Hướng tới chuyển đổi xanh tại các loại hình giao thông vận tải
Ngành Giao thông vận tải đang nỗ lực thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan để góp phần bảo vệ môi trường.
Trong các loại hình vận tải, đường bộ là nguồn phát thải CO2 cao nhất, chiếm khoảng 80% lượng phát thải toàn Ngành. Tiếp đến là vận tải đường thủy chiếm 10%; hàng không chiếm 6%, đường sắt không đáng kể.
Với lượng phát thải chiếm tới 80%, lộ trình chuyển đổi xanh của đường bộ nhận được nhiều sự quan tâm, hưởng ứng triển khai từ các địa phương, doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, các đô thị lớn với hệ thống giao thông đô thị dày đặc đang tiên phong với nhiều giải pháp thiết thực.
Tại TP. Hà Nội có hơn 2.000 xe buýt, trong đó có 277 xe điện và xe sử dụng nhiên liệu sạch CNG, chiếm 13,6% tổng số phương tiện. Trong nỗ lực xanh hóa, TP. Hà Nội đã cấp phép hoạt động cho hàng nghìn xe taxi điện; đưa xe đạp, xe đạp điện công cộng vào phục vụ nhu cầu đi lại của người dân tại một số quận nội thành.
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đi vào hoạt động năm 2021 cũng đã cho thấy hiệu quả về giảm thiểu ùn tắc giao thông, giảm phương tiện cá nhân cũng như khói bụi thải ô nhiễm môi trường. Bước đầu, người dân đã thay đổi thói quen sử dụng xe cá nhân, chuyển sang tàu điện, xe buýt các loại xe điện.
Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã trình Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh. Mục tiêu là tỷ lệ phương tiện xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh đến năm 2030 đạt khoảng 70 – 90% và đến năm 2035 đạt 100%. Qua đó, góp phần giảm trên 170 tấn CO2/năm cho Thành phố.
Còn tại TP. Hồ Chí Minh, UBND Thành phố đã giao Sở Giao thông vận tải chủ trì hoàn thiện Đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông trên địa bàn. Trong đó, Đề ra kế hoạch chuyến đổi phương tiện giao thông công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng xanh; các cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích, ưu đãi và lộ trình chuyển đổi phương tiện xanh đường bộ, các giải pháp triển khai có phân vùng kiểm soát khí thải phương tiện… Dự kiến, Đề án sẽ hoàn thành trong quý II/2025.
Theo Bộ Giao thông vận tải, một trong những ưu tiên của Ngành là chuyển đổi phương tiện ô tô chạy xăng, dầu sang ô tô điện. Bộ này hiện đang tổng hợp xây dựng báo cáo đề xuất chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang sử dụng xe ôtô điện với một khung chính sách toàn diện, bao gồm: Chính sách khuyến khích sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu; chính sách khuyến khích, hỗ trợ người tiêu dùng; chính sách phát triển hạ tầng trạm sạc điện….
Bộ Giao thông vận tải cũng sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn nhằm thúc đẩy chuyển đổi sử dụng xe điện, như: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ôtô, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng nghỉ đường bộ… Đây sẽ là cơ sở để tăng nhanh số lượng xe điện trong thời gian tới.
Với ngành Hàng không, mới đây, Hiệp hội Vận tải hàng không thế giới (IATA) đã công bố lộ trình đạt mục tiêu Net-Zero, 320 hãng hàng không thành viên (chiếm 83% lưu lượng vận chuyển hàng không toàn cầu) đều phải hướng tới. Động lực để thực hiện lộ trình Net-Zero bao gồm 3 yếu tố: công nghệ máy bay, năng lượng và hạ tầng, quy trình vận hành.
Trong đó, đặc biệt khuyến khích chuyển đổi nguồn năng lượng phát thải thấp bởi do đặc thù nhiên liệu bay, hàng không được xếp vào loại hình vận tải khó giảm phát thải nhất. Tại Việt Nam, 3 hãng hàng không Vietnam Airlines, VietJet Air và Bamboo Airlines là thành viên IATA và cũng đang theo đuổi mục tiêu Net-Zero như một yêu cầu bắt buộc.
Giảm phát thải cũng là yêu cầu tương tự đối với ngành Hàng hải, khi phần lớn khối tượng hàng hóa trên thế giới được vận chuyển bằng đường biển. Tháng 7/2023, Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đã thống nhất giảm tổng lượng khí thải nhà kính hàng năm của ngành Vận tải biển đạt mức phát thải các-bon ròng về gần mức zero năm 2050. Và bất kỳ con tàu thương mại nào khi di chuyển trên các tuyến đường biển quốc tế đều phải góp phần vào mục tiêu này, trong đó có tàu biển của Việt Nam.
Trước yêu cầu quốc tế và trong nước, không ngạc nhiên khi Giao thông vận tải là một trong những ngành đầu tiên có Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan, chỉ vài tháng sau khi Chính phủ khẳng định cam kết Net-Zero tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP26. Chương trình đề ra lộ trình chuyển đổi xanh cụ thể cho 6 lĩnh vực: đường bộ, đường sắt, thủy nội địa, hàng không, hàng hải, giao thông đô thị; trong đó nhấn mạnh phải thúc đẩy chuyển đổi nhiên liệu và xây dựng hạ tầng giao thông xanh.
Theo đó, trước mắt, giai đoạn đến năm 2030 sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với các lĩnh vực thuộc ngành Giao thông vận tải đã sẵn sàng về mặt công nghệ, thể chế, nguồn lực nhằm thực hiện mức cam kết trong NDC và mục tiêu giảm phát thải khí mê-tan của Việt Nam.
Giai đoạn đến năm 2050, sẽ phát triển hợp lý các phương thức vận tải, thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi toàn bộ phương tiện, trang thiết bị, hạ tầng giao thông vận tải sang sử dụng điện, năng lượng xanh, hướng đến phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050.