HOSE: Xu hướng công bố thông tin về phát triển bền vững ngày càng được coi trọng

PV. (t/h)

Tổng quan về Báo cáo phát triển bền vững năm nay cho thấy sự tiến bộ rõ rệt cả về số lượng và chất lượng. Đáng chú ý, số lượng các công ty lập báo cáo phát triển bền vững riêng biệt năm nay đã tăng kỷ lục từ 21 lên 33 nối tiếp đà tăng liên tục qua các năm. Theo Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE), điều này phản ánh xu hướng công bố thông tin về phát triển bền vững ngày càng được coi trọng.

Ông Ren Varma - Giám đốc khu vực Đông Nam Á Lục địa, Hiệp hội Kế toán công chứng Anh trao chứng nhận giải Báo cáo phát triển bền vững có cách trình bày tốt nhất cho đại diện Tập đoàn Bảo Việt. Ảnh: Lê Toàn
Ông Ren Varma - Giám đốc khu vực Đông Nam Á Lục địa, Hiệp hội Kế toán công chứng Anh trao chứng nhận giải Báo cáo phát triển bền vững có cách trình bày tốt nhất cho đại diện Tập đoàn Bảo Việt. Ảnh: Lê Toàn

Số lượng công ty lập báo cáo phát triển bền vững riêng biệt tăng kỷ lục

Năm 2024, những doanh nghiệp có Báo cáo phát triển bền vững riêng và những doanh nghiệp đăng ký tham gia giải báo cáo thường niên sẽ được thực hiện đánh giá. Các chỉ tiêu đánh giá có sự thay đổi với mục tiêu thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện chiến lược phát triển bền vững toàn diện và minh bạch hơn so với năm 2023, cụ thể như tăng số lượng tiêu chí (46 chỉ tiêu trong năm 2024 so với 44 chỉ tiêu trong năm 2023), tăng thêm 2 chỉ tiêu về sự tham gia của bên liên quan và về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Tổng quan về Báo cáo phát triển bền vững năm nay cho thấy sự tiến bộ rõ rệt cả về số lượng và chất lượng. Ngoài việc giữ vững vị trí của các doanh nghiệp quen thuộc, nhiều gương mặt mới được đánh giá cao về cấu trúc báo cáo mặc dù là năm đầu tiên thực hiện.

Theo bà Trần Anh Đào - Phó Tổng giám đốc Phụ trách Ban điều hành HOSE, năm nay, số lượng các công ty lập báo cáo phát triển bền vững riêng biệt đã tăng kỷ lục từ 21 lên 33 nối tiếp đà tăng liên tục qua các năm. Đây cũng là mùa báo cáo có số lượng báo cáo phát triển bền vững riêng biệt cao nhất và số lượng các báo cáo được vào vòng chung khảo cao nhất trong 12 năm qua. Trong đó, có đến 10 báo cáo (chiếm gần 30%) được soạn lập bởi các doanh nghiệp ngành dịch vụ tài chính, gồm 6 báo cáo từ ngân hàng, 2 báo cáo từ bảo hiểm và 2 báo cáo từ các công ty tài chính và chứng khoán. Theo các chuyên gia, điều này phản ánh xu hướng công bố thông tin về phát triển bền vững ngày càng được coi trọng. Đồng thời, nỗ lực từ phía các cơ quan quản lý trong việc thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện báo cáo phát triển bền vững cũng được ghi nhận.

Các tổ chức dịch vụ tài chính luôn đạt được giải cao và áp đảo trong các hạng mục về báo cáo thường niên và quản trị công ty trong các năm trước đây nhưng không phải là đối với báo cáo phát triển bền vững. Trong các năm trước đây, thường chỉ có 2-3 báo cáo trong ngành này được lập riêng biệt, chiếm khoảng 10% tổng số báo cáo. Tuy nhiên, trong mùa báo cáo năm nay, trong số 33 báo cáo phát triển bền vững riêng biệt được đánh giá, có đến 10 báo cáo (chiếm gần 30%) được soạn lập bởi các doanh nghiệp ngành dịch vụ tài chính gồm 6 báo cáo từ ngân hàng, 2 báo cáo từ bảo hiểm và 2 báo cáo từ các công ty tài chính và chứng khoán.

