Hỏi - đáp về thuế Thu nhập cá nhân (Phần 1)


(Tài chính) Ngày 27/06/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TNCN. Để hỗ trợ người dân khi thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN, FinancePlus.vn tập hợp một số tài liệu dưới dạng hỏi - đáp Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN nhằm giải đáp các băn khoăn của người nộp thuế.

Câu 1: Những ai phải nộp thuế TNCN?

Theo quy định tại Điều 2 Luật thuế TNCN và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thuế TNCN thì đối tượng phải nộp thuế TNCN là:

- Cá nhân cư trú tại Việt Nam có thu nhập chịu thuế phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam.

- Cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam.

Để phân biệt cá nhân cư trú hay không cư trú tại Việt Nam căn cứ vào thời gian người đó có mặt tại Việt Nam trong một năm hoặc người đó có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam không. Một người được coi là cư trú tại Việt Nam khi đáp ứng một trong các điều kiện:

- Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam;

- Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm có nơi ở đăng ký thường trú (theo quy định của pháp luật về cư trú) hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn (với thời hạn của các hợp đồng thuê từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế).

Câu 2: Chồng tôi là người nước ngoài, làm việc trong doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài tại khu công nghiệp, chồng tôi thường xuyên đi công tác nước ngoài có khi vài tháng mới về Việt Nam. Xin hỏi, chồng tôi có phải đóng thuế TNCN theo quy định của Luật Thuế TNCN không?

Chồng bà thuộc đối tượng phải nộp thuế TNCN theo quy định của Luật Thuế TNCN, vì những lý do sau:

- Trường hợp thứ nhất: Nếu thời gian chồng bà có mặt ở Việt Nam từ 183 ngày trở lên thì theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 2 Luật thuế TNCN thì chồng bà thuộc đối tượng phải nộp thuế TNCN.

- Trường hợp thứ hai: Giả sử chồng bà có thời gian đi công tác nước ngoài vài tháng dẫn đến thời gian có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày nhưng chồng bà là người có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam (ở cùng bà hoặc thuê nhà tại Việt Nam) do đó chồng bà thuộc đối tượng là cá nhân cư trú tại Việt Nam theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 2 Luật thuế TNCN  nên phải đóng thuế TNCN.

- Trường hợp thứ ba: Giả sử chồng bà có thời gian đi công tác nước ngoài vài tháng dẫn đến thời gian có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày và cũng không có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam (như không ở cùng bà, không thuê nhà ở Việt Nam, mỗi khi ở Việt Nam thì ông ta ở khách sạn, nhà khách, trụ sở cơ quan...), do đó thuộc đối tượng là cá nhân không cư trú tại Việt Nam nhưng chồng bà có thu nhập (lương) từ doanh nghiệp đặt tại Việt Nam (đây là thu nhập chịu thuế phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam) theo quy định tại đoạn 1 Khoản 1 Điều 2 Luật thuế TNCN nên chồng bà phải đóng thuế TNCN.

Câu 3: Tôi có mở một cơ sở gia công hàng may mặc và thuê 05 lao động. Xin hỏi tôi có phải đóng thuế TNCN không? Nếu có thì việc xác định thu nhập chịu thuế được quy định như thế nào?

Ông/bà thuộc đối tượng phải đóng thuế TNCN, vì theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật thuế TNCN thì thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là thu nhập chịu thuế TNCN.

Việc xác định thu nhập chịu thuế từ kinh doanh được xác định bằng doanh thu tính thu nhập chịu thuế trừ (-) các khoản chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập chịu thuế từ kinh doanh trong kỳ tính thuế.

Câu 4: Ngoài nhận gia công may theo hợp đồng với các công ty, cơ sở may của tôi còn trực tiếp may và bán sản phẩm cho khách hàng đơn lẻ có nhu cầu. Xin hỏi, doanh thu để tính thu nhập chịu thuế của tôi có bao gồm các khoản thu từ may và bán hàng cho khách lẻ không?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP thì doanh thu tính thu nhập chịu thuế từ kinh doanh là toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế.

