Hướng tới hệ thống ngân hàng an toàn
Với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành ngân hàng, kết quả tái cơ cấu ngân hàng đã và đang đi đúng mục tiêu, định hướng và lộ trình, việc NHNN mua bắt buộc các tổ chức tín dụng (TCTD) là một giải pháp cần thiết, có cơ sở pháp lý và phù hợp… Đó là những thông tin được các ĐBQH và chuyên gia đưa ra tại tọa đàm Nhu cầu hoàn thiện pháp luật nhằm thúc đẩy tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu và đáp ứng yêu cầu hội nhập (WTO, TPP, AEC) do Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức ngày 26.10, tại Hà Nội.
Tái cơ cấu, xử lý nợ xấu đã đi đúng mục tiêu
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức về điều kiện kinh tế, pháp lý, nhưng đến nay về cơ bản Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD đã được ngành ngân hàng triển khai quyết liệt, đồng bộ, theo đúng mục tiêu, nguyên tắc định hướng và lộ trình đề ra.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia về tài chính, tiền tệ và ngân hàng, năm 2011 trước khi bắt đầu tái cơ cấu, lạm phát trên 20%, lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng 25 - 35%, còn lãi suất cho vay doanh nghiệp và dân cư 19 - 26%. Các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất, hằng ngày dân cư và doanh nghiệp rút vốn từ ngân hàng này gửi sang ngân hàng khác liên tục. Lãi suất ngắn hạn cao hơn dài hạn, đường cong lãi suất chuẩn bị phá hủy. Hầu hết các ngân hàng, kể cả ngân hàng lớn, có nguy cơ mất khả năng thanh toán... Tuy nhiên, với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành ngân hàng và cả hệ thống chính trị, kết quả tái cơ cấu, xử lý nợ xấu đã và đang đi đúng mục tiêu, định hướng và lộ trình.
Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, chúng ta tiến hành chương trình tái cấu trúc với 3 cấu phần: Củng cố thanh khoản, bảo đảm quyền lợi cho người gửi tiền, xử lý ngay lập tức các ngân hàng yếu kém; lành mạnh hóa tài chính; chấn chỉnh quản trị, kỷ cương kỷ luật. “Kết quả là, ngân hàng Trung ương đã kiểm soát được lạm phát, không những ngăn ngừa được khủng hoảng tài chính mà cả khủng hoảng kinh tế, củng cố vị thế của Việt Nam với các nhà đầu tư, nâng tín nhiệm quốc gia, củng cố lòng tin của dân chúng và doanh nghiệp. Nền tảng tài chính hệ thống ngân hàng dần dần ổn định, lành mạnh, tạo tiền đề cho hiện đại hóa hệ thống ngân hàng. 14 tổ chức được các tổ chức tài chính xếp hạng BB và B2 và triển vọng tài chính ổn định mà trước đây trong thời kỳ thịnh vượng chúng ta mới chỉ có một vài ngân hàng được đánh giá như vậy “ - TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm trên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên bày tỏ, cho đến thời điểm này, chúng ta có thể vững tâm và hơn 90 triệu cử tri cũng có thể vững tâm về một hệ thống ngân hàng đã an toàn hơn. Nói rộng ra là hệ thống tiền tệ của chúng ta đã được bảo đảm. Và đúng như nhận định của Chính phủ thì an ninh tiền tệ của chúng ta đã được bảo đảm và giữ vững.
Mua ngân hàng yếu kém - bước đi đột phá
Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, trong đó có bước đi đột phá là mua ngân hàng yếu kém đã đạt được những kết quả không chỉ “cân đong, đo đếm” bằng định lượng với những con số ấn tượng là 17 tổ chức tín dụng đã chấm dứt sự tồn tại và đã được xử lý trong trật tự của pháp luật, hàng triệu người gửi tiền được bảo vệ, hàng nghìn doanh nghiệp được phục hồi vượt qua khó khăn; mà quan trọng hơn là ổn định hệ thống, tạo niềm tin, sự đồng thuận của nhân dân với việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Kết quả đó khẳng định nỗ lực, trách nhiệm, sự quyết tâm và vượt qua khó khăn của ngành ngân hàng để tái cơ cấu đến cùng TCTD yếu kém và không để xảy ra đổ vỡ ngân hàng ngoài tầm kiểm soát của Nhà nước.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Văn phòng luật sư Basico cho rằng, việc mua ngân hàng thực chất là mua toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng, là để bảo vệ lợi ích của người gửi tiền và cũng là để bảo đảm an toàn hệ thống. NHNN mua lại với giá 0 đồng do giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ của ngân hàng không còn, theo đó cổ phần cũng không còn giá trị. Sau khi ngân hàng được mua lại, đương nhiên các cổ đông đó không còn bất cứ quyền lợi gì liên quan đối với ngân hàng đó. Với đầy đủ cơ sở pháp lý, việc mua ngân hàng với giá 0 đồng là bảo đảm sự an toàn của hệ thống và quyền lợi của người gửi tiền.
Câu hỏi đặt ra tiếp theo là việc mua ngân