Hoàn thiện pháp luật về sản phẩm tài chính vi mô, đáp ứng nhu cầu khách hàng

TS. Nguyễn Ngọc Yến - Trường Đại học Luật Hà Nội

Khách hàng tài chính vi mô có nhu cầu rất lớn đối với các sản phẩm tài chính, tuy nhiên, họ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận và sử dụng các sản phẩm tài chính thông thường. Bài viết chỉ ra nhu cầu về những sản phẩm tài chính đặc thù của nhóm khách hàng tài chính vi mô, phân tích, thực trạng các quy định của pháp luật Việt Nam về vấn đề này, từ đó đề xuất giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật điều chỉnh đối với các sản phẩm tài chính vi mô hướng tới đáp ứng nhu cầu của nhóm khách hàng đặc biệt.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đặt vấn đề

Hoạt động tài chính vi mô đã và đang khẳng định được vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ những chủ thể có thu nhập thấp tiếp cận các dịch vụ tài chính, ngân hàng một cách an toàn, thuận lợi, đồng thời gắn liền với sứ mệnh an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Hiện nay, tài chính vi mô được coi là một phần của tài chính mở rộng, gắn liền với các mục tiêu thực hiện chiến lược tài chính toàn diện, tài chính bao trùm.

Do đó, từ nhiều góc độ khác nhau, việc tiếp cận nhu cầu của khách hàng tài chính vi mô, từ đó thiết kế các sản phẩm phù hợp, minh bạch, có tính cạnh tranh là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, trong thực tiễn cũng như trong các quy định của pháp luật điều chỉnh vẫn chưa thể hiện rõ hướng tiếp cận này, đặt ra nhiều thách thức cho sự phát triển các sản phẩm tài chính vi mô ở Việt Nam.

Khái quát về khách hàng tài chính vi mô và nhu cầu sử dụng các sản phẩm tài chính

Theo Khoản 2 Điều 3 Quyết định số 20/2017/QĐ-TTg ngày 12/06/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về hoạt động của chương trình, dự án tài chính vi mô của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ, khách hàng tài chính vi mô là những cá nhân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình, cá nhân có thu nhập thấp, doanh nghiệp siêu nhỏ. Với những đặc thù trong tư cách chủ thể, các khách hàng tài chính vi mô khi sử dụng dịch vụ tài chính sẽ có nhu cầu đặc biệt về sản phẩm tài chính hơn so với các sản phẩm tài chính thông thường của các khách hàng thông thường. Về cơ bản, các sản phẩm tài chính vi mô gắn liền với nhu cầu của khách hàng tài chính vi mô bao gồm:

Thứ nhất, sản phẩm tín dụng vi mô. Tín dụng vi mô là hoạt động cấp tín dụng dưới hình thức cho vay với số tiền nhỏ từ phía các tổ chức tín dụng, các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước cung cấp cho các đối tượng là các khách hàng tài chính vi mô. Các khoản tín dụng vi mô có đặc thù lãi suất thấp, không cần có tài sản bảo đảm, trình tự, thủ tục vay đơn giản, đáp ứng nhu cầu về vốn cho các trường hợp khẩn cấp, nhằm mục đích tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh, mua bán nhỏ từ đó cải thiện đời sống của những cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp, các doanh nghiệp siêu nhỏ.

Thứ hai, sản phẩm tiết kiệm vi mô. Tiết kiệm vi mô là một nhánh của tài chính vi mô, bao gồm một tài khoản tiền gửi nhỏ được cung cấp cho các hộ gia đình hoặc cá nhân có thu nhập thấp như một sự khích lệ họ tiết kiệm tiền để sử dụng trong tương lai. Các sản phẩm tiết kiệm vi mô được thiết kế tương tự như sản phẩm tiết kiệm thông thường, nhưng có quy mô số tiền nhỏ hơn, thường được miễn yêu cầu số dư tối thiểu, hoặc nếu có thì rất thấp, nhằm cho phép người sử dụng tiết kiệm ngay cả với số tiền nhỏ và không bị thu phí dịch vụ. Cơ bản, các sản phẩm tiết kiệm vi mô được triển khai với các hình thức chủ yếu là tiết kiệm bắt buộc và tiết kiệm tự nguyện.

Thứ ba, sản phẩm thanh toán và chuyển tiền vi mô. Người có thu nhập thấp, chính là nhóm đối tượng khách hàng tài chính vi mô chủ yếu, thông thường lại chính là những chủ thể có nhu cầu rất lớn với dịch vụ thanh toán và chuyển tiền. Các sản phẩm thanh toán mà khách hàng tài chính vi mô có thể sử dụng bao gồm sản phẩm thanh toán qua tài khoản và sản phẩm thanh toán không thông qua tài khoản. Việc sử dụng các sản phẩm này còn tuỳ thuộc vào chủ thể cung ứng sản phẩm là chủ thể nào với sự quản lý, cấp phép từ phía cơ quan quản lý nhà nước cũng như chính sách, pháp luật của từng quốc gia (Legerwood, J., (1999), Microfinance Handbook: An Institutional and Financial Perspective, Washington, World Bank).

