Hoạt động tập trung kinh tế trong thương mại và dịch vụ tại Việt Nam
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động, sau các cuộc khủng hoảng tài chính và nợ công, những năm gần đây hoạt động tập trung kinh tế nói chung hay hoạt động mua bán và sáp nhập nói riêng đã và đang có bước tăng trưởng mạnh mẽ.
Một đặc điểm tương đổi nổi bật về hoạt động tập trung kinh tế tại Việt Nam thời gian qua là số lượng các vụ việc tập trung kinh tế trong lĩnh vực thương mại và dịch chiếm số lượng lớn nhất về tổng giá trị giao dịch. Điều đó cho thấy, vai trò quan trọng của lĩnh vực thương mại và dịch vụ trong hoạt động tập trung kinh tế tại Việt Nam.
Tổng quan hoạt động tập trung kinh tế tại Việt Nam
Trong thời gian qua, hoạt động tập trung kinh tế nói chung, làn sóng mua bán sáp nhập (M&A) nói riêng ngày một gia tăng mạnh mẽ tại Việt Nam.
Giai đoạn 2009 – 2011, có khoảng 750 thương vụ M&A tại Việt Nam với tổng giá trị giao dịch ước đạt 6,89 tỷ USD. Giai đoạn 2012 – 2014, tổng giá trị các vụ việc M&A tăng khá cao, đạt khoảng 11,13 tỷ USD. Trong đó, năm 2012, tổng giá trị các thương vụ M&A đạt khoảng 3,85 tỷ USD. Năm 2013, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đạt 4,78 tỷ USD, tăng 24% so với năm 2012. Năm 2014, Việt Nam có khoảng 285 giao dịch M&A được thực hiện với giá trị khoảng 2,5 tỷ USD.
Xét về số lượng thương vụ M&A, nếu như giai đoạn trước, yếu tố nước ngoài chiếm tỷ trọng tới 66% về giá trị và 77% về số lượng giao dịch tập trung kinh tế tại Việt Nam, thì giai đoạn 2012 – 2014, yếu tố nước ngoài chỉ còn chiếm tỷ trọng cao về giá trị giao dịch với khoảng 68%, tỷ trọng về số lượng giao dịch đã giảm xuống dưới 30%.
Như vậy, các thương vụ liên quan đến doanh nghiệp (DN) nội địa chiếm đa số với khoảng 75%. Điều này, phản ánh tác động của chương trình tái cấu trúc nền kinh tế đang được Nhà nước đẩy mạnh, trong đó nổi bật là Đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011 – 2015 cũng như Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015.
Nếu như trong năm 2012, giá trị trung bình của một thương vụ đạt khoảng 10 triệu USD, thì năm 2013 con số này đã tăng lên trên 15 triệu USD, tuy nhiên sang năm 2014, lại giảm xuống còn 8,7 triệu USD. Cũng cần nhận thấy rằng, những con số trung bình này chỉ mang tính chất tham khảo, không phản ánh được giá trị của những thương vụ có quy mô lớn, khi các công ty mục tiêu là những DN có sức mạnh thị trường nhất định.
Tập trung kinh tế trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ
Có thể nói, trong thời gian gần đây, hoạt động tập trung kinh tế tại Việt Nam đã chứng kiến sự bùng nổ của các vụ việc tập trung kinh tế trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ. Một loạt các thương vụ tập trung kinh tế có giá trị lớn đã được thực hiện. Đứng đầu trong các thương vụ M&A trong năm qua là ngành Bán lẻ, chiếm tới 36% tổng giá trị. Trong đó, thương vụ có giá trị cao nhất là sự kiện Tập đoàn BJC mua lại toàn bộ hệ thống siêu thị Metro với giá trị được thông báo là 870 triệu USD.
Bên cạnh thương vụ này, thị trường bán lẻ cũng chứng kiến hai vụ việc tập trung kinh tế có tầm ảnh hưởng khá lớn đối với thị trường, đó là: Tập đoàn Vingroup mua lại Ocean Mart và Vinatex Mart, tập đoàn Aeon (Nhật Bản) mua lại Citimart và Fivimart. Có thể thấy, xu hướng tiếp tục khai phá thị trường hơn 90 triệu dân ở Việt Nam luôn là chiến lược cốt lõi mà các DN bán lẻ trong và ngoài nước đang thực hiện.
