Hướng dẫn quản lý giao dịch trái phiếu chính phủ
Có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2017, Thông tư số 10/2017/TT-BTC ngày 6/2/2017, Bộ Tài chính ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 234/2012/TT-BTC ngày 28 /12 /2012 hướng dẫn quản lý giao dịch Trái phiếu Chính phủ (TPCP), trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và Trái phiếu chính quyền địa phương. .
Theo đó, Thông tư 10/2017/TT-BTC có nội dung sửa đổi, bổ sung các vấn đề liên quan đến phân loại thành viên; chế tài chấm dứt tư cách thành viên; hình thức báo cáo; niêm yết và quản lý giao dịch; nghĩa vụ công bố thông tin của thành viên giao dịch thông thường. Cụ thể:
Về phân loại thành viên, ngoài thành viên giao dịch thông thường và thành viên giao dịch đặc biệt trên thị trường giao dịch TPCP tại
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội quy định tại Thông tư số 234/2012/TT-BTC, Thông tư này bổ sung thêm quy định Kho bạc Nhà nước tham gia thị trường giao dịch TPCP theo quy định tại Nghị định số 24/2016/NĐ-CP ngày 5/4/2016 của Chính phủ quy định chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước.
Theo đó, Kho bạc Nhà nước được thực hiện giao dịch mua bán lại TPCP trên hệ thống giao dịch TPCP tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội với thời hạn không quá 3 tháng, nộp giá dịch vụ giao dịch theo quy định của pháp luật được sử dụng hệ thống giao dịch và các dịch vụ do
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam cung cấp.
Kho bạc Nhà nước không phải tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn làm thành viên, đăng ký làm thành viên, nghĩa vụ của thành viên, chế độ báo cáo của thành viên quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 9 Thông tư này.
Về chế tài chấm dứt tư cách thành viên, ngoài các quy định tại Thông tư số 234/2012/TT-BTC, Thông tư 10 đã bổ sung thêm quy định thành viên bị buộc chấm dứt tư cách thành viên khi giải thể, phá sản, tạm ngừng hoạt động hoặc bị thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động; Hoặc tổ chức chấm dứt tồn tại sau khi hợp nhất (công ty bị hợp nhất), sáp nhập (công ty bị sáp nhập), chia (công ty bị chia); hoặc tổ chức hình thành sau khi sáp nhập (công ty nhận sáp nhập), tách (công ty bị tách) nhưng không đáp ứng một trong các điều kiện quy định tại Điều 4 Thông tư này;
Thành viên báo cáo cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội bằng dữ liệu điện tử thông qua hệ thống tiếp nhận báo cáo và công bố thông tin của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Trong trường hợp cần thiết,
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội có quyền yêu cầu thành viên báo cáo bằng văn bản.
Về niêm yết và quản lý giao dịch, Thông tư 10 quy định loại TPCP niêm yết bao gồm: Trái phiếu Chính phủ; Trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh; Trái phiếu chính quyền địa phương.
Quy trình niêm yết Trái phiếu kho bạc được thực hiện theo Điều 38 Thông tư số 111/2015/TT-BTC ngày 28/7/2015; quy trình niêm yết tín phiếu kho bạc được thực hiện theo Điều 18 Thông tư Liên tịch số 92/2016/TTLT-BTC-NHNN ngày 27/6/2016; Quy trình niêm yết trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh được thực hiện theo Điều 13 Thông tư 99/2015/TT-BTC ngày 29/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
Về công bố thông tin, Thông tư 10 quy định thành viên giao dịch thông thường thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định tại Thông tư số 155/2015/TT-BTC ngày 6/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Thông tư 10 cũng quy định chi tiết giao dịch TPCP tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội được thực hiện thông qua thành viên, thanh toán qua Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam và ngân hàng thanh toán.
Về quy định liên quan đến giao dịch mua bán thông thường, giao dịch mua bán lại, Thông tư 10 đã bổ sung quy định kết quả giao dịch phải được báo cáo và nhập vào hệ thống giao dịch trong cùng ngày làm việc sau khi các bên thỏa thuận xong về giao dịch. Thông tin báo cáo thực hiện theo hướng dẫn của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Điểm đáng chú ý tại Thông tư 10/2017/TT-BTC là đã bổ sung quy định TPCP tương đương có thể chuyển giao là TPCP niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và được sử dụng để thanh toán thay cho TPCP gốc trong giao dịch TPCP trong trường hợp không có đủ TPCP gốc để thanh toán; TPCP tương đương có thể chuyển giao được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên tham gia giao dịch. Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội quy định cụ thể về cơ chế sử dụng trái phiếu tương đương có thể chuyển giao trong các giao dịch TPCP.