Thêm nhiều tiêu chuẩn quốc tế được áp dụng

Các tiêu chuẩn quốc tế tiếp tục được áp dụng trong Báo cáo Phát triển bền vững của doanh nghiệp. Ngoài GRI, một số doanh nghiệp đã áp dụng thêm các khung báo cáo khác như CDP, SASB và SDG. Mô hình Ủy ban ESG cũng được áp dụng nhiều hơn so với năm ngoái.

Ngoài ra, vấn đề về đa dạng sinh học cũng bắt đầu được đề cập trong báo cáo của một số doanh nghiệp. Số lượng các công ty đặt mục tiêu về phát thải khí nhà kính và báo cáo ở phạm vi 1 và 2 đã tăng đáng kể. Theo đó, 2/3 các doanh nghiệp lọt vào vòng chung khảo đã công bố dữ liệu về phát thải khí nhà kính. Điểm trung bình về phát thải khí nhà kính đã tăng so với năm 2023. Đặc biệt có 2 doanh nghiệp là VNM và STK đã đặt mục tiêu phát thải theo SBTi.

Chẳng hạn như với Vinamilk, năm 2023 đánh dấu bước tiến lớn của công ty này trong việc giảm thiểu tác động môi trường, đặc biệt là cam kết Net Zero vào năm 2050. Là doanh nghiệp sữa đầu tiên tại Việt Nam tham gia Sáng kiến Toàn cầu về Net Zero, Vinamilk đã triển khai chương trình “Vinamilk Pathways to Dairy Net Zero 2050” với mục tiêu giảm 15% khí nhà kính vào năm 2027 và đạt mức phát thải bằng 0 vào năm 2050. Trong năm qua, Vinamilk cũng đã đạt được những thành quả đáng kể, bao gồm trung hòa 17.560 tấn CO2, tương đương với việc trồng 1,7 triệu cây xanh. Vinamilk xứng đáng được vinh danh ở hai hạng mục Báo cáo Phát triển bền vững tốt nhất và Công bố thông tin khí nhà kính tốt nhất.

Hay như Tập đoàn Bảo Việt, đây là một trong những doanh nghiệp đầu tiên trên thị trường tự nguyện tham gia đánh giá ESG theo các chỉ tiêu được quốc tế công nhận. Phần báo cáo về tác động môi trường của Tập đoàn Bảo Việt tương đối đầy đủ, bao gồm cả theo dõi và kiểm soát lượng khí thải nhà kính và có Báo cáo Khí thải nhà kính (GHG Protocol) tại các tòa nhà Bảo Việt và bao gồm các phân tích biến động. Nhờ đó, Báo cáo phát triển bền vững của Tập đoàn Bảo Việt tiếp tục được đánh giá là một báo cáo phát triển bền vững bài bản, chuẩn mực.

 

Theo HOSE, hiện vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần cải thiện, bao gồm: một số doanh nghiệp chưa duy trì được chất lượng báo cáo như các năm trước; một số doanh nghiệp vẫn còn tham chiếu đến chuẩn GRI cũ và đa số chỉ dừng ở cấp độ tham chiếu thay vì tuân thủ; việc áp dụng các khung báo cáo, đặc biệt là khung theo ngành vẫn còn hạn chế; đa số doanh nghiệp thiếu mục tiêu SMART; quy trình thu thập thông tin để lập báo cáo chưa được nêu rõ và số liệu thiếu sự phân tích, so sánh; phạm vi bảo đảm còn hạn chế khiến thông tin trên báo cáo thiếu độ tin cậy, đặc biệt là rất ít doanh nghiệp có sự đảm bảo độc lập đối với chỉ tiêu phát thải khí nhà kính…