Hướng dẫn mới về hải quan với hàng hóa xuất, nhập khẩu qua biên giới


Nhằm bảo đảm điều kiện thông thoáng cho hoạt động thương mại biên giới, ngày 15/11/2019, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 80/2019/TT-BTC hướng dẫn thủ tục hải quan, quản lý thuế, phí và lệ phí đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu theo Nghị định số 14/2018/NĐ-CP về hoạt động thương mại biên giới. Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Như vậy, từ ngày 01/01/2020, các thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại biên giới; Cơ quan hải quan, công chức hải quan và các cơ quan, tổ chức, quản lý điều hành hoạt động thương mại biên giới; Và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động thương mại biên giới thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

Cụ thể, đối với hàng hóa nhập khẩu thương nhân mua gom của cư dân biên giới, các nghĩa vụ về thuế, phí và lệ phí thực hiện theo quy định sau:

Một là, Thương nhân khi thực hiện mua gom hàng hóa của cư dân biên giới tại khu vực chợ biên giới theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 14 Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 của Chính phủ phải lập bảng kê mua gom hàng hóa theo mẫu BK-MGHCDBG 2019/HQVN tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

Hai là, Thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu thương nhân mua gom của cư dân biên giới thực hiện như đối với hàng hóa nhập khẩu của thương nhân qua cửa khẩu biên giới được hướng dẫn tại Điều 3 Thông tư này; thương nhân nộp bản chính các tờ khai hàng nhập khẩu cư dân biên giới theo mẫu HQ2019/TKNKBG tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này và bản chính bảng kê mua gom hàng hóa theo mẫu quy định tại khoản 1 Điều này để thay thế hợp đồng, hóa đơn thương mại; thương nhân phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế, phí và lệ phí đối với hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật.

Thời hạn nộp hồ sơ hải quan chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày mua gom hàng hóa.

Ba là, Thương nhân mua gom hàng hóa của cư dân biên giới tại khu vực chợ biên giới phải thực hiện đăng ký, khai hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu gần nhất nơi đã mua gom hàng hóa.

Bốn là, Thương nhân mua gom hàng hóa nhập khẩu của cư dân biên giới chỉ được bán hoặc vận chuyển hàng hóa đã mua gom ra khỏi khu vực chợ biên giới hoặc các địa điểm tập kết, kiểm tra hàng hóa quy định tại khoản 5 Điều này vào nội địa khi đã hoàn thành thủ tục hải quan, nộp đầy đủ thuế và các khoản thu khác (nếu có) theo quy định của pháp luật. Thương nhân được sử dụng tờ khai hải quan đã hoàn thành thủ tục hải quan để làm chứng từ lưu hành, vận chuyển hàng hóa vào nội địa.

Năm là, hàng hóa thương nhân mua gom của cư dân biên giới khi làm thủ tục nhập khẩu phải tập kết để đảm bảo công tác kiểm tra hàng hóa tại các địa điểm sau: khu vực cửa khẩu; địa điểm kiểm tra tập trung hoặc địa điểm tập kết, kiểm tra hàng hóa ở biên giới; các địa điểm khác đã được cơ quan Hải quan công nhận hoặc thành lập ở khu vực biên giới.

Ngoài ra, Thông tư số 80/2019/TT-BTC còn hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm quản lý nhà nước của cơ quan Hải quan trong hoạt động thương mại biên giới.

Theo đó, Tổng cục Hải quan phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai hướng dẫn, quản lý hoạt động thương mại biên giới đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Tổng cục Hải quan có trách nhiệm xây dựng phần mềm quản lý, in, tiếp nhận đăng ký tờ khai hàng xuất khẩu, nhập khẩu của cư dân biên giới và phần mềm quản lý, tính thuế đối với tờ khai hàng nhập khẩu, hàng xuất khẩu cư dân biên giới đáp ứng quản lý hàng hóa nhập khẩu miễn thuế quy định tại Điều 13 Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 của Chính phủ; phần mềm quản lý, tính thuế được kết nối với phần mềm quản lý tờ khai hàng xuất khẩu, nhập khẩu của cư dân biên giới để tính và thu thuế.

Trong trường hợp cơ quan hải quan chưa có phần mềm quản lý tờ khai hàng xuất khẩu, nhập khẩu của cư dân biên giới, thì Chi cục Hải quan cửa khẩu sẽ mở sổ theo dõi, tiếp nhận đăng ký tờ khai hàng xuất khẩu, nhập khẩu của cư dân biên giới theo mẫu sổ STDHCDBG 2019/HQVN tại Phụ lục III ban hành kèm Thông tư này.

Tổng cục Hải quan có trách nhiệm xây dựng Hệ thống dữ liệu giá theo Danh mục hàng hóa mua bán, trao đổi cư dân biên giới để phục vụ công tác tham vấn, tham chiếu khi cần thiết.

Bên cạnh đó, các Chi cục Hải quan cửa khẩu thực hiện quản lý, kiểm tra, giám sát hải quan đối với phương tiện vận tải của cá nhân, tổ chức qua lại khu vực biên giới theo quy định tại Điều 81 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 49 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ và Thông tư số 50/2018/TT-BTC ngày 23/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính giao Tổng cục Hải quan xây dựng phần mềm quản lý phương tiện vận tải của cá nhân, tổ chức qua lại khu vực biên giới. Trường hợp chưa có phần mềm quản lý phương tiện vận tải, Chi cục Hải quan cửa khẩu mở sổ quản lý phương tiện vận tải (theo mẫu QLPT-BG 2019/HQVN tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này) để quản lý phương tiện vận tải của cá nhân, tổ chức qua lại khu vực biên giới đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Nhằm bảo đảm tạo điều kiện thông thoáng cho hoạt động thương mại biên giới, vừa thực hiện tốt công tác quản lý hải quan, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan căn cứ vào hướng dẫn tại Thông tư này hướng dẫn đến các đơn vị hải quan thực hiện thống nhất.

Cơ quan hải quan nơi có thẩm quyền thực hiện thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế trong hoạt động thương mại biên giới theo đúng quy định tại Thông tư này. Trường hợp có phát sinh vướng mắc, cơ quan hải quan, người khai hải quan, người nộp thuế báo cáo, phản ánh cụ thể về Bộ Tài chính (qua Tổng cục Hải quan) để được xem xét, hướng dẫn giải quyết.