Hội nghị Triển khai công tác pháp chế Tài chính năm 2014

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Trong 2 ngày 28 - 29/3/2014, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị Triển khai công tác pháp chế Tài chính năm 2014 nhằm đánh giá kết quả đạt được trong công tác pháp chế tài chính năm 2013 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2014.

Thứ trưởng Vũ Thị Mai phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Nguồn: mof.gov.vn
Thứ trưởng Vũ Thị Mai phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Nguồn: mof.gov.vn
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền đồng chủ trì hội nghị cùng sự tham dự của đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên & Môi trường và toàn thể cán bộ, công chức làm công tác pháp chế ngành Tài chính gồm: Vụ Pháp chế; Pháp chế Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Tổng cục Dự trữ Nhà nước.

Kết quả tích cực

Tại Hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Tài chính Đặng Công Khôi đã báo cáo kết quả đạt được trong công tác pháp chế ngành Tài chính năm 2013 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2014. Theo đó, công tác pháp chế ngành Tài chính năm 2013 đã đạt được những kết quả tích cực được thể hiện trên nhiều mặt. Năm 2013, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội 66/67 đề án (đạt 98,5%), trong đó có 59/66 đề án đã được ban hành (đạt 89,3%). Bộ Tài chính đã xây dựng trình Chính phủ, Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua 03 dự án luật, 01 nghị quyết và cho ý kiến vào 1 dự án luật (đạt 100%); Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 27/27 nghị định, đã ban hành 24/27 nghị định của Chính phủ (đạt 88,9%), trong đó có 7 nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài chính để hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (đạt 100%); đã trình Thủ tướng Chính phủ 34/35 đề án (đạt 97%), đã ban hành 31/34 (đạt 91,2%); ban hành theo thẩm quyền 221/223 thông tư, thông tư liên tịch (đạt 99%)… Việc nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) ngành Tài chính đã đáp ứng yêu cầu về tiến độ và nội dung theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kịp thời giải quyết những vấn đề lớn phát sinh trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế.

Trong năm 2013, đã tổ chức kiểm tra 167 thông tư, thông tư liên tịch do Bộ Tài chính ban hành, 681 văn bản QPPL do các Bộ, ngành, địa phương ban hành có liên quan đến tài chính. Đã phát hiện và kiến nghị xử lý 83 văn bản có dấu hiệu chưa phù hợp (trong đó 18 văn bản có dấu hiệu chưa phù hợp về nội dung; 65 văn bản chưa phù hợp về kỹ thuật trình bày, hiệu lực thi hành); Tổ chức kiểm tra thực hiện và theo dõi đánh giá thi hành 4 nhóm văn bản QPPL thuộc các lĩnh vực dự trữ nhà nước, kế toán, thuế và giám định tư pháp. Đã rà soát và công bố 176 thông tư, thông tư liên tịch hết hiệu lực pháp luật bị bãi bỏ hoặc có văn bản thay thế.

Bên cạnh đó, cũng trong năm 2013, công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) đã triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả. Trong đó, thực hiện rà soát trọng tâm đối với 5 nhóm TTHC thuộc lĩnh vực Thuế và 13 nhóm TTHC thuộc lĩnh vực Hải quan; Một số TTHC thuộc lĩnh vực Chứng khoán, Kho bạc nhà nước. Trên cơ sở đó đã kiến nghị đơn giản hóa 17 TTHC; Ban hành 10 quyết định để công bố 237 TTHC (trong đó 109 TTHC mới ban hành, 111 TTHC sửa đổi, bổ sung và 17 TTHC bãi bỏ). Đồng thời, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ khác như: hợp nhất văn bản, pháp điển văn bản QPPL…

Công tác phổ biến giáo dục pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được lồng ghép thực hiện hiệu quả nhằm cung cấp thông tin pháp luật tài chính kịp thời đến các đối tượng thi hành, theo đó ngoài việc triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch, còn tổ chức nhiều hoạt động trong thời gian thực hiện ngày pháp luật Tài chính (ngày 28/8); đối thoại với doanh nghiệp giải đáp vướng mắc trong thực hiện pháp luật thuế, hải quan... Đạt được kết quả trên là do sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Bộ; nỗ lực của các đơn vị thuộc Bộ trong tổ chức, triển khai các chương trình, kế hoạch công tác và các giải pháp đã đề ra.

