Hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư:
Hỗ trợ nhà đầu tư trong thu xếp tài chính
Nhiều quy định mới tại Nghị định số 71/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị định số 71/2025/NĐ-CP, ngày 28/03/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) có hiệu lực từ ngày 28/03/2025 là bỏ quy định cơ quan ký kết hợp đồng chỉ thanh toán tối đa 50% giá trị khối lượng đối với tiểu dự án sử dụng vốn đầu tư công trong dự án PPP (khi doanh nghiệp dự án đã hoàn thành công trình thuộc tiểu dự án).
Thay vào đó, bổ sung quy định thanh toán đối với tiểu dự án sử dụng vốn đầu tư công với nội dung: Trường hợp dự án PPP có tiểu dự án sử dụng vốn đầu tư công theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 70 của Luật PPP, việc thanh toán đối với công trình, hạng mục công trình hoàn thành của tiểu dự án thực hiện theo tiến độ, giá trị, khối lượng hoàn thành được thống nhất giữa cơ quan ký kết hợp đồng và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án tại hợp đồng dự án. Điều này nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư trong việc huy động vốn và thu xếp tài chính của toàn bộ dự án PPP.
Một nội dung mới nữa của Nghị định số 71/2025/NĐ-CP là về thời gian thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án PPP theo hướng rút ngắn thời gian.
Theo đó, thời gian thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án PPP được tính kể từ ngày có quyết định thành lập Hội đồng thẩm định hoặc kể từ ngày đơn vị được giao nhiệm vụ thẩm định nhận đủ hồ sơ hợp lệ hoặc kể từ ngày nhận được báo cáo thẩm tra đối với trường hợp thuê tư vấn thẩm tra.
Cụ thể: (1) Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ: thời gian thẩm định rút ngắn từ không quá 45 ngày xuống còn không quá 30 ngày; (2) Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác, HĐND cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh: không quá 14 ngày (quy định cũ là không quá 30 ngày); (3) Đối với dự án thuộc trường hợp chỉ cần lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng: không quá 10 ngày.
Trường hợp dự án có yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quyết định thời gian thẩm định phù hợp.
Ngoài ra, Nghị định số 71/2025/NĐ-CP cũng rút ngắn thời gian thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án PPP.
Theo đó, thời gian thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án PPP được tính kể từ ngày có quyết định thành lập Hội đồng thẩm định hoặc kể từ ngày đơn vị được giao nhiệm vụ thẩm định nhận đủ hồ sơ hợp lệ hoặc kể từ ngày nhận được báo cáo thẩm tra đối với trường hợp thuê tư vấn thẩm tra.
Cụ thể, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ: thời gian thẩm định rút ngắn từ không quá 90 ngày xuống còn không quá 30 ngày; dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác, Chủ tịch UBND cấp tỉnh: không quá 14 ngày (quy định cũ là không quá 60 ngày), đối với dự án quy định tại các khoản 2a, 2b và 2c Điều 11 của Luật PPP: không quá 10 ngày.
Trường hợp dự án có yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quyết định thời gian thẩm định phù hợp…