Do vậy, doanh thu để tính thu nhập chịu thuế của ông/bà là toàn bộ tiền gia công, tiền bán hàng mà ông/bà nhận được (tức là bao gồm cả tiền gia công theo hợp đồng và tiền bán sản phẩm cho khách lẻ).

Thời điểm xác định doanh thu là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa, hoàn thành cung ứng dịch vụ hoặc thời điểm lập hoá đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

Đồng thời Khoản 2 Điều này cũng hướng dẫn cách tính doanh thu tính thu nhập chịu thuế trong một số trường hợp cụ thể như sau:

+ Doanh thu đối với hàng hóa bán theo phương thức trả góp được xác định theo giá bán hành hóa trả tiền một lần không bao gồm tiền lãi trả chậm;

+ Doanh thu đối với hàng hóa, dịch vụ dùng để trao đổi, biếu tặng được xác định theo giá bán của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm trao đổi, biếu tặng;

+ Doanh thu đối với hoạt động gia công hàng hóa là tiền thu từ hoạt động gia công bao gồm cả tiền công, nhiên liệu, động lực, vật liệu phụ và chi phí khác phục vụ cho việc gia công hàng hóa.

+ Doanh thu đối với hoạt động cho thuê tài sản là số tiền bên thuê trả từng kỳ theo hợp đồng thuê. Trường hợp bên thuê trả tiền thuê trước cho nhiều năm thì doanh thu để tính thu nhập chịu thuế được phân bổ cho số năm trả tiền trước hoặc xác định theo doanh thu trả tiền một lần;

Câu 5: Trong quá trình nhận gia công hàng may, tôi phải mua vật tư ngành may (như kim, chỉ, khuy, fecmotuya, bảo dưỡng máy may...), trả công thuê lao động. Xin hỏi những chi phí này có được trừ khi tính thu nhập chịu thuế TNCN không?

Theo quy định của Luật thuế TNCN, những khoản chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra doanh thu sẽ được trừ để tính thu nhập chịu thuế TNCN từ kinh doanh. Tuy nhiên, các khoản chi phí này phải là các khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cá nhân, có đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật, được quy định cụ thể tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP, gồm:

- Tiền lương, tiền công, phụ cấp, các khoản thù lao và chi phí khác trả cho người lao động (không tính tiền lương, tiền công của cá nhân là chủ hộ kinh doanh);

- Chi phí nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa thực tế sử dụng vào sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ liên quan đến việc tạo ra doanh thu, thu nhập chịu thuế trong kỳ được tính theo mức tiêu hao hợp lý, giá thực tế xuất kho do hộ gia đình, cá nhân kinh doanh tự xác định và chịu trách nhiệm trước pháp luật;

- Chi phí khấu hao, duy tu, bảo dưỡng tài sản cố định sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Mức trích khấu hao tài sản cố định được xác định căn cứ vào giá trị tài sản cố định và thời gian trích khấu hao theo quy định của Bộ Tài chính;

- Chi phí trả lãi các khoản tiền vay vốn sản xuất kinh doanh liên quan trực tiếp đến việc tạo ra doanh thu và thu nhập chịu thuế;

- Chi phí quản lý;

- Các khoản thuế, phí và lệ phí, tiền thuê đất phải nộp liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo quy định của pháp luật trừ thuế TNCN và các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác không được tính vào chi phí theo quy định của pháp luật liên quan;

- Các khoản chi phí khác liên quan đến việc tạo ra thu nhập.

Như vậy, khi mua vật tư ngành may (như kim, chỉ, khuy, fecmotuya, bảo dưỡng máy may, trả công thuê lao động...), ông/bà phải yêu cầu người bán cung cấp hóa đơn, chứng từ bán hàng, người lao động phải ký nhận tiền công... để làm cơ sở khấu trừ khi tính thuế TNCN của ông/bà.

