Hoàn thiện môi trường pháp lý quản lý nhà nước về giá
Triển khai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015 với nhiệm vụ hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, Bộ Tài chính đã ban hành hoặc Bộ đã trình Chính phủ, Chính phủ trình Quốc hội ban hành các cơ chế, chính sách quản lý, điều hành, kiểm soát giá chung.
Theo đó, đã hoàn thiện về cơ bản môi trường pháp lý quản lý nhà nước về giá theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.
Những kết quả đạt được của Pháp lệnh giá (2002)
Để góp phần phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nghị quyết số 52/2001/NQ-QH10 ngày 25/12/2001 của Quốc Hội về Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2002, ngày 26/04/2002, Pháp lệnh giá số 40/2002/PL-UBTVQH10 đã được UBTVQH thông qua.
Về cơ bản Pháp lênh Giá đã thể chế hóa được đường lối của Đảng về quản lý, điều hành giá trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và trở thành một bộ phận quan trọng trong hệ thống pháp luật chung; góp phần tích cực vào việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Hệ thống pháp luật về giá đã mở đường cho việc chuyển từ cơ chế giá hành chính áp đặt sang cơ chế giá thị trường có sự kiểm soát của Nhà nước. Thúc đẩy nhanh việc xoá bỏ cơ chế Nhà nước quyết định giá hầu hết các loại hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế; thực hiện chế độ bao cấp qua giá cho cả nền kinh tế trong nhiều thập kỷ chuyển sang việc quy định giá cả được thực hiện theo cơ chế thị trường.
Nhà nước giảm mạnh quyền định giá trực tiếp, chỉ còn định giá đối với một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng, tác động lớn đến kinh tế - xã hội. Nhà nước thực hiện việc quản lý, điều hành giá chủ yếu bằng các biện pháp kinh tế vĩ mô, phù hợp dần với yêu cầu của cơ chế kinh tế thị trường và cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; giảm mạnh việc bù lỗ, bù giá, bao cấp qua giá…
Pháp lệnh Giá cũng đã bước đầu tạo được cơ chế phát huy, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá theo quy định của pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh; tạo ra những điều kiện để huy động, phân bổ và sử dụng hợp lý hơn các nguồn lực của đất nước; góp phần tạo nên tốc độ tăng trưởng cao của nền kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân.
Bên cạnh đó, Pháp lệnh Giá đã phân định được trách nhiệm giữa trung ương, địa phương, các Bộ, các ngành, các doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý giá, bình ổn giá, hiệp thương giá. Đồng thời, quy định các cơ chế đấu thầu, đấu giá, thẩm định giá, thỏa thuận giá, niêm yết giá thay cho các cơ chế định giá, phê duyệt giá đã góp phần làm cho thị trường hoạt động công khai minh bạch hơn, giảm thiểu hoạt động của thị trường ngầm, làm cho hệ thống tín hiệu về giá trên thị trường mang tính khách quan hơn.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, Pháp lệnh giá cũng đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập cần sửa đổi.
Mặt khác, Nghị quyết của Đảng đã đề ra, trong cơ chế kinh tế thị trường Nhà nước cần làm tốt các chức năng như: Định hướng sự phát triển bằng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và cơ chế, chính sách trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc của thị trường.
Thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật, giảm tối đa sự can thiệp hành chính vào hoạt động của thị trường và doanh nghiệp. Tạo môi trường pháp lý và cơ chế chính sách thuận lợi để phát huy các nguồn lực của xã hội cho phát triển, các chủ thể hoạt động kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, công khai và minh bạch, có trật tự, kỷ cương.
Tác động đến thị trường chủ yếu thông qua cơ chế chính sách và các công cụ kinh tế; đồng thời sử dụng kịp thời, có hiệu quả một số biện pháp cần thiết khi thị trường hoạt động không có hiệu quả hoặc thị trường khu vực và thế giới có biến động lớn.
Vì vậy, để phù hợp với chức năng quản lý nền kinh tế nói chung, đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý giá bằng luật pháp theo hướng: Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá của thị trường trên cơ sở các tín hiệu: giá trị thị trường, cung cầu, cạnh tranh…
Chủ yếu sử dụng các biện pháp kinh tế vĩ mô tác động đến sự hình thành và vận động của giá cả để bình ổn giá cả thị trường. Chỉ quyết định giá hoặc kiểm soát giá của một số hàng hóa, dịch vụ độc quyền, tài nguyên quan trọng, hàng dự trữ quốc gia... để khắc phục những khuyết tật của thị trường tránh gây ra những tổn thất, những bất ổn về kinh tế xã hội.
