Hoàn thiện khung khổ pháp lý thu hút đầu tư nước ngoài
(Tài chính) Thực tế thời gian qua, việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam có xu hướng phục hồi. Sau đỉnh điểm thu hút đầu tư vào năm 2008 với gần 100 tỷ USD là một thời gian chững lại, nhưng đến năm 2013 lượng vốn đăng ký lên tới 22,3 tỷ USD; vốn giải ngân tăng lên 11,5 tỷ USD. Tuy nhiên, để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài hơn nữa, Việt Nam cần hoàn thiện thêm khung khổ pháp lý về đầu tư, bảo vệ được doanh nghiệp kinh doanh chân chính.
Thực tế cho thấy vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế trong việc thu hút, sử dụng vốn FDI, đó là hạ tầng, nguồn nhân lực, công nghiệp hỗ trợ... chưa tốt. Bên cạnh đó hệ thống pháp luật, chính sách chồng chéo, mâu thuẫn; thiếu các quy định, hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới và các điều kiện đầu tư.
Một số quy định hiện hành chưa phù hợp như: chính sách ưu đãi đầu tư, vấn đề lao động và quản lý lao động nước ngoài; quy định về mua bán và sáp nhập doanh nghiệp chưa rõ ràng, khó thực hiện; chính sách về công nghiệp hỗ trợ chưa đủ hấp dẫn; cơ chế giải quyết tranh chấp chưa rõ ràng… Để nâng cao năng lực cạnh tranh trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, hầu hết các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn về thủ tục hành chính.
Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho biết, những quy định về mua cổ phần, cổ phiếu, chuyển nhượng phần góp vốn đối với nhà đầu tư nước ngoài hiện nay, theo sửa đổi như Luật Doanh nghiệp, về cơ bản đã giống như nhà đầu tư trong nước. Như vậy sẽ thuận tiện hơn, vì chỉ thay đổi chủ sở hữu chứ không làm thay đổi doanh nghiệp.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài GS., TSKH. Nguyễn Mại, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) phải xử lý đồng thời 2 nhược điểm chủ yếu của luật hiện hành, phải hình thành được hành lang pháp lý thông thoáng để tạo tiền đề cho doanh nghiệp được quyền tự chủ thực hiện ý tưởng, sáng kiến trong kinh doanh và đầu tư. Đồng thời phải xử lý các kẽ hở về luật pháp để bảo vệ được doanh nghiệp kinh doanh chân chính.
Bên cạnh đó, thu hút đầu tư nước ngoài cần tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về thu hút vốn theo hướng chọn lọc các dự án có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, tăng cường thu hút các dự án quy mô lớn, sản phẩm có tính cạnh tranh cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia, từ đó xây dựng, phát triển hệ thống các ngành, doanh nghiệp phụ trợ; khuyến khích các dự án công nghiệp chuyển dần từ gia công sang sản xuất; chú trọng đến các dự án có quy mô vừa và nhỏ phù hợp với từng ngành kinh tế, từng địa phương…
Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam Preben Hjortlund cho rằng, cần thu hút đầu tư có chọn lọc nhưng cần phải cải thiện khâu cấp phép, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, đây là xu thế bắt buộc để nâng cao năng lực cạnh tranh. Bổ sung các công cụ quản lý, đáp ứng kịp tốc độ phát triển, xây dựng được hàng rào kỹ thuật hiệu quả, tích cực cải cách thủ tục hành chính có tính đồng bộ hơn, tránh phát sinh chồng chéo. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng, công nghiệp phụ trợ cũng cần phải cải thiện nếu muốn nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài.
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đòi hỏi phải phát huy nội lực, đồng thời tranh thủ nguồn lực cho đầu tư, phát triển, trong đó đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng vai trò rất quan trọng. Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài trong khu vực và trên thế giới diễn ra ngày một gay gắt, việc rà soát, đánh giá những vướng mắc trong hoạt động đầu tư tại Việt Nam, nhất là các bất cập của quy định về điều kiện, thủ tục đầu tư tại Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các văn bản liên quan khác là một nhiệm vụ quan trọng, làm sao bảo đảm cho các nhà đầu tư một môi trường hoạt động lành mạnh và an toàn.