Thứ tư, sản phẩm bảo hiểm vi mô. Bảo hiểm vi mô là một sản phẩm tài chính dành cho đối tượng có thu nhập thấp và có nguồn gốc từ tài chính vi mô nhằm giúp đỡ người có thu nhập thấp giảm, tránh các rủi ro có thể gặp phải trong sản xuất và đời sống. Đây được coi là một hình thức thu xếp tài chính để bảo vệ người được bảo hiểm chống lại các rủi ro và hiểm hoạ cụ thể với điều kiện khách hàng đóng góp các khoản phí bảo hiểm thường xuyên tương xứng với khả năng và chi phí của các rủi ro liên quan.

Bên cạnh những sản phẩm tài chính vi mô truyền thống, một số sản phẩm tài chính vi mô bắt đầu xuất hiện trên thực tế nhằm thoả mãn nhu cầu của các khách hàng tài chính vi mô, như sản phẩm đầu tư vi mô, sản phẩm tài chính vi mô xanh. Thêm vào đó, ngoài những sản phẩm tài chính vi mô, các khách hàng tài chính vi mô cũng thường có nhu cầu sử dụng các sản phẩm phi tài chính, như được đào tạo, tập huấn về kiến thức, kỹ năng... để có thể chủ động thay đổi khả năng tài chính và nâng cao chất lượng cuộc sống. Việc cung cấp thêm những sản phẩm phi tài chính vi mô cho thấy hoạt động tài chính vi mô không chỉ hướng tới mục tiêu kinh doanh thu lời cho những chủ thể thực hiện mà còn hướng tới trụ cột quan trọng là thực hiện các mục tiêu xã hội.

Thực trạng pháp luật Việt Nam về sản phẩm tài chính vi mô đặt trong tương quan với nhu cầu của khách hàng tài chính vi mô

Pháp luật Việt Nam hiện hành đã ngày càng hoàn thiện theo hướng quy định hoá các sản phẩm tài chính vi mô mới, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai và bảo vệ quyền lợi của các bên, đặc biệt là khách hàng tài chính vi mô. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, pháp luật về sản phẩm tài chính vi mô vẫn còn tồn tại một số hạn chế sau:

Thứ nhất, quy định về mức dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp siêu nhỏ chưa hợp lý, không đảm bảo phù hợp với nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh của chủ thể này. Theo đó, Khoản 5 Điều 32 Thông tư số 03/2018/TT-NHNN ngày 23/02/2018 của Ngân hàng Nhà nước về cấp Giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính vi mô quy định, tổng dư nợ cho vay đối với một khách hàng tài chính vi mô (bao gồm cá nhân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, doanh nghiệp siêu nhỏ) không được vượt quá 50 triệu đồng. Thực tế, mức 50 triệu đồng có thể phù hợp với một cá nhân, nhưng với một doanh nghiệp, ngay cả doanh nghiệp siêu nhỏ, mức cho vay 50 triệu đồng được coi là khoản vốn khá “mỏng” để chủ thể này thực hiện hoạt động kinh doanh.

Thứ hai, quy định về tiền gửi tiết kiệm bắt buộc của khách hàng tài chính vi mô chưa phản ánh tính chất đặc trưng của khoản tiền gửi này. Khoản 8 Điều 3 Thông tư số 03/2018/TT-NHNN quy định, tiết kiệm bắt buộc là số tiền mà khách hàng tài chính vi mô phải gửi theo quy định của tổ chức tài chính vi mô hoặc theo quy định của chương trình, dự án tài chính vi mô. Trên thực tế, khách hàng tài chính vi mô của các tổ chức tài chính vi mô/chương trình, dự án tài chính vi mô thường không có tài sản thế chấp hoặc nếu có thì giá trị thường rất thấp, bởi vậy, các tổ chức thực hiện hoạt động tài chính vi mô thường áp dụng tiền gửi tiết kiệm bắt buộc như một hình thức bảo đảm khoản vay. Như vậy, trong hoạt động tín dụng vi mô, tiết kiệm bắt buộc được dùng để phản ánh khả năng tích luỹ, hình thành tài sản của người đi vay, đồng thời đóng vai trò như một cơ chế bảo đảm bổ sung cho việc hoàn trả khoản vay.

Thứ ba, đối với việc cung ứng dịch vụ thanh toán, pháp luật Việt Nam hiện hành chưa cho phép tổ chức tài chính vi mô trở thành tổ chức thực hiện hoạt động này, cả về hoạt động thanh toán qua tài khoản và không qua tài khoản. Đối với các dịch vụ trung gian thanh toán, việc tham gia của các tổ chức thực hiện hoạt động tài chính vi mô vào cung cấp dịch vụ cung ứng hạ tầng thanh toán khá khó khăn, mảng này chủ yếu dành cho các công ty Fintech thực hiện. Do vậy, hiện nay tại Việt Nam, các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ dịch vụ thanh toán như dịch vụ thu hộ, chi hộ, dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử đang là lựa chọn duy nhất đối với các tổ chức tài chính vi mô trong lĩnh vực thanh toán (Nhóm công tác Tài chính vi mô Việt Nam (2017), tlđd, tr.25).

