Bộ Tài chính:
Hướng dẫn tái cơ cấu doanh nghiệp không đủ điều kiện cổ phần hóa
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BTC hướng dẫn tái cơ cấu doanh nghiệp (DN) không đủ điều kiện cổ phần hóa (CPH) và chuyển nhượng lô cổ phần kèm nợ phải thu của DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán, xử lý nợ.
Thông tư số 05/2022/TT-BTC ngày 8/2/2022 của Bộ Tài chính nêu rõ, việc tái cơ cấu DN không đủ điều kiện CPH thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 và Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30/11/2020 của Chính phủ.
Đối với chuyển nhượng lô cổ phần kèm nợ phải thu của DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán, xử lý nợ theo quy định tại khoản Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 của Chính phủ, Nghị định số 140/2020/NĐ-CP và Nghị định số 129/2020/NĐ-CP ngày 27/10/2020 của Chính phủ.
Xử lý tài chính DN tái cơ cấu phải đảm bảo công khai, minh bạch
Theo Thông tư số 05/2022/TT-BTC, phương án tái cơ cấu được thực hiện trên nguyên tắc đồng thuận giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu DN tái cơ cấu với Công ty Mua bán nợ Việt Nam và/hoặc các chủ nợ tham gia tái cơ cấu. Công ty Mua bán nợ Việt Nam được quyền chủ động đàm phán mua nợ với các chủ nợ và đề xuất phương án tái cơ cấu DN phù hợp với quy định của pháp luật.
Công ty Mua bán nợ Việt Nam chỉ quyết định mua nợ sau khi đã thỏa thuận, thống nhất với cơ quan đại diện chủ sở hữu và có kết quả đàm phán mua nợ với các chủ nợ của DN tái cơ cấu.
Trường hợp phương án mua nợ để tái cơ cấu DN không khả thi và hiệu quả thì Ban chỉ đạo CPH/tái cơ cấu báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định hình thức chuyển đổi khác theo quy định của pháp luật.
Quy trình tái cơ cấu DN để chuyển thành công ty cổ phần bao gồm các bước cơ bản sau: Xây dựng phương án tái cơ cấu; Tổ chức thực hiện phương án tái cơ cấu; Hoàn tất việc chuyển DN thành công ty cổ phần.
Về xử lý tài chính khi xác định giá trị DN, Thông tư nêu rõ, DN tái cơ cấu thực hiện xử lý tài chính khi xác định giá trị DN theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Nghị định số 140/2020/NĐ-CƠ và Thông tư số 46/2021/TT-BTC ngày 23/6/2021 của Bộ Tài chính.
Việc xử lý tài chính đối với DN tái cơ cấu phải gắn với phương án tái cơ cấu đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt. Đồng thời, khi xử lý tài chính đối với DN tái cơ cấu phải đảm bảo công khai, minh bạch và chấp hành đúng các quy định của pháp luật.
Tại thời điểm xác định giá trị DN, căn cứ phương án tái cơ cấu đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt Công ty Mua bán nợ Việt Nam xem xét, giảm trừ nghĩa vụ trả nợ tối đa bằng số âm vốn chủ sở hữu theo Quyết định của cơ quan đại diện chủ sở hữu về xác định giá trị DN trừ đi phần giảm trừ nghĩa vụ trả nợ của các chủ nợ khác. Các chủ nợ khác quyết định giảm trừ nghĩa vụ trả nợ cho DN tái cơ cấu theo thỏa thuận giữa các bên.
Từ thời điểm xác định giá trị DN đến thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần, DN tái cơ cấu tiếp tục xử lý tài chính theo quy định. Trong đó, lợi nhuận phát sinh được phân phối theo quy định hiện hành đối với DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; DN thực hiện các nghĩa vụ với ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành.
Về xử lý số cổ phần không bán hết, DN tái cơ cấu có trách nhiệm thực hiện xử lý số cổ phần không bán hết theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Nghị định số 140/2020/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 32/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Trường hợp không bán hết số cổ phần cho các nhà đầu tư theo phương thức thỏa thuận sau khi bán đấu giá công khai không thành công hoặc không bán hết số cổ phần chào bán của cuộc đấu giá công khai theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 8 Thông tư số 32/2021/TT-BTC thì Ban chỉ đạo CPH/tái cơ cấu xem xét, quyết định chào bán cho Công ty Mua bán nợ Việt Nam và các chủ nợ theo nguyên tắc thỏa thuận và giá bán cổ phần không thấp hơn mệnh giá.
Trường hợp Công ty Mua bán nợ Việt Nam và các chủ nợ vẫn không mua hết số cổ phần chào bán quy định tại khoản 1 Điều 8 thì Ban Chỉ đạo CPH/tái cơ cấu báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện điều chỉnh quy mô, cơ cấu vốn điều lệ để chuyển DN tái cơ cấu thành công ty cổ phần trước khi tổ chức Đại hội Đồng cổ đông lần thứ nhất.
Chuyển nhượng lô cổ phần kèm nợ phải thu thực hiện theo hình thức đấu giá công khai
Thông tư số 05/2022/TT-BTC quy định, toàn bộ số lượng cổ phần chào bán và khoản nợ phải thu kèm theo được xác định là một lô. Nhà đầu tư tham gia phải mua cả lô cổ phần kèm nợ phải thu. Công ty cổ phần có vốn góp và nợ phải thu của DN mua bán nợ không được tham gia đấu giá, chào giá cạnh tranh, thỏa thuận cả lô cổ phần kèm nợ phải thu của chính DN mình.
Trình tự phương thức chuyển nhượng lô cổ phần kèm nợ phải thu của DN mua bán nợ thực hiện theo trình tự phương thức chuyển nhượng vốn ra ngoài DN quy định tại Nghị định số 91/2015/NĐ-CP, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP và Nghị định số 140/2020/NĐ-CP.
Việc chuyển nhượng lô cổ phần kèm nợ phải thu tại các công ty cổ phần đã đăng ký giao dịch/niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán thực hiện theo hình thức đấu giá công khai. Trường hợp đấu giá công khai không thành công thì thực hiện theo hình thức chào bán cạnh tranh.
Trường hợp chỉ có 01 nhà đầu tư là đối tượng tham gia đã nộp hồ sơ hợp lệ và thực hiện đầy đủ các thủ tục tham dự phiên chào bán cạnh tranh theo quy định của quy chế phiên chào bán cạnh tranh thì thực hiện chuyển nhượng lô cổ phần kèm nợ phải thu theo hình thức thỏa thuận trực tiếp.
Đối với Công ty Mua bán nợ Việt Nam, việc chuyển nhượng lô cổ phần kèm nợ phải thu thực hiện theo quy định tại Nghị định số 129/2020/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn.
Bên cạnh các nội dung trên, Thông tư cũng quy định chi tiết các nội dung về giá khởi điểm; tổ chức thực hiện đấu giá; lập hồ sơ đấu giá và công bố thông tin; thực hiện bán đấu giá; xác định kết quả đấu giá; xử lý kết quả đấu giá; chào bán cạnh tranh, thỏa thuận...
Thông tư số 05/2022/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2022.