các phương án để giúp nhà quản lý đưa ra quyết định như nên mua ngoài hay tự sản xuất, nên bán hay tiếp tục sản xuất...
Báo cáo KTQT là công cụ cung cấp thông tin thực hiện cho nhà quản trị DN nói chung và các DN dệt may Việt Nam nói riêng. Báo cáo KTQT được xây dựng dựa trên nhu cầu của nhà quản trị để thực hiện chức năng của mình, báo cáo KTQT được thiết kế phù hợp với đặc điểm và quy mô DN, tạo ra kênh thông tin hữu ích trong việc hoạch định, kiểm soát và ra quyết định giúp nhà quản trị DN dệt may Việt Nam quản lý được ở nhiều góc độ khác nhau nhằm đạt hiệu quả cao.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Tài chính (2006), Thông tư số 53/2006/TT-BTC “Hướng dẫn áp dụng kế toán quản trị trong các DN”;
2. PGS.,TS. Võ Văn Nhị (2007), Báo cáo tài chính và báo cáo kế toán quản trị áp dụng trong DN Việt Nam, NXB Giao thông vận tải;
3. PGS.,TS. Phạm Văn Dược (1998), Hướng dẫn tổ chức kế toán quản trị trong các DN, NXB Thống kê;
4. ThS. Trần Tuấn Anh, ThS. Đỗ Thị Thu Hằng (2014). Ứng dụng kế toán quản trị chi phí và giá thành sản phẩm trong các DN Việt Nam (Tạp chí Tài chính).