Hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tài chính - ngân sách

Minh Hà

Năm 2022, Bộ Tài chính đã chủ động hoàn thiện thể chế, chính sách và xây dựng các đề án cơ bản đáp ứng được yêu cầu về tiến độ, đảm bảo chất lượng, qua đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN).

Bộ Tài chính đề xuất ban hành nhiều văn bản, chính sách kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN.
Bộ Tài chính đề xuất ban hành nhiều văn bản, chính sách kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN.

Đề xuất ban hành nhiều văn bản tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 diễn ra chiều 19/12/2022 cho biết, bám sát yêu cầu của thực tiễn, năm 2022, Bộ Tài chính đã kịp thời đề xuất ban hành các văn bản pháp luật tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) và người dân, kiểm soát áp lực tăng giá cả, lạm phát, góp phần hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Bộ Tài chính, thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2022 của Chính phủ và các nhiệm vụ phát sinh được giao, tính đến ngày 15/12/2022, Bộ Tài chính đã hoàn thành 76 đề án, nhiệm vụ được giao.

Trong đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); cho ý kiến đối với dự án Luật Giá (sửa đổi) và thông qua 3 nghị quyết (Nghị quyết số 53/2022/QH15 ngày 15/6/2022 của Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2020; Nghị quyết số 69/2022/QH15 ngày 11/11/2022 của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2023; Nghị quyết số 70/2022/QH15 ngày 11/11/2022 của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023).

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua 2 nghị quyết (Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn và Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 ngày 06/7/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn) và cho ý kiến về định hướng sửa các luật thuế.

Ngoài tham mưu trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các nghị quyết trên, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ 46 Nghị định (trong đó đã ban hành 17 nghị định và đang xem xét ban hành 29 dự thảo nghị định); ban hành theo thẩm quyền 68 thông tư trong lĩnh vực quản lý tài chính - NSNN. Ước tính cả năm 2022, Bộ Tài chính hoàn thành 80/85 đề án, nhiệm vụ được giao.

Trong triển khai thực hiện, Bộ Tài chính đã thường xuyên rà soát, hệ thống hóa danh mục văn bản pháp luật; cập nhật thông tin về văn bản mới ban hành, đăng tải đầy đủ, kịp thời trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và Cơ sở dữ liệu quốc gia; tăng cường tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật, chính sách chế độ mới; hỗ trợ, tư vấn pháp luật về thuế, chính sách tài chính cho doanh nghiệp, người dân. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để nâng cao hiệu lực và phát huy hiệu quả chính sách.

Đồng thời, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, rà soát đối với Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật Thuế tài nguyên; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang hoàn thiện các dự thảo Báo cáo nghiên cứu, rà soát 6 Luật này gửi Bộ Tư pháp tổng hợp chung để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nhìn chung, công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, xây dựng các đề án năm 2022 được Bộ Tài chính thực hiện chủ động, không chỉ nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính – NSNN, mà còn kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếp tục đề xuất ban hành chính sách trong lĩnh vực tài chính

Năm 2023, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật trong lĩnh vực tài chính để đảm bảo thị trường tài chính và dịch vụ tài chính vận hành ổn định, an toàn.

Theo đó, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về chứng khoán, phát hành trái phiếu DN; nâng cao tính công khai, minh bạch; tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của DN phát hành; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

Đối với thị trường bảo hiểm, Bộ Tài chính sẽ xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) theo hướng nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm bảo hiểm, đặc biệt là các sản phẩm bảo hiểm ứng dụng công nghệ thông tin, bảo hiểm xanh... Đa dạng và chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối.

Đồng thời, nghiên cứu các cơ chế, chính sách để phát triển các sản phẩm có ý nghĩa cộng đồng và an sinh xã hội cao; Nâng cao tính minh bạch, hiệu lực quản lý nhà nước và hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; chuyển đổi dần sang giám sát trên cơ sở rủi ro.

Đối với dịch vụ kế toán, kiểm toán, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện pháp lý, nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán, thẩm định giá và các dịch vụ tài chính khác để đáp ứng nhu cầu xã hội. Áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế góp phần nâng cao tính minh bạch và tăng hiệu quả cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư...

Ngoài các nhiệm vụ trên, Bộ Tài chính cũng tập trung hoàn thiện trình Quốc hội ban hành Luật Giá (sửa đổi); Theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả; làm tốt công tác phân tích, dự báo, xây dựng các kịch bản điều hành giá phù hợp với từng giai đoạn; chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, đầu cơ thao túng thị trường...

 

Công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, xây dựng các đề án năm 2022 được Bộ Tài chính thực hiện chủ động không chỉ nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính – ngân sách nhà nước, mà còn kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.