Câu 6: Sử dụng nhà riêng làm cửa hàng tạp hóa bán hàng cho người dân trong khu vực, bà B bán nhiều mặt hàng từ đường sữa, bánh kẹo, bột giặt đến nón lá, chổi tre, rau, dưa, hoa quả... Do có một số mặt hàng tiêu dùng lặt vặt mà bà B mua trực tiếp từ người nông dân và bán trực tiếp cho người tiêu dùng nên bà không lập sổ sách, cũng không có hóa đơn chứng từ gì. Đề nghị cho biết trong trường hợp này, thu nhập chịu thuế của bà B được tính như thế nào?

Đối với những cá nhân kinh doanh chưa thực hiện đúng pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ thì áp dụng Điều 10 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP để tính thu nhập chịu thuế.

Điều 10 xác định hai trường hợp:

Một là, cá nhân kinh doanh chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ, không xác định được doanh thu, chi phí và thu nhập chịu thuế thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu, tỷ lệ thu nhập chịu thuế để xác định thu nhập chịu thuế phù hợp với từng ngành, nghề sản xuất, kinh doanh.

Hai là, cá nhân kinh doanh chỉ hạch toán được doanh thu, không hạch toán được chi phí thì doanh thu tính thu nhập chịu thuế được xác định theo quy định tại Điều 8 Nghị định này. Thu nhập chịu thuế được xác định theo mức ấn định của cơ quan thuế.

Như vậy, những trường hợp kinh doanh như bà B mà không có hóa đơn, chứng từ để hạch toán kinh doanh thì cơ quan thuế có quyền ấn định doanh thu hoặc thu nhập chịu thuế.

Câu 6: Ông A vốn là kiến trúc sư, mặc dù đã về hưu và được hưởng lương hưu hàng tháng nhưng ông vẫn làm cho một công ty tư vấn, thiết kế về xây dựng. Xin hỏi, thu nhập chịu thuế TNCN của ông A được xác định như thế nào?

Thu nhập chịu thuế TNCN của ông A được xác định bằng tổng số thu nhập mà ông nhận được trong kỳ tính thuế, tức là bao gồm cả tiền lương hưu cộng với các khoản thu nhập mà ông được hưởng do làm cho công ty tư vấn thiết kế về xây dựng theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 Luật thuế TNCN.

Cụ thể, thu nhập từ tiền lương, tiền công gồm:

- Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công;

- Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật không tính vào thu nhập chịu thuế;

- Tiền thù lao nhận được dưới các hình thức như: Tiền hoa hồng môi giới, tiền tham gia đề tài, dự án, tiền nhuận bút và các khoản tiền hoa hồng, thù lao khác;

- Tiền nhận được từ tham gia hiệp hội kinh doanh, hội đồng quản trị, ban kiểm soát, hội đồng quản lý, các hiệp hội, hội nghề nghiệp và các tổ chức khác;

- Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng dưới mọi hình thức: Tiền nhà ở, điện, nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có); khoản tiền phí tích luỹ mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm không bắt buộc khác, tiền tích luỹ đóng góp quỹ hưu trí tự nguyện, do người sử dụng lao động mua hoặc đóng góp cho người lao động; phí hội viên và các khoản chi dịch vụ khác phục vụ cho cá nhân theo yêu cầu, như: Chăm sóc sức khoẻ, vui chơi, thể thao, giải trí, thẩm mỹ;

- Các khoản thưởng bằng tiền hoặc không bằng tiền dưới mọi hình thức, kể cả thưởng bằng chứng khoán, trừ các khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật không tính vào thu nhập chịu thuế. 

Câu 7: Vậy, những khoản phụ cấp, trợ cấp nào không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN?