Tập trung xây dựng văn bản QPPL

Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ pháp chế tài chính, hội nghị đã đề ra 7 nhiệm vụ trọng tâm và 4 nhóm giải pháp chủ yếu của công tác pháp chế tài chính trong năm 2014. Đây là năm trọng tâm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, gắn với yêu cầu triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, tập trung hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính tạo động lực cho phát triển, giữ vững ổn định xã hội.

Hội nghị cũng đã dành nhiều thời gian để nghe các tham luận và ý kiến đóng góp, trao đổi kinh nghiệm trong công tác pháp chế của một số đơn vị như: Cục Kiểm soát thủ tục hành chính - Bộ Tư pháp, Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan... và giới thiệu chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền đã phát biểu chỉ đạo về công tác pháp chế, đặc biệt là tổ chức pháp chế Bộ, ngành trong thời gian tới. Cụ thể, công tác pháp chế ngành Tài chính trong những năm qua rất phát triển về bộ máy, có mạng lưới tổ chức và lực lượng cán bộ rất hùng hậu và trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao. Trong năm 2013, pháp chế ngành Tài chính đã triển khai thực hiện với khối lượng công việc rất lớn liên quan tới xây dựng thể chế. Ban Cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ Tài chính rất coi trọng, chỉ đạo và tạo điều kiện cho công tác pháp chế.

Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền đề nghị hệ thống pháp chế tài chính cần tiếp tục kiện toàn về bộ máy tổ chức pháp chế ở địa phương, tăng cường nâng cao chất lượng, hoàn thiện thể chế, tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ trong thời gian tới. Thứ trưởng Bộ Tư pháp mong muốn hệ thống pháp chế ngành Tài chính ngày càng phát triển và lớn mạnh hơn nữa để đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển của đất nước.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác pháp chế của Bộ Tài chính trong năm 2013. Đồng thời, Thứ trưởng nêu rõ những nhiệm vụ trọng tâm của công tác pháp chế tài chính trong thời gian tới là xây dựng văn bản QPPL. Trong năm 2014, Bộ Tài chính phải trình Chính phủ, Quốc hội thông qua 5 dự án Luật; Chủ trì, nghiên cứu soạn thảo 46 nghị định, quyết định và đề án thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Soạn thảo và ban hành 123 thông tư và 13 thông tư liên tịch...

Trước khối lượng công việc lớn như vậy, Thứ trưởng Vũ Thị Mai đề nghị các đơn vị được giao nhiệm vụ cần có kế hoạch triển khai cụ thể, phối hợp kịp thời với các đơn vị liên quan để đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng công việc; Cần coi trọng khâu đánh giá tổng kết, nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ.

Hội nghị Triển khai công tác pháp chế Tài chính năm 2014 - Ảnh 1

Thứ trưởng Vũ Thị Mai trao bằng khen cho các tập thể đạt thành tích xuất sắc trong công tác pháp chế. Nguồn: mof.gov.vn

Thứ trưởng Vũ Thị Mai cũng nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng của công tác pháp chế năm 2014 là tiếp tục triển khai cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thông qua công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp bằng những hoạt động cụ thể như: đối thoại, tuyên truyền phổ biến pháp luật, trả lời vướng mắc; Tiếp tục củng cố và kiện toàn tổ chức hệ thống pháp chế tài chính. Thứ trưởng cũng đề nghị pháp chế tài chính cần tiếp tục chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong quá trình xây dựng các văn bản QPPL, tổ chức triển khai tốt các chương trình, kế hoạch công tác pháp chế trong năm 2014.

Bế mạc Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Trọng Nghĩa đã khái quát các nhiệm vụ trọng tâm phải triển khai ngay sau Hội nghị. Hội nghị đã biểu thị quyết tâm cao trong việc nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ pháp chế tài chính để cùng với toàn ngành Tài chính hoàn thành nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2014; Báo cáo lên Bộ trưởng Bộ Tài chính, Lãnh đạo Bộ và Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính quyết tâm này.

Trong khuôn khổ chương trình Hội nghị, thay mặt Lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Vũ Thị Mai đã trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài chính cho 5 tập thể và 4 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác pháp chế và cải cách hành chính năm 2013.