Hoạt động kiểm toán chỉ thực sự có ý nghĩa khi các kết luận, kiến nghị được khai thác, sử dụng hiệu quả
Trong những năm qua, công tác kiểm toán mới chỉ tập trung nhiều ở khâu phát hiện và kiến nghị, còn việc triển khai thực hiện kết luận, kiến nghị tại các đơn vị được kiểm toán tuy đã từng bước được nâng lên nhưng vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến tính hiệu lực và hiệu quả trong công tác kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước (KTNN).
Vài nét về kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán
Theo báo cáo của KTNN, tính đến nay, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 413.000 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, thay thế hơn 1.200 văn bản pháp luật nhằm hạn chế lỗ hổng về chính sách và cơ chế quản lý. Mặc dù tổng số kiến nghị lớn nhưng tính hiệu lực từ các kết luận, kiến nghị kiểm toán lại chưa được như kỳ vọng, điều này thể hiện khá rõ qua tỷ lệ thực hiện kiến nghị của từng giai đoạn: Giai đoạn 1994-1999, KTNN mới thành lập và bắt đầu thực hiện kiểm toán nhưng quy trình kiểm toán vẫn chưa được ban hành. Tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán của các đơn vị được kiểm toán giai đoạn này chỉ đạt 27,7%.
Giai đoạn 2000-2015, quy trình kiểm toán đã được KTNN ban hành và có hiệu lực, trong đó, việc kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán tại các đơn vị được kiểm toán đã thành bắt buộc trong mỗi cuộc kiểm toán. Tuy nhiên, công tác theo dõi, tổng hợp việc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN vẫn còn chưa thực sự đầy đủ, tỷ lệ thực hiện chỉ đạt 63% trên tổng số kiến nghị.
Từ năm 2016 đến nay, Luật KTNN (sửa đổi) đã có hiệu lực và KTNN cũng ban hành Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán, trong đó có quy định cụ thể về việc theo dõi, kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN. Giai đoạn này, việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của các đơn vị ngày càng được nâng cao. Cụ thể: năm 2016, tỷ lệ thực hiện kiến nghị là 75,6%; năm 2017 đạt 78,2% và năm 2018 đạt 73,2% trên tổng số kiến nghị đủ bằng chứng thực hiện.
Mặc dù việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán đã từng bước được cải thiện nhưng theo đánh giá của KTNN, kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng so với yêu cầu đặt ra do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Về phía KTNN, bên cạnh những nguyên nhân do hạn chế về chất lượng kiểm toán, còn do các đơn vị KTNN chuyên ngành và khu vực chưa chỉ đạo quyết liệt đối với công tác kiểm tra tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị; chưa phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng trong việc đôn đốc và theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.
Về khách quan, ý thức của một số đơn vị trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN còn chưa cao, trong khi pháp luật còn thiếu những quy định cụ thể về chế tài xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân không thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN. Nhiều đơn vị được kiểm toán còn lúng túng về cách thức thực hiện kiến nghị kiểm toán. Việc quán triệt, chỉ đạo theo thẩm quyền của HĐND và UBND một số tỉnh, thành phố, Bộ, ngành chưa tích cực, công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc còn buông lỏng, chưa được quan tâm.
Ngoài ra, theo KTNN các khu vực và chuyên ngành, phần lớn đơn vị sử dụng sai nguồn kinh phí đều thuộc các địa phương nghèo, khó khăn về tài chính nên chưa cân đối được nguồn hoàn trả theo kiến nghị của KTNN. Nhiều đơn vị đã nộp NSNN nhưng việc ghi chép chứng từ chưa đúng hoặc chưa cung cấp đầy đủ các bằng chứng để chứng minh việc thực hiện theo kiến nghị của KTNN...
Để các kết luận, kiến nghị được khai thác, sử dụng hiệu quả…
Hoạt động KTNN chỉ thực sự có ý nghĩa khi kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN được khai thác, sử dụng hiệu quả; kiến nghị kiểm toán được thực hiện nghiêm túc. Do vậy, để nâng cao kết quả thực hiện kết luận kiến nghị kiểm toán, KTNN cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, KTNN cần nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán bằng các công việc cụ thể như: nâng cao chất lượng kết quả kiểm toán qua 4 bước theo quy trình kiểm toán; đẩy mạnh việc thu thập thông tin về tình hình quản lý sử dụng tài chính công một cách liên tục để hình thành một trung tâm lưu giữ tư liệu, từ đó áp dụng các phương pháp kiểm toán và bố trí lực lượng kiểm toán thích hợp. KTNN cũng cần nâng cao chất lượng trong quá trình khảo sát, thu thập thông tin, lập kế hoạch kiểm toán và thực hiện kiểm toán của đoàn kiểm toán, phát huy vai trò bộ phận kiểm soát chất lượng của đơn vị, giám sát chặt chẽ hoạt động của các đoàn, tổ kiểm toán và kiểm toán viên nhằm tránh những sai sót hoặc sai phạm trong hoạt động kiểm toán. Đặc biệt, KTNN cần tăng cường sự phối hợp giải quyết công việc với các cơ quan nhà nước để đảm bảo việc kiểm tra, giám sát, theo dõi kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán.
Hai là, chất lượng báo cáo kiểm toán và kiến nghị kiểm toán phải được nâng cao hơn nữa thông qua việc tăng cường vai trò, chức năng kiểm tra, rà soát, thẩm định dự thảo báo cáo kiểm toán; nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo KTNN chuyên ngành, khu vực trong quá trình xét duyệt dự thảo báo cáo kiểm toán. Khi lập báo cáo kiểm toán, đoàn kiểm toán cần ấn định thời gian đơn vị phải báo cáo kết quả thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán.
Ba là, KTNN các khu vực và chuyên ngành cần nêu rõ trách nhiệm trưởng đoàn kiểm toán là trưởng đoàn kiểm tra kiến nghị, nhằm đảm bảo việc đôn đốc, hướng dẫn và theo dõi các đơn vị thực hiện kiến nghị kiểm toán đầy đủ, kịp thời. Cán bộ tham gia đoàn kiểm tra kiến nghị phải có năng lực, kinh nghiệm công tác. Những kiến nghị còn tồn đọng kéo dài qua nhiều năm, không còn khả thi phải được rà roát và thuyết minh nguyên nhân để báo cáo lãnh đạo KTNN xem xét, quyết định.
Bên cạnh đó, KTNN cần có quy định cụ thể, thống nhất mang tính chất bắt buộc chung về việc theo dõi, kiểm tra đối với tất cả các kết luận, kiến nghị kiểm toán. Đồng thời, kiến nghị các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ tiếp tục kiểm tra, giám sát, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các đơn vị, tập thể, cá nhân cố tình chây ỳ, không chấp hành kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN.
Các cơ quan liên quan cũng cần bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật để có chế tài xử lý nghiêm minh đối với các sai phạm được phát hiện trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, qua đó nâng cao ý thức của các đơn vị được kiểm toán nói riêng và việc thực thi pháp luật nói chung.