Ngoài lĩnh vực bán lẻ, lĩnh vực ngân hàng và tài chính vẫn luôn luôn chiếm vị trí quan trọng trong tổng số các vụ việc tập trung kinh tế được thực hiện tại Việt Nam. Một loạt các vụ tập trung kinh tế lớn trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng đã diễn ra trong hai năm gần đây có thể kể đến là: Ngân hàng HDbank sáp nhập với ngân hàng Đại Á, ngân hàng HDbank mua lại công ty tài chính SGVF (đây là một trong những công ty tài chính nước ngoài lớn nhất Việt Nam), PVFC sáp nhập với Western Bank để hình thành ngân hàng Pvcom Bank…
Tổng cộng trong hai năm vừa qua, đã có khoảng 8 vụ việc tập trung kinh tế lớn trong lĩnh vực dịch vụ tài chính – ngân hàng được thực hiện. Hầu hết các vụ sáp nhập lớn trong lĩnh vực ngân hàng thời gian vừa qua nhằm thực hiện chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, một loạt ngân hàng hoạt động yếu kém đã phải tiến hành sáp nhập. Dự báo trong thời gian tới, hoạt động tập trung kinh tế trong lĩnh vực này vẫn tiếp tục sôi động với nhiều thương vụ lớn.
Bên cạnh hai lĩnh vực bán lẻ và ngân hàng – tài chính, thời gian qua thị trường đã chứng kiến rất nhiều thương vụ lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử được tiến hành. Một số thương vụ lớn có thể kể đến, đó là: En-japan đã mua lại Navigos - công ty sở hữu trang tìm kiếm việc làm online lớn nhất Vietnamworks, hai công ty thương mại điện tử là Nhóm mua và Cùng mua đã sáp nhập với nhau và được quản lý chung bởi IDG Ventures Việt Nam, FPT mua lại sàn thương mại điện tử 123mua.vn.
Tất cả các thương vụ sáp nhập này đều diễn ra giữa nhưng công ty khá lớn và có thương hiệu trong lĩnh vực thương mại điện tử. Điều này đã cho thấy, sức hấp dẫn của lĩnh vực thương mại điện tử đối với các nhà đầu tư.
Có thể thấy rằng, mặc dù lĩnh vực thương mại và dịch vụ mới chỉ hình thành trong thời gian gần đây, tuy nhiên những triển vọng kinh doanh trên thị trường cùng với việc Việt Nam đã tham gia ký kết một loạt các FTA lớn, sức hút của lĩnh vực thương mại và dịch vụ sẽ ngày càng lớn trong thời gian tới đây.
Một loạt thương vụ lớn trong lĩnh vực logistic, bán lẻ, dịch vụ viễn thông và dịch vụ hàng không có thể diễn ra ngay trong năm 2016, đã được dự báo trước do chính sách của Chính phủ về việc cổ phần hoá các DN lớn như: Vietnam Airlines, Mobifone.
Thực trạng kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế tại Việt Nam
Trong 5 năm gần đây, mức độ tăng trưởng hoạt động tập trung kinh tế tại Việt Nam đạt mức bình quân trên 30%. Thực trạng này phản ánh rằng, một nền kinh tế mở với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế và hệ quả là việc gia tăng các hoạt động tập trung kinh tế như một thực tế khách quan.
Trong thời gian qua, Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương đã tích cực thực hiện nhiệm vụ theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế, để ngăn chặn kịp thời và giảm thiểu tác động tiêu cực của một số giao dịch tập trung kinh tế tới thị trường. Trong giai đoạn 2012 – 2014, Cục Quản lý cạnh tranh đã thụ lý 19 vụ việc thông báo tập trung kinh tế và rất nhiều vụ việc tham vấn về tập trung kinh tế trước và trong quá trình các DN thực hiện tập trung kinh tế.
Cho tới nay, Cục Quản lý cạnh tranh đã phê chuẩn tất cả các vụ việc tập trung kinh tế được thông báo và có 01 vụ việc thuộc trường hợp bị cấm, nhưng đáp ứng điều kiện cho hưởng miễn trừ theo quy định của Luật Cạnh tranh.
Trong số các vụ việc tập trung kinh tế đã được Cục Quản lý cạnh tranh xem xét nêu trên, các vụ việc tập trung kinh tế theo hình thức M&A DN chiếm đa số. Phân loại theo nhóm ngành nghề kinh doanh cho thấy, hoạt động M&A tại Việt Nam trong thời gian qua, tập trung trong một số nhóm ngành chính như: Công nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống; phân phối bán lẻ, kinh doanh bất động sản và thông tin truyền thông.
Các DN tham gia tập trung kinh tế thuộc mọi thành phần kinh tế, từ DN nhà nước, DN tư nhân, liên doanh đến DN có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng chủ yếu là các DN lớn, DN dẫn đầu trong các ngành, lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam và các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới.
Trong số các vụ việc thông báo và tham vấn tập trung kinh tế tới Cục Quản lý cạnh tranh, có nhiều vụ việc tập trung kinh tế lớn, diễn ra ở nước ngoài, nhưng các DN này có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, như: PepsiCo – Suntory; A.P Moller - Maersk - A/S CMA CGM - S.A MSC Mediterranean Shipping Company SA…
Đánh giá về công tác thực thi việc kiểm soát tập trung kinh tế trong thời gian qua
Có thể nói, sau 10 năm thực thi Luật Cạnh tranh, việc kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa các hành vi phạm cạnh tranh trên thị trường. Số lượng các vụ việc tập trung kinh tế thông báo và xin tham vấn ngày càng tăng đã cho thấy, ý thức tuân thủ pháp luật của DN đã được nâng lên rõ rệt.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, khủng hoảng kinh tế rộng ra các nước châu Âu và Trung Quốc, hoạt động M&A có xu hướng diễn ra ngày càng nhiều hơn và chủ yếu đến từ các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, việc kiểm soát tốt hoạt động tập trung kinh tế, sẽ giúp ngăn chặn tình trạng độc quyền, hạn chế cạnh tranh trên thị trường.