Thứ tư, đối với sản phẩm bảo hiểm vi mô, pháp luật kinh doanh bảo hiểm hiện hành đã kiện toàn cơ sở pháp lý cho việc tổ chức thực hiện, cung cấp loại sản phẩm này dành cho các khách hàng tài chính vi mô. Tuy nhiên, rà soát các quy định của pháp luật, còn thiếu các quy định mang tính hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức triển khai cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô. Điều này có thể gây khó khăn cho việc phát triển sản phẩm dịch vụ này trên thực tiễn, bởi tính đặc thù của sản phẩm bảo hiểm này thực sự chưa có tính “hấp dẫn” trong khả năng tạo ra lợi nhuận cao nếu nhìn từ góc độ chủ thể kinh doanh bảo hiểm.

Giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luậtvề sản phẩm tài chính vi mô

Để phát triển các sản phẩm tài chính vi mô đáp ứng nhu cầu của khách hàng, ngoài những giải pháp đến từ quá trình thực hiện, triển khai của các tổ chức thực hiện hoạt động tài chính vi mô, những giải pháp đến từ việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho khách hàng... thì giải pháp cơ bản, quan trọng vẫn là hoàn thiện các quy định của pháp luật điều chỉnh về các vấn đề này. Dựa trên những thực trạng đã chỉ ra, tác giả đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt Nam về sản phẩm tài chính vi mô nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng như sau:

Thứ nhất, sửa đổi quy định về tổng dư nợ cho vay của tổ chức tài chính vi mô, chương trình, dự án tài chính vi mô đối với khách hàng là doanh nghiệp siêu nhỏ. Cụ thể, cần sửa đổi khoản 5 Điều 32 Thông tư số 03/2018/TT-NHNN và điểm c Khoản 2 Điều 13 Quyết định số 20/2017/QĐ-TTg theo hướng: Tổng dư nợ cho vay của tổ chức tài chính vi mô/chương trình, dự án tài chính vi mô đối với mỗi doanh nghiệp siêu không được vượt quá 100 triệu đồng.

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung quy định về tiết kiệm bắt buộc theo hướng phù hợp với đặc thù của hoạt động tín dụng vi mô mà các tổ chức tài chính vi mô/chương trình, dự án tài chính vi mô cung cấp cho khách hàng. Khái niệm về tiết kiệm bắt buộc nên được quy định như sau: Tiết kiệm bắt buộc là số tiền mà khách hàng tài chính vi mô phải gửi theo quy định của tổ chức tài chính vi mô/chương trình, dự án tài chính vi mô và dùng để bảo đảm cho khoản vay của khách hàng tại tổ chức tài chính vi mô (nếu có).

Thứ ba, nghiên cứu sự tham gia của các tổ chức tài chính vi mô vào việc cung cấp dịch vụ thanh toán như dịch vụ thẻ, bổ sung các quy định về hoạt động ủy thác thanh toán, mở rộng mạng lưới cung ứng dịch vụ ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa để thúc đẩy việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thanh toán.

Thứ tư, rà soát các quy định của pháp luật có liên quan như pháp luật về thuế, gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, pháp luật về đầu tư nhằm xây dựng chính sách ưu đãi, thu hút các tổ chức cung ứng sản phẩm bảo hiểm vi mô.

(*) Bài báo được thực hiện trong khuôn khổ Đề tài “Pháp luật về tài chính vi mô ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp hoàn thiện” của Trường Đại học Luật Hà Nội.

Tài liệu tham khảo:

  1. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 20/2017/QĐ-TTg ngày 12/06/2017 quy định về hoạt động của chương trình, dự án tài chính vi mô của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ;
  2. Ngân hàng Nhà nước, Thông tư số 03/2018/TT-NHNN ngày 23/02/2018 về cấp Giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính vi mô;
  3. Legerwood, J., (1999), Microfinance Handbook: An Institutional and Financial Perspective, Washington, World Bank;
  4. Hoàng Minh (2022), Cake hợp tác Dragon Capital cho phép đầu tư tài chính từ 10.000 đồng, truy cập tại địa chỉ https://vnexpress.net/cake-hop-tac-dragon-capital-cho-phep-dau-tu-tai-chinh-tu-10-000-dong-4453613.html ngày 10/11/2022;
  5. Ngân hàng Nhà nước (2010), Giới thiệu về hoạt động tài chính vi mô tại Việt Nam, bài đăng trên trang https://www.sbv.gov.vn truy cập ngày 10/10/2022;
  6. Nhóm công tác Tài chính vi mô Việt Nam (2017), Sản phẩm dịch vụ tài chính vi mô: Thực trạng và giải pháp phát triển, Chủ biên: PGS.TS. Nguyễn Kim Anh, Hà Nội.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 7/2023