HSBC hạ dự báo tăng trưởng Việt Nam xuống 6%
Ngân hàng HSBC hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2017 của Việt Nam từ 6,4% xuống 6% sau khi tính toán cả chỉ số thấp của quý I.
Các chuyên gia HSBC cho rằng, sau khởi đầu năm khá chậm chạp, GDP của Việt Nam trong quý II đã tăng lên 6,2%. Mức tăng trưởng này cao hơn so với dự báo trước đây của họ là 5,9%, nhờ vào kết quả hoạt động khả quan ở hai lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ.
Lĩnh vực dịch vụ, vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong GDP của cả nước, vẫn ổn định nhờ vào nguồn lợi từ du lịch. Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO), ước tính có khoảng 6,2 triệu khách du lịch đã đến Việt Nam trong nửa đầu năm 2017, tăng 30,2% so cùng kỳ năm. Chỉ tính trong tháng 6, Việt Nam đã đón 950.000 khách du lịch, tăng 33,6% so cùng kỳ năm, dẫn đến sự tăng trưởng các ngành dịch vụ liên quan đến ẩm thực và chỗ ở.
Theo dự báo của HSBC, ngoại trừ trường hợp thiên tai, du lịch vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian còn lại của năm, đặc biệt là khi chính phủ mở rộng danh sách các quốc gia được miễn thị thực vào tháng 6/2018.
Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng trong quý II là tín hiệu khả quan cho các tháng còn lại của năm. Do đó, các chuyên gia HSBC kỳ vọng Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trưởng trong nửa cuối năm nhờ sự gia tăng về sản xuất nông nghiệp và đầu tư nước ngoài.
"Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2017 từ 6,4% xuống 6% sau khi tính toán cả các chỉ số thấp của quý I", ngân hàng này phân tích. Tăng trưởng trong quý I chạm mức thấp nhất trong ba năm với mức 5,2%, chủ yếu là do xuất khẩu mặt hàng điện tử sụt giảm.
Tuy gặp phải một số trở ngại, nhưng HSBC cho rằng triển vọng tăng trưởng của Việt Nam vẫn còn rất hứa hẹn và có thể được duy trì với điều kiện môi trường bên ngoài diễn biến tích cực và các cải cách kinh tế vẫn tiếp tục.
Trong tháng 6 vừa qua, chỉ số PMI cũng tăng lên 52,5 điểm sau khi được ghi nhận giảm sút trong tháng 5. Số lượng đơn hàng mới trong và ngoài nước đều cao hơn đã hỗ trợ cho sản lượng và nhân công tiếp tục tăng nhanh hơn so tháng trước.
Về lạm phát, HSBC cho biết chỉ số này đã hạ nhiệt so với cùng kỳ năm ngoái và là tháng giảm thứ năm liên tiếp (giảm 0,2 điểm phần trăm so với tháng 5). Tuy nhiên, nhìn chung, lạm phát toàn phần trung bình trong nửa đầu năm vẫn đạt 4,1% so với mức tăng 3,6% của nửa cuối năm 2016.
Gần đây HSBC đã điều chỉnh giảm dự báo chỉ số lạm phát năm nay và năm tới lần lượt xuống còn 2,6% và 2,8% so cùng kỳ năm (từ mức 4,4% và 4%), trong bối cảnh quỹ đạo lạm phát chậm lại suốt đầu năm.
Dẫu vậy, các chuyên gia ngân hàng này lưu ý vẫn có những rủi ro đang tăng lên trong nửa cuối năm, khi chi phí y tế tiếp tục gia tăng trong lúc các chính sách cải tổ trợ giá đang tiếp tục. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính dự báo áp lực về giá tăng lên trong dài hạn, do điều chỉnh tăng lương có khả năng bắt đầu vào tháng 7 và điều kiện thời tiết không thuật lợi trong nửa cuối năm.