Ban hành và triển khai Luật Giá (2012)
Nhằm đáp ứng yêu cầu phải tiếp tục đổi mới phương thức quản lý giá, khắc phục những bất cập hiện tại để quản lý giá phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường; bảo đảm khuyến khích cạnh tranh về giá; bảo đảm vai trò của giá cả trong cơ chế kinh tế thị trường; và bảo đảm được sự can thiệp của Nhà nước về giá phù hợp với vai trò, chức năng của Nhà nước trong cơ chế kinh tế thị trường; Bộ Tài chính đã chủ trì tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh Giá và xây dựng dự thảo Luật Giá trình Chính phủ trình Quốc hội.
Ngày 20/6/2012, tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIII, 476/476 (100%) Đại biểu Quốc hội có mặt đã bỏ phiếu thông qua Luật Giá số 11/2012/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013 (thay thế Pháp lệnh Giá 2002).
Luật Giá được xây dựng và hoàn thiện theo hướng vừa quy định rõ quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, của người tiêu dùng trong lĩnh vực giá, bảo đảm được sự điều tiết của Nhà nước về giá chủ yếu thông qua các biện pháp kinh tế nhằm bình ổn giá thị trường phù hợp với các cam kết quốc tế về chính sách giá được nêu tại Báo cáo của Ban công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO ngày 27/10/2006.
Các quy định của Luật phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tôn trọng quyền tự định giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh; khuyến khích cạnh tranh, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Luật Giá cũng bảo đảm được tính thống nhất, đồng bộ với các pháp luật liên quan; bảo đảm tính khả thi, minh bạch và thuận tiện cho tổ chức thực hiện.
Sau Luật Giá, nhiều Nghị định hướng dẫn cũng lần lượt được ban hành, như: Nghị định số 89/2013/NĐ-CP ngày 06/8/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/9/2013); Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2014); Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn (có hiệu lực thi hành từ ngày 09/11/2013).
Căn cứ quy định của Luật Giá và các Nghị định của Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành các Thông tư: Thông tư số 56/2014/TT-BTC ngày 28/4/2014 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 177/2013/NĐ-CP; Thông tư số 38/2014/TT-BTC ngày 28/3/2014 hướng dẫn một số điều của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP; Thông tư số 31/2014/TT-BTC ngày 07/3/2014 hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá tại Nghị định số 109/2013/NĐ-CP; Thông tư số 25/2014/TT-BTC ngày 17/02/2014 quy định về phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ; Thông tư số 06/2014/TT-BTC ngày 07/01/2014 về việc ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá số 13 thẩm định giá tài sản vô hình; Thông tư số 46/2014/TT-BTC ngày 16/4/2014 quy định về việc thi, quản lý, cấp và thu hồi Thẻ thẩm định viên về giá; Thông tư số 158/2014/TT-BTC ngày 27/10/2014 ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 01, 02, 03, 04; Thông tư số 204/2014/TT-BTC ngày 23/12/2014 quy định về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá; Thông tư số 28/2015/TT-BTC ngày 06/3/2015, Thông tư số 126/2015/TT-BTC ngày 20/8/2015 ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 05, 06, 07, 08,09, 10...
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với các Bộ để ban hành các thông tư liên tịch liên quan đến quản lý giá hàng hóa dịch vụ chuyên ngành.
Sau khi Luật Giá và các văn bản hướng dẫn được ban hành, Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) đã chủ động tổ chức việc tuyên truyển, phổ biến pháp luật về giá đến các đối tượng trong xã hội, như:
Tổ chức các Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, Hội nghị tập huấn các văn bản QPPL về giá và thẩm định giá, như 03 Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Giá và các văn bản hướng dẫn tại 03 miền Bắc, Trung và Nam; Hội nghị tập huấn một số Thông tư hướng dẫn các Nghị định của Luật Giá và tiếp nhận, giải đáp vướng mắc về triển khai biện pháp bình ổn giá sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi, các hội nghị chuyên đề, họp báo, giải đáp vướng mắc về triển khai biện pháp bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; Hội nghị hướng dẫn đăng ký giá và kê khai giá các mặt hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn...
Thực hiện phổ biến các Nghị định hướng dẫn Luật Giá và dự thảo Thông tư hướng dẫn tại một số Sở Tài chính địa phương như Nam Định, Hà Tĩnh, Thái Bình, Hòa Bình... cho các cán bộ công chức, viên chức công tác trong lĩnh vực giá tại các địa phương.
