Hoạt động của các quỹ đầu tư tại Việt Nam

Huỳnh Quốc Khiêm

Dựa trên cơ sở lý luận về quỹ đầu tư, bằng phương pháp nghiên cứu định tính, bài viết thu thập và phân tích dữ liệu về thực trạng hoạt động của các quỹ đầu tư tại Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mặc dù còn đối mặt với những khó khăn chung của nền kinh tế trong giai đoạn dịch bệnh, nhưng hoạt động của các quỹ đầu tư vẫn diễn ra sôi động, có xu hướng tăng trưởng tốt và tiềm năng phát triển của các quỹ đầu tư tại Việt Nam còn rất lớn.

Ảnh minh họa. Nguồn: personalfn.com
Ảnh minh họa. Nguồn: personalfn.com

Tổng quan về quỹ đầu tư

Khái niệm quỹ đầu tư

Có nhiều cách định nghĩa về quỹ đầu tư, tùy thuộc vào quan điểm và hướng tiếp cận khác nhau. Theo Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC), quỹ đầu tư là một công ty tập hợp tiền từ nhiều nhà đầu tư (NĐT) và đầu tư khoản tiền này vào các loại chứng khoán như cổ phiếu, trái phiếu hay các khoản nợ ngắn hạn khác. Các NĐT mua phần đóng góp trong quỹ đầu tư. Mỗi phần đóng góp đại diện cho quyền sở hữu một phần của NĐT trong quỹ và thu nhập mà nó tạo ra (SEC, 2023).

Trong khi đó, OECD (2023) cho rằng, quỹ đầu tư là một cấu trúc tài chính mà thông qua đó các NĐT góp vốn của họ để đầu tư vào một danh mục chứng khoán đa dạng. Các NĐT cá nhân mua cổ phần trong quỹ, thể hiện quyền sở hữu các chứng khoán trong danh mục đầu tư của quỹ. Việc lựa chọn tài sản đầu tư được thực hiện bởi các nhà quản lý quỹ chuyên nghiệp.

Khoản 37, Điều 4 Luật Chứng khoán Việt Nam năm 2019 quy định: “Quỹ đầu tư chứng khoán là quỹ hình thành từ vốn góp của NĐT với mục đích thu lợi nhuận từ việc đầu tư vào chứng khoán hoặc vào các tài sản khác, kể cả bất động sản, trong đó NĐT không có quyền kiểm soát hằng ngày đối với việc ra quyết định đầu tư của quỹ”.

Như vậy, quỹ đầu tư là định chế tài chính trung gian phi ngân hàng thu hút tiền nhàn rỗi từ các nguồn khác nhau để đầu tư vào các cổ phiếu, trái phiếu, tiền tệ, hay các loại tài sản khác. Công ty quản lý quỹ là đơn vị quản lý các quỹ đầu tư, hay các quỹ đầu tư chính là các sản phẩm - dịch vụ mà công ty quản lý quỹ cung cấp cho khách hàng (Hình 1).

Phân loại quỹ đầu tư

- Căn cứ theo phương thức góp vốn, quỹ đầu tư có 2 loại: (i) Quỹ thành viên là loại quỹ mà số lượng thành viên tham gia bị giới hạn, số lượng chứng khoán mỗi người sở hữu thông thường sẽ bằng nhau, quỹ này chủ yếu tiếp cận các NĐT có số vốn lớn trên thị trường chứng khoán (TTCK); và (ii) Quỹ đại chúng thực hiện huy động nguồn vốn lớn từ thị trường mở, thị trường tự do, không xác định cụ thể số lượng NĐT, mục tiêu của quỹ này là tập trung được lượng vốn hóa lớn nhất, giới hạn góp vốn thường không cao, cho nên quỹ này được chào đón rất tốt từ hầu hết các NĐT trên thị trường.

- Căn cứ theo nghĩa vụ với NĐT, quỹ đầu tư có 2 loại: (i) Quỹ đóng có thời gian hoạt động cụ thể xác định trước đó, NĐT không được phép bán lại chứng chỉ quỹ lại cho quỹ, chỉ được phép nắm giữ cho đến khi hết thời hạn của loại giấy tờ có giá đó, nhận được lợi tức phù hợp theo tình hình đầu tư của quỹ; (ii) Quỹ mở hoạt động không giới hạn thời gian hoạt động, mọi quyết định đầu tư cũng như thời gian thực hiện sẽ chịu sự chi phối của các nhà quản lý; NĐT có thể bán lại chứng chỉ quỹ cho quỹ để kiếm lợi nhuận hoặc rút lui khỏi quỹ bất kỳ lúc nào.

