Vốn từ 800 tỷ đồng trở lên mới được môi giới chứng khoán phái sinh

pv.

(Taichinh) - Ngày 5/5/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2015/NĐ-CP quy định về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh. Trong đó, Nghị định đã quy định cụ thể về các điều kiện kinh doanh, cung cấp dịch vụ bù trừ và thanh toán chứng khoán phái sinh.

Nghị định số 42/2015/NĐ-CP quy định vốn từ 800 tỷ đồng trở lên mới được môi giới chứng khoán phái sinh. Nguồn: internet
Nghị định số 42/2015/NĐ-CP quy định vốn từ 800 tỷ đồng trở lên mới được môi giới chứng khoán phái sinh. Nguồn: internet

Đối với kinh doanh chứng khoán phái sinh, các tổ chức kinh doanh chứng khoán phái sinh phải được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh. Theo đó, để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh, các tổ chức kinh doanh chứng khoán trước tiên phải là tổ chức kinh doanh chứng khoán được cấp phép đầy đủ nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán theo quy định tại Luật Chứng khoán. Đồng thời, phải đáp ứng các điều kiện tài chính đối với từng loại hình kinh doanh, cụ thể:

Đối với hoạt động tự doanh chứng khoán phái sinh: Là công ty chứng khoán có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu từ sáu trăm (600) tỷ đồng trở lên;

Đối với hoạt động môi giới chứng khoán phái sinh: Là công ty chứng khoán có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu từ tám trăm (800) tỷ đồng trở lên và được phép thực hiện hoạt động tự doanh chứng khoán phái sinh;

Đối với hoạt động tư vấn chứng khoán phái sinh: Là tổ chức kinh doanh chứng khoán có vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ không thấp hơn vốn pháp định theo quy định pháp luật về chứng khoán;

Trường hợp đăng ký kinh doanh cả hoạt động tư vấn, môi giới và tự doanh chứng khoán phái sinh, vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán phải đạt tối thiểu từ tám trăm (800) tỷ đồng trở lên.

Bên cạnh đó, các tổ chức kinh doanh phải đáp ứng các yêu cầu về kết quả kinh doanh, tỷ lệ vốn khả dụng, quy trình nghiệp vụ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Phó (tổng) giám đốc phụ trách nghiệp vụ và tối thiểu năm (05) nhân viên cho mỗi hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh dự kiến đăng ký có chứng chỉ hành nghề chứng khoán và chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh.

Đặc biệt là không đang trong quá trình hợp nhất, sáp nhập, giải thể hoặc đang trong tình trạng kiểm soát, kiểm soát đặc biệt, đình chỉ hoạt động, tạm ngừng hoạt động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Về việc cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh của công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thì phải được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh.

Theo đó, để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh, thứ nhất, tổ chức kinh doanh phải là thành viên lưu ký của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam. Thứ hai, là ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản cho hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh; hoặc công ty chứng khoán đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động môi giới chứng khoán phái sinh. Thứ ba, phải đáp ứng các điều kiện tài chính như: Thành viên bù trừ trực tiếp phải là ngân hàng thương mại có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu đạt từ năm nghìn (5.000) tỷ đồng trở lên; hoặc là công ty chứng khoán có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu từ chín trăm (900) tỷ đồng trở lên. Thành viên bù trừ chung là ngân hàng thương mại có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu đạt từ bảy nghìn (7.000) tỷ đồng trở lên; hoặc là công ty chứng khoán có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu đạt từ một nghìn hai trăm (1.200) tỷ đồng trở lên.

Ngoài ra, các tổ chức kinh doanh này phải đáp ứng yêu cầu về kết quả kinh doanh, tỷ lệ vốn khả dụng (đối với công ty chứng khoán) hoặc tỷ lệ an toàn vốn, vốn cấp cho chi nhánh (đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) và quy trình nghiệp vụ cho hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và cũng không đang trong quá trình hợp nhất, sáp nhập, giải thể hoặc đang trong tình trạng kiểm soát, kiểm soát đặc biệt, đình chỉ hoạt động, tạm ngừng hoạt động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Nghị định cũng quy định cụ thể về trường hợp bị đình chỉ, chấm dứt hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán chứng khoán phái sinh. Theo đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyết định đình chỉ tối đa mười hai (12) tháng đối với một hoặc một số hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh trong một số trường hợp như: Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh có tài liệu giả mạo, hoặc có thông tin sai sự thật; Hoạt động kinh doanh sai mục đích, không đúng với hoạt động kinh doanh đã được cấp Giấy chứng nhận...

Tổ chức kinh doanh chứng khoán sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh trong trường hợp tự nguyện chấm dứt hoạt động hoặc bị buộc phải chấm dứt hoạt động.