Thực hiện phổ biến văn bản pháp luật, các báo cáo, bài viết nghiên cứu trao đổi liên quan đến lĩnh vực giá thông qua đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính và Cục Quản lý giá, trên Tạp chí Thị trường giá cả và nhiều tờ báo khác.
Như vậy, cho đến nay chúng ta đã hình thành tương đối đầy đủ hệ thống khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực giá, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước trên phạm vi cả nước.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá
Cho đến nay, sau 3 năm thực hiện Luật giá, về cơ bản các quy định của Luật đã đáp ứng yêu cầu quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.
Tuy nhiên, trong thực tiễn điều hành của Chính phủ vẫn phát sinh những tình hình mới đòi hỏi cần thiết tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết Luật giá ví dụ như về danh mục mặt hàng bình ổn giá, về thẩm quyền quản lý Nhà nước về giá của một số Bộ quản lý chuyên ngành...
Bên cạnh đó, sự phát triển nền kinh tế thị trường đã thúc đẩy quá trình xã hội hóa cung cấp dịch vụ công ngày càng diễn ra mạnh mẽ tại nước ta trong những năm vừa qua. Cùng với việc nhiều tổ chức, đơn vị công lập chuyển sang cơ chế tự chủ tài chính, thành phần kinh tế tư nhân cũng tham gia ngày một sâu rộng vào lĩnh vực cung cấp các dịch vụ công.
Việc tiếp tục quy định một số khoản thu cung cấp dịch vụ công theo cơ chế phí sẽ không khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực này do cơ chế phí sẽ không bảo đảm cho các đơn vị cung cấp được tính đúng, tính đủ các khoản mục chi phí và có lợi nhuận hợp lý. Do đó, việc chuyển một số khoản thu phí sang cơ chế giá là cần thiết để khuyến khích đầu tư, tăng cường cạnh tranh, nâng cao chất lượng cung cấp một số dịch vụ công.
Do quá trình xã hội hóa cung cấp dịch vụ công, một số khoản thu dịch vụ do các doanh nghiệp tư nhân cung cấp theo quy định vẫn tên là phí nhưng trong thực tế đã thu theo cơ chế giá như phí trông giữ xe đạp, xe máy tại điểm trông giữ xe tư nhân, viện phí tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do tư nhân đầu tư. Việc tiếp tục giữ tên là phí sẽ không phù hợp với thực tế, đồng thời cũng tạo ra sự không công bằng giữa khối tư và khối công trong cung cấp dịch vụ.
Việc chuyển một số loại phí sang giá cũng góp phần làm giảm áp lực chi ngân sách nhà nước, nhất là trong bối cảnh chi đầu tư công đang ở mức cao.
Ngày 25/11/2015, Quốc hội đã thông qua Luật phí, lệ phí có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2017. Theo đó, bên cạnh các loại phí trước đây nay không còn tên trong danh mục phí nữa để thực hiện theo cơ chế giá thị trường thì tại Điều 24 Luật phí, lệ phí đã quy định các khoản phí trong Danh mục phí và lệ phí kèm theo Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 chuyển sang thực hiện theo cơ chế giá do Nhà nước định giá theo Danh mục tại Phụ lục số 2 kèm theo Luật này được thực hiện theo Luật giá kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành và giao Chính phủ quy định cụ thể cơ quan có thẩm quyền quy định giá và hình thức định giá.
Quy định trên đã đặt ra yêu cầu cần thiết nghiên cứu bổ sung, sửa đổi các văn bản quy định chi tiết Luật giá mà trước mắt là Nghị định số 177/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá do quy định về thẩm quyền định giá của Nhà nước là một nội dung của Nghị định này.
Do đó, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 177/2013/NĐ-CP để quy định chi tiết nội dung thẩm quyền và hình thức định giá sản phẩm, dịch vụ chuyển từ phí sang giá dịch vụ do Nhà nước định giá; cũng như quy định hình thức quản lý giá đối với một số sản phẩm dịch vụ chuyển từ phí sang giá mà theo quy định của Luật phí, lệ phí thì Nhà nước không định giá nhưng cần thiết phải có cơ chế quản lý, điều tiết phù hợp để bảo đảm việc chuyển đổi không gây tác động xấu đến đời sống nhân dân và an sinh xã hội.