- Căn cứ theo cơ chế quản lý, quỹ đầu tư có 2 loại: (i) Quỹ đầu tư mô hình công ty là một pháp nhân, tức là một công ty được hình thành theo quy định của pháp luật từng nước. Hội đồng quản trị do các cổ đông bầu ra có nhiệm vụ chính là quản lý toàn bộ hoạt động của quỹ, lựa chọn công ty quản lý quỹ và giám sát hoạt động đầu tư của công ty quản lý quỹ và có quyền thay đổi công ty quản lý quỹ; (ii) Quỹ đầu tư mô hình tín thác đứng ra thành lập quỹ, tiến hành việc huy động vốn, thực hiện việc đầu tư theo những mục tiêu đã đề ra trong điều lệ quỹ, NĐT là những người góp vốn vào quỹ (nhưng không phải là cổ đông như mô hình quỹ đầu tư dạng công ty) và ủy thác việc đầu tư cho công ty quản lý quỹ để bảo đảm khả năng sinh lợi cao nhất từ khoản vốn đóng góp của họ (Lê Thị Tuyết Hoa, 2016).

Thực trạng hoạt động và triển vọng phát triển của các quỹ đầu tư tại Việt Nam

Khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của quỹ đầu tư tại Việt Nam

Quỹ đầu tư là một định chế tài chính trung gian, hoạt động trên thị trường và chịu sự điều chỉnh của pháp luật nhằm đảm bảo tính lành mạnh cho quá trình tồn tại, vận hành và phát triển của quỹ đầu tư, cũng như bảo vệ quyền lợi của công chúng đầu tư. Tại Việt Nam, hoạt động của quỹ đầu tư chịu sự chi phối của Luật Chứng khoán và các văn bản dưới luật như: Nghị định số 155/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán; Thông tư số 98/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về hoạt động và quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; Thông tư số 99/2020/TT-BTC hướng dẫn về hoạt động của công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán...

Thực trạng hoạt động của các quỹ đầu tư tại Việt Nam

Số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho thấy, tính đến tháng 11/2022, UBCKNN đã cấp phép thành lập thêm cho 23 quỹ đầu tư mới (với tổng số vốn điều lệ huy động là gần 1.800 tỷ đồng) và cấp phép chào bán ra công chúng cho 4 quỹ đầu tư, nâng tổng số quỹ được cấp phép tại Việt Nam đang hoạt động trên thị trường lên 87 quỹ, bao gồm 48 quỹ mở, 11 quỹ ETF, 01 quỹ bất động sản, 02 quỹ đóng và 25 quỹ thành viên. Tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ đầu tư chứng khoán tính đến tháng 10/2022 đạt hơn 73,4 nghìn tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2022, có 44 công ty quản lý quỹ đang hoạt động với tổng giá trị tài sản quản lý thống kê tại thời điểm gần nhất (tháng 11/2022) ước tính khoảng 546 nghìn tỷ đồng, giảm 9% so với thời điểm cuối năm 2021. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh các công ty quản lý quỹ vẫn được duy trì bình thường và có lãi, nhiều công ty đã huy động lập thêm được các quỹ đầu tư chứng khoán mới, qua đó góp phần ổn định, phát triển TTCK lành mạnh với vai trò dẫn dắt của các NĐT tổ chức.

Dù pháp luật cho phép các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp (DN) bảo hiểm phân phối các chứng chỉ quỹ nhằm tận dụng mạng lưới rộng khắp của các tổ chức này, nhưng trên thực tế phân phối chứng chỉ quỹ đại đa số là phân phối trực tiếp qua công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán. Trong khi đó, mạng lưới công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn dẫn tới việc hạn chế tiếp cận công chúng NĐT và phát triển mạng lưới phân phối sản phẩm quỹ; chất lượng hoạt động của các công ty quản lý quỹ là không đồng đều. Một số công ty quản lý quỹ hoạt động ổn định và phát triển tốt chủ yếu là do có sự hỗ trợ của cổ đông là các định chế tài chính lớn như DN bảo hiểm, tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán.

Giai đoạn 2011-2022, khung pháp lý cho hoạt động của các công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư được tiếp tục được bổ sung với các mô hình quỹ mới (quỹ mở, quỹ ETF-quỹ đầu tư thụ động mô phỏng theo một chỉ số, quỹ bất động sản) đã đánh dấu sự phát triển mạnh của nghiệp vụ quản lý quỹ Việt Nam. Đặc biệt, sự xuất hiện của các quỹ mở, quỹ ETF có thể coi là một bước ngoặt trong sự phát triển của quản lý quỹ đầu tư chứng khoán.

Thực tế trên thế giới và quá trình phát triển tại Việt Nam cho thấy quỹ mở là loại hình quỹ chiếm phần lớn số lượng các quỹ đầu tư trên thị trường. Quỹ mở cũng chính là sản phẩm nền tảng để thiết kế các mô hình quỹ liên kết TTCK với các thị trường khác như thị trường bảo hiểm, thị trường trái phiếu chính phủ. Ngoài ra, trong suốt thời gian từ 2011-2022, hoạt động nghiệp vụ kinh doanh của các công ty quản lý quỹ được phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu.

Bên cạnh đó, hoạt động quản lý danh mục đầu tư cho khách hàng ủy thác cũng được chú trọng, và chủ yếu là khối khách hàng DN bảo hiểm luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản quản lý tại các công ty quản lý quỹ, đặc biệt là các hãng bảo hiểm có uy tín trên thế giới như Prudential, Manulife, Dai-ichiLife, ChubbLife. Thực tế thời gian qua, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán tại Việt Nam đã trưởng thành nhanh chóng và đạt được nhiều dấu ấn quan trọng để đóng góp chung vào sự phát triển bền vững của TTCK Việt Nam.