Bên cạnh đó, có thể thấy trong rất nhiều bộ luật chuyên ngành cũng đã đưa ra các quy định về việc kiểm soát tập trung kinh tế theo tinh thần của Luật Cạnh tranh, nhất là trong Luật Chứng khoán với quy định bắt buộc các công ty khi tiến hành chia tách, sáp nhập, sẽ phải được chấp thuận của Cục Quản lý cạnh tranh.
Việc kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế được các pháp luật chuyên ngành đưa vào đã cho thấy, vai trò quan trọng của hoạt động này trong việc giúp cơ quan quản lý nhà nước quản lý hoạt động cạnh tranh của các DN trên thị trường. Đồng thời cũng cho thấy, nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước nói chung về sự cần thiết phải kiểm soát hoạt động này tại Việt Nam.
Những hạn chế và nguyên nhân
Qua phân tích về thực trạng thực thi việc kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế tại Việt Nam có thể nhận thấy, một số điểm cần được bổ sung, hoàn thiện trong môi trường pháp lý về tập trung kinh tế như sau:
- Một trong những hạn chế lớn nhất trong việc kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế tại Việt Nam, đó là việc số lượng các vụ việc tập trung kinh tế được thông báo tới Cục Quản lý cạnh tranh vẫn còn tương đối ít so với thực tế trên thị trường (chỉ có 9 vụ việc thực hiện việc tham vấn trong tổng số khoảng gần 285 vụ việc, đã được tiến hành trong năm 2014).
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó nguyên nhân đầu tiên phải kể đến chính là do quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ thông báo đối với các giao dịch tập trung kinh tế. Việc quy định các giao dịch có thị phần kết hợp trên 30% (tính theo doanh thu) sẽ phải tiến hành thông báo đã cho thấy, rất nhiều bất cập trong quá trình thực thi. Hầu hết các DN tại Việt Nam sẽ không thể có số liệu chính xác về tổng doanh thu trên thị trường trong lĩnh vực mà DN đó đang hoạt động. Do đó, đa phần các doanh khi nộp hồ sơ cho Cục Quản lý cạnh tranh, đều gặp khó khăn trong việc thu thập số liệu này.
- Do tính chất của tất cả các vụ việc tập trung kinh tế có thể dẫn tới nguy cơ về các hành vi phản cạnh tranh sau khi được phép thực hiện (hành vi diễn ra trong tương lai), vì vậy, việc đánh giá một vụ việc tập trung kinh tế cần phải được xem xét hết sức cẩn trọng và dựa trên việc phân tích nhiều yếu tố.
Tuy nhiên, Luật Cạnh tranh chỉ cấm các giao dịch tập trung kinh tế có thị phần trên 50%, đối với các giao dịch dưới 50% Luật Cạnh tranh sẽ không cấm thực hiện. Việc quy định cứng nhắc như vậy, sẽ không cho phép Cơ quan cạnh tranh có quyền được xem xét những tác động khác ngoài yếu tố thị phần, khi đánh giá vụ việc..
Ngoài ra, một nguyên nhân quan trọng cũng phải kể đến, đó là việc phối hợp quản lý các vụ việc tập trung kinh tế giữa các cơ quan nhà nước hiện nay còn chưa tốt. Các cơ quan quản lý chuyên ngành và Cơ quan cạnh tranh chưa xây dựng được cơ chế phối hợp tốt trong việc kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế trên thị trường và trong từng lĩnh vực. Trong nhiều vụ việc, các cơ quan quản lý chuyên ngành, đã cho phép các DN thực hiện hoạt động sáp nhập và không tham vấn ý kiến của Cơ quan quản lý cạnh tranh.
Như vậy, việc bùng nổ hoạt động tập trung kinh tế trong thời gian gần đây cũng đã làm xuất hiện thêm nhiều vấn đề phức tạp về nguy cơ về các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, hành vi phản cạnh tranh. Bên cạnh đó, với việc hàng loạt DN lớn giữ vai trò thống lĩnh trên thị trường sẽ được cổ phần hóa trong thời gian tới cũng đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước cần có những biện pháp kịp thời và phù hợp, để hoạt động này không ảnh hưởng tới hoạt động cạnh tranh trên thị trường.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo tập trung kinh tế tại Việt Nam: Hiện trạng và dự báo, Bộ Công thương;
2. Báo cáo tập trung kinh tế Việt Nam năm 2014, Bộ Công thương;
3. www.vca.gov.vn.