Các khoản phụ cấp, trợ cấp không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN được quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP, gồm:

- Trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng và trợ cấp một lần theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công;

- Trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần đối với các đối tượng tham gia kháng chiến, bảo vệ tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế, thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ;

- Phụ cấp quốc phòng, an ninh; các khoản trợ cấp đối với lực lượng vũ trang;

- Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm;

- Phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực;

- Trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp và các khoản trợ cấp khác theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội;

- Trợ cấp đối với các đối tượng được bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật;

- Phụ cấp phục vụ đối với lãnh đạo cấp cao;

- Trợ cấp một lần đối với cá nhân khi chuyển công tác đến vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, hỗ trợ một lần đối với cán bộ, công chức làm công tác về chủ quyền biển đảo theo quy định của pháp luật. Trợ cấp chuyển vùng một lần đối với người nước ngoài đến cư trú tại Việt Nam, người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài;

- Phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản;

- Phụ cấp đặc thù ngành nghề.

Câu 8: Đề nghị cho biết pháp luật quy định những khoản tiền thưởng nào không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN?

Các khoản tiền thưởng không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN được quy định tại Điểm e Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP, gồm:

- Tiền thưởng kèm theo các danh hiệu được Nhà nước phong tặng, bao gồm cả tiền thưởng kèm theo các danh hiệu thi đua, các hình thức khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng;

- Tiền thưởng kèm theo giải thưởng quốc gia, giải thưởng quốc tế được Nhà nước Việt Nam thừa nhận;

- Tiền thưởng về cải tiến kỹ thuật, sáng chế, phát minh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận;

- Tiền thưởng về việc phát hiện, khai báo hành vi vi phạm pháp luật với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Câu 9:  Ông H là cán bộ lãnh đạo, được ở nhà ở công vụ, được sử dụng một xe ô tô trong thời gian đương nhiệm. Nhà ở công vụ của ông H còn được trang bị bàn, ghế, điều hòa, điện thoại, máy giặt, tủ lạnh, giường tủ... Xin hỏi, những khoản lợi ích này mà ông H được hưởng có được quy ra thành tiền để tính thu nhập chịu thuế TNCN của ông H không?

Theo quy định tại Điểm g Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP quy định những khoản không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN, gồm:

- Khoản hỗ trợ của người sử dụng lao động cho việc khám chữa bệnh hiểm nghèo cho bản thân người lao động và thân nhân (bố, mẹ, vợ/chồng, con) của người lao động;

- Khoản tiền nhận được theo chế độ liên quan đến sử dụng phương tiện đi lại trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức đảng, đoàn thể;

- Khoản tiền nhận được theo chế độ nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật;

- Các khoản nhận được ngoài tiền lương, tiền công do tham gia, phục vụ hoạt động đảng, đoàn, Quốc hội hoặc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước;

- Khoản tiền ăn giữa ca do người sử dụng lao động chi cho người lao động không vượt quá mức quy định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

- Khoản tiền mua vé máy bay khứ hồi do người sử dụng lao động trả hộ (hoặc thanh toán) cho người lao động là người nước ngoài, người lao động là người Việt Nam làm việc ở nước ngoài về phép mỗi năm một lần;

- Khoản tiền học phí cho con của người lao động nước ngoài học tại Việt Nam, con của người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài học tại nước ngoài theo bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông do người sử dụng lao động trả hộ.

Như vậy, trong thời gian đương nhiệm, ông H được ở nhà ở công vụ, được sử dụng một xe ô tô, được trang bị nội thất trong nhà... thì những khoản lợi ích này không phải quy đổi để tính thu nhập chịu thuế TNCN của ông.

Câu 10: Con gái tôi kết hôn với người nước ngoài. Gia đình cháu có 02 con nhỏ (05 tuổi và 01 tuổi). Hàng tháng chi phí sinh hoạt của vợ chồng cháu gồm tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền xăng xe, tiền học của con... Xin hỏi, khi tính thuế TNCN, vợ chồng con gái tôi được giảm trừ những khoản nào? Con rể tôi là người nước ngoài có được giảm trừ tiền sinh hoạt của người nước ngoài cao hơn người Việt Nam không?

Giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công của người nộp thuế là cá nhân cư trú tại Việt Nam.

Mức giảm trừ gia cảnh được quy định tại Khoản 1 Điều 19 Luật thuế TNCN và Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP như sau:

- Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 09 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm);

- Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng.

Mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một người nộp thuế trong năm tính thuế. Trường hợp nhiều người nộp thuế có chung người phụ thuộc phải nuôi dưỡng thì phải tự thỏa thuận để đăng ký giảm trừ gia cảnh vào một người nộp thuế.

Như vậy, mức giảm trừ gia cảnh được tính riêng cho từng người nộp thuế, bản thân mỗi người nộp thuế được giảm trừ 09 triệu đồng/tháng (tức là người có thu nhập từ 09 triệu đồng trở xuống một tháng và từ 108 triệu đồng một năm trở xuống thì không phải đóng thuế TNCN), đồng thời giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc (người mà đối tượng nộp thuế có nghĩa vụ nuôi dưỡng) là 3,6 triệu đồng/tháng.

Pháp luật về thuế TNCN không xác định các chi phí sinh hoạt (như tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền xăng xe,... ) được giảm trừ khi tính thuế. Mức giảm trừ gia cảnh đối với mỗi người nộp thuế là như nhau, không phân biệt là người nước ngoài hay người Việt Nam.

Câu 11: Con gái tôi không đi làm mà ở nhà trông con, làm việc gia đình thì có được tính là người phụ thuộc để giảm trừ gia cảnh khi tính thuế TNCN của chồng cháu không?

Người phụ thuộc là người mà đối tượng nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng.

Khoản 3 Điều 19 Luật thuế TNCN và Khoản 3 Điều 12 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP quy định những người được xác định là người phụ thuộc mà người nộp thuế có nghĩa vụ nuôi dưỡng bao gồm:

- Con chưa thành niên (gồm con đẻ, con nuôi hợp pháp, con riêng của vợ, con riêng của chồng dưới 18 tuổi);

- Con đã thành niên bị bị khuyết tật, không có khả năng lao động (gồm con đẻ, con nuôi hợp pháp, con riêng của vợ, con riêng của chồng từ 18 tuổi trở lên bị khuyết tật, không có khả năng lao động);

- Con (bao gồm con đẻ, con nuôi hợp pháp, con riêng của vợ, con riêng của chồng) đang học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, kể cả con từ 18 tuổi trở lên đang học bậc học phổ thông mà không có thu nhập hoặc có thu nhập không vượt quá mức 1.000.000 đồng/tháng;

- Vợ hoặc chồng ngoài độ tuổi lao động hoặc bị khuyết tật hoặc không có khả năng lao động; bố, mẹ đã hết tuổi lao động hoặc bị khuyết tật hoặc không có khả năng lao động mà không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng không vượt quá 1.000.000 đồng/tháng.

Đối chiếu với quy định trên thì người vợ chỉ được xác định là người phụ thuộc để giảm trừ gia cảnh khi tính thuế TNCN của người chồng trong trường hợp người vợ bị khuyết tật, không có khả năng lao động; nếu người vợ có sức khỏe, có khả năng lao động, mặc dù họ ở nhà làm việc gia đình, không tạo ra thu nhập thì cũng không được xác định là người phụ thuộc.

Câu 12: Đề nghị cho biết những giấy tờ chứng minh người phụ thuộc được tính để giảm trừ gia cảnh?

Theo quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật thuế TNCN, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thuế TNCN và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN thì đối với mỗi đối tượng là người phụ thuộc, người nộp thuế phải cung cấp hồ sơ chứng minh người phụ thuộc là khác nhau.

 Cụ thể:

Một là, đối với con, hồ sơ gồm:

- Con dưới 18 tuổi là bản chụp Giấy khai sinh và bản chụp Chứng minh nhân dân (nếu có).