Triển vọng phát triển của kênh đầu tư chứng chỉ quỹ trong bối cảnh mới tại Việt Nam

Thứ nhất, mặc dù ra đời rất muộn so với thế giới và phát triển trong giai đoạn không thuận lợi, khi Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn bởi suy thoái kinh tế toàn cầu và đại dịch COVID-19, tuy nhiên, quản lý quỹ đã có một khung pháp lý đầy đủ, hoàn thiện và được định hướng phát triển một cách ổn định, an toàn, thận trọng dựa trên nền tảng những quy định pháp luật chặt chẽ theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế; từ đó, nhiều công ty quản lý quỹ đã xây dựng được hạ tầng phát triển hiện đại, có mô hình quản trị hiệu quả và tích cực đào tạo đội ngũ nhân viên có kinh nghiệm, chuyên môn.

Thứ hai, các công ty quản lý quỹ, các quỹ đầu tư chứng khoán đã từng bước khẳng định vai trò là những NĐT tổ chức chuyên nghiệp khi huy động, thành lập và phát triển được nhiều loại hình quỹ theo đúng mô hình hiện đại của thế giới. Các công ty quản lý quỹ đã không ngừng nỗ lực mở rộng kinh doanh, tìm kiếm khách hàng, gia tăng tổng giá trị tài sản ủy thác của NĐT và thực hiện quản lý chuyên nghiệp để góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của TTCK, đồng thời mang lại hiệu quả và niềm tin cho cộng đồng đầu tư.

Thứ ba, một số công ty quản lý quỹ đã chủ động, tích cực huy động vốn đầu tư từ NĐT nước ngoài, từng bước tạo ra kênh dẫn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài an toàn vào các DN Việt Nam, hỗ trợ tích cực cho các DN Việt Nam gọi vốn qua thị TTCK.

Thứ tư, các công ty quản lý quỹ đã phát huy vai trò là những nhà quản lý tài sản chuyên nghiệp cho các tổ chức tài chính lớn, đặc biệt là các DN bảo hiểm và các tổ chức tín dụng, góp phần chuyên nghiệp hóa các hoạt động trên thị trường tài chính, ngân hàng. Đến nay, nhiều DN bảo hiểm, ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán đã và đang chuyển hoàn toàn các hoạt động đầu tư tài chính sang các công ty quản lý quỹ để thực hiện quản lý hoạt động đầu tư bài bản theo đúng mô hình của các tổ chức tài chính hiện đại trên thế giới.

Thứ năm, sự phát triển của các quỹ đầu tư chứng khoán đã góp phần đa dạng hóa các kênh đầu tư của công chúng đầu tư, thúc đẩy đầu tư chứng khoán xanh và đầu tư có trách nhiệm theo xu hướng tiệm cận với thông lệ quốc tế vì mục tiêu phát triển bền vững. Ngoài ra, thông qua sự phát triển của các quỹ trái phiếu hình thành kênh dẫn vốn hiệu quả từ nguồn vốn nhàn rỗi cá nhân đến với các DN có nhu cầu về vốn, góp phần hoàn thiện cấu trúc thị trường trái phiếu.

Kết luận

Thời gian qua, dù chịu tác động của đại dịch COVID-19, hoạt động của các quỹ đầu tư cũng đã thể hiện khả năng thích ứng và phục hồi mạnh mẽ. Do là một kênh đầu tư mới, nên NĐT tại Việt Nam vẫn chưa quen thuộc với chứng chỉ quỹ, dù cho kênh đầu tư này mang lại khá nhiều lợi ích cho NĐT. Trong tương lai, Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách cần có những điều tiết thích hợp để khơi thông tiềm năng phát triển cho các quỹ đầu tư nói chung và kênh đầu tư chứng chỉ quỹ nói riêng, góp phần phong phú hóa và tăng tính hiệu quả cho thị trường.

Để thúc đẩy sự phát triển hoạt động của các công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư chứng khoán tại Việt Nam, cần thực hiện hiệu quả các mục tiêu, giải pháp như: nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty quản lý quỹ, đảm bảo năng lực và an toàn tài chính, tiếp cận và thực hiện việc quản trị công ty, quản trị rủi ro cũng như tuân thủ các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cao nhất theo thông lệ quốc tế.

Tài liệu tham khảo:

  1. Lê Thị Tuyết Hoa (2016), Giáo trình Thị trường tài chính và các định chế tài chính, NXB Kinh tế TP.Hồ Chí Minh, trang 493-497;
  2. OECD (2023), Mutual Fund, truy cập tại <https://stats.oecd.org/glossary/detail.asp?ID=1712>, truy cập ngày 16/01/2023;
  3. SEC (2023), Mutual Funds, truy cập tại <https://www.investor.gov/introduction-investing/investing-basics/investment-products/mutual-funds-and-exchange-traded-1>, truy cập ngày 16/01/2023.