Phó Giám đốc KBNN Hải Dương Nguyễn Phúc Uyên:
Hơn 30 năm gắn bó cùng Kho bạc và 3 kỷ niệm đáng nhớ
Ông Nguyễn Phúc Uyên - Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN) Hải Dương đã gắn bó với Ngành từ ngày đầu tái thành lập hệ thống (tháng 4/1990). Hơn 33 năm, chứng kiến quá trình phát triển của KBNN với ông Uyên giống như việc trải qua những thăng trầm, đi qua từng cung bậc cảm xúc khó quên.
Chia sẻ với Đoàn công tác nhân dịp kỷ niệm ngày truyền thống của ngành KBNN (29/5/1946 - 29/5/2023), ông Nguyễn Phúc Uyên cho biết, quá trình công tác của ông có thể chia thành 4 giai đoạn: giai đoạn thành lập; giai đoạn chuẩn hoá về mọi mặt nghiệp vụ; giai đoạn bắt đầu ứng dụng công nghệ thông tin; giai đoạn 4.0 - Chuyển đổi số.
Với ông Uyên, cả 4 giai đoạn này đã mang lại cho tất cả những cán bộ KBNN nói chung và ông Uyên nói riêng những cung bậc cảm xúc khó quên, mà bản thân ông cũng không thể miêu tả hết được. Chỉ với 1 tâm niệm: “Không được phép thất bại. Nếu thất bại thì hệ thống KBNN của Việt Nam sẽ tụt hậu, không theo kịp các nước”, những cán bộ KBNN từ thời kỳ đầu đã gắn bó, cống hiến và đến nay nhận được những “trái ngọt” đáng trân trọng.
Phó Giám đốc KBNN Hải Dương cho biết, trong suốt quá trình phát triển, xu thế điện tử đã tác động tới hệ thống KBNN rất nhiều. Đó là quá trình chuyển đổi từ tư duy trên giấy sang ứng dụng công nghệ thông tin. Trong bối cảnh đó, cán bộ KBNN không ngừng học hỏi, tiếp cận, cập nhật những cái mới của công nghệ thông tin; từ đó tích hợp vào từng hoạt động nghiệp vụ.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Phúc Uyên cho biết, hơn 30 năm gắn bó cùng KBNN, ông đã trải qua 3 kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời.
Đầu tiên là vào năm 1992, khi KBNN bắt đầu triển khai thí điểm Chương trình KTKB. Cùng với một số tỉnh thành khác trên cả nước, KBNN Hải Dương được cấp 2 máy tính Olivetti của Italia.
“Do đã làm thủ công từ lâu nên khi được tiếp cận với máy tính đã làm thay đổi rất lớn về mặt nhận thức. Dù có được đào tạo nhưng chúng tôi vẫn không thể nào tránh khỏi sự lo lắng. Khi đó lãnh đạo KBNN Hải Dương đã sắp xếp 2 bộ máy tính vào một phòng nhỏ có lắp điều hoà và hạn chế người ra vào nên nó đã trở thành thứ gì đó rất cao siêu, bí hiểm. Tôi nhớ có một hôm mưa rất to, phòng máy tính của chúng tôi bị dột và chiếc máy tính quý giá đó đã được “ưu tiên” dùng áo mưa để bảo vệ. Đó là kỉ niệm không bao giờ quên trong tôi”, ông Uyên hồi tưởng.
Kỷ niệm thứ hai với ông Uyên đó chính là vào năm 1993, khi Ngành bắt đầu thực hiện thanh toán liên Kho bạc bằng phương thức điện tử. Thời đó, đây là một sự chuyển đổi tiến bộ công nghệ quá lớn mà những cán bộ đời đầu không bao giờ nghĩ có thể thực hiện được.
“Những ngày đầu tái thành lập hệ thống, ngân hàng đưa sang công nghệ thanh toán liên ngân hàng bằng giấy áp dụng vào Kho bạc. Vì làm thủ công nên phải mất hàng tuần để chuyển nhận dữ liệu giữa các kho bạc. Đến khi Hệ thống thanh toán điện tử bằng công nghệ SCOM3 đi vào hoạt động, chúng ta có thể tính kí hiệu mật trên đĩa mềm A4. Theo đó, từ Hải Dương chuyển dữ liệu đến Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh đều rất nhanh. Các giao dịch thanh toán được chuyển trực tiếp từ Kho bạc đi tới Kho bạc đến và các cán bộ chỉ phải xử lý nghiệp vụ trên một hệ thống duy nhất. Lần thứ hai trong đời tôi cảm nhận được niềm vui sướng khi mà đón nhận dòng tiền tư nơi khác đến hoặc chúng tôi chuyển đi chỉ tính theo phút. Đây là điều mà trong đời tôi không bao giờ dám nghĩ đến vào thời điểm đó”, ông Nguyễn Phúc Uyên chia sẻ.
Kỷ niệm thứ ba đáng nhớ trong cuộc đời Phó Giám đốc KBNN Hải Dương Nguyễn Phúc Uyên đó chính là khi triển khai TABMIS (hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc). Khi đó, KBNN Hải Dương là một trong 3 đơn vị triển khai lớp đầu tiên (cùng với KBNN Quảng Ninh, KBNN Hưng Yên) sau khi thực hiện thí điểm tại KBNN Hải Phòng và KBNN Hà Nam.
Nhờ những thành công tại 3 KBNN này mà Ban Chỉ đạo Tổ triển khai TABMIS đã rút được nhiều kinh nghiệm để có thể thành công. Một trong những kinh nghiệm đó là đã co gọn lại tỷ lệ điều tiết của địa phương. Thứ hai là chuẩn hoá lại những thứ đang rất đa dạng ở các đơn vị sử dụng ngân sách để gọn lại ở TABMIS. Thứ ba, để dòng chảy ngân sách tới các đơn vị không được ngắt quãng nên khi triển khai TABMIS, KBNN vẫn chạy song song với chương trình KTKB để nếu TABMIS không thành công thì vẫn có chương trình kia đảm bảm được.
“Thời điểm đó cán bộ kế toán vô cùng bận rộn vì phải nhập cùng lúc 2 chương trình. Việc làm đến 1-2h đêm là chuyện rất bình thường. Vì thế, KBNN Hải Dương đã nghĩ ra sáng kiến gửi thư ngỏ đề nghị người thân trong gia đình chia sẻ, giúp đỡ để cho cán bộ Kho bạc hoàn thành nhiệm vụ. Trong đó, thứ nhất chúng tôi đã mô tả lại chức năng nhiệm vụ; thứ hai là nhờ họ làm các công việc gia đình cho người bạn đời của mình có thể toàn tâm toàn ý cho công việc”, ông Uyên kể lại.
Với sự quyết tâm cao, vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên TABMIS đã trở thành bước tiến vượt bậc của KBNN và đã được lãnh đạo tỉnh Hải Dương đánh giá rất cao. Nhờ có TABMIS nên có thể khai thác dữ liệu, phân bổ dự toán ngân sách rất bài bản. Trên cơ sở đồng bộ dữ liệu nên có cơ sở dữ liệu lớn của ngành Tài chính gồm: KBNN, Thuế, Hải quan. Từ đó đã tác động tới chức năng nhiệm vụ của chính quyền địa phương cũng như ngành Tài chính.
Qua hơn 33 năm gắn bó và cống hiến, với ông Uyên thì sự phát triển của KBNN giống như một cuộc cách mạng về tư duy nhận thức, phương pháp tác nghiệp. Đến nay, khi đã thành công trở thành Kho bạc điện tử và hướng tới hình thành Kho bạc số vào năm 2030, đây là “trái ngọt” mà những cán bộ lâu năm như Phó Giám đốc KBNN Hải Dương Nguyễn Phúc Uyên đã cùng đóng góp công sức vun trồng, chăm sóc và dành tâm huyết gần như cả cuộc đời. Đó sẽ là những “trái ngọt” không bao giờ quên.