- Con từ 18 tuổi trở lên bị khuyết tật, không có khả năng lao động, hồ sơ gồm: Bản chụp Giấy khai sinh và bản chụp Chứng minh nhân dân (nếu có); Bản chụp Giấy xác nhận khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật.

- Con đang theo học tại Việt Nam hoặc nước ngoài tại bậc học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, kể cả con từ 18 tuổi trở lên đang học bậc học phổ thông mà không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn không vượt quá 1.000.000 đồng, hồ sơ gồm: Bản chụp Giấy khai sinh; Bản chụp Thẻ sinh viên hoặc bản khai có xác nhận của nhà trường hoặc giấy tờ khác chứng minh đang theo học tại các trường học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trung học phổ thông hoặc học nghề.

 Trường hợp là con nuôi, con ngoài giá thú, con riêng thì ngoài các giấy tờ theo từng trường hợp nêu trên, hồ sơ chứng minh cần có thêm giấy tờ khác để chứng minh mối quan hệ như: bản chụp quyết định công nhận việc nuôi con nuôi, quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con của cơ quan nhà nước có thẩm quyền...

Hai là, đối với vợ hoặc chồng thuộc diện được tính là người phụ thuộc, hồ sơ gồm: Bản chụp Chứng minh nhân dân; Bản chụp sổ hộ khẩu (chứng minh được mối quan hệ vợ chồng) hoặc Bản chụp Giấy chứng nhận kết hôn.

Trường hợp vợ hoặc chồng trong độ tuổi lao động thì ngoài các giấy tờ nêu trên hồ sơ chứng minh cần có thêm giấy tờ khác chứng minh người phụ thuộc không có khả năng lao động như bản chụp Giấy xác nhận khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật đối với người khuyết tật không có khả năng lao động, bản chụp hồ sơ bệnh án đối với người mắc bệnh không có khả năng lao động (như bệnh AIDS, ung thư, suy thận mãn,..).

Ba là, đối với cha đẻ, mẹ đẻ, cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng), cha dượng, mẹ kế, cha nuôi hợp pháp, mẹ nuôi hợp pháp, hồ sơ gồm: Bản chụp Chứng minh nhân dân; Giấy tờ hợp pháp để xác định mối quan hệ của người phụ thuộc với người nộp thuế như bản chụp sổ hộ khẩu (nếu có cùng sổ hộ khẩu), giấy khai sinh, quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Trường hợp cha mẹ còn trong độ tuổi lao động thì ngoài các giấy tờ nêu trên, hồ sơ chứng minh cần có thêm giấy tờ chứng minh là người khuyết tật, không có khả năng lao động như bản chụp Giấy xác nhận khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật đối với người khuyết tật không có khả năng lao động, bản chụp hồ sơ bệnh án đối với người mắc bệnh không có khả năng lao động (như bệnh AIDS, ung thư, suy thận mãn,..).

Lưu ý: Người nộp thuế làm việc trong các tổ chức kinh tế, các cơ quan hành chính, sự nghiệp có bố, mẹ, vợ (hoặc chồng), con và những người khác thuộc diện được tính là người phụ thuộc đã khai rõ trong lý lịch của người nộp thuế thì hồ sơ chứng minh người phụ thuộc thực hiện theo quy định trên hoặc chỉ cần Tờ khai đăng ký người phụ thuộc (theo mẫu ban hành), có xác nhận của Thủ trưởng đơn vị vào bên trái tờ khai.

Thủ trưởng đơn vị chỉ chịu trách nhiệm đối với các nội dung sau: họ tên người phụ thuộc, năm sinh và quan hệ với người nộp thuế; các nội dung khác, người nộp thuế tự khai và chịu trách nhiệm.

Khi có thay đổi (tăng, giảm) về người phụ thuộc, người nộp thuế thực hiện khai bổ sung thông tin thay đổi của người phụ thuộc (theo mẫu ban hành) về quản lý thuế và nộp cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập hoặc cơ quan thuế đối với người nộp thuế thuộc diện khai thuế trực tiếp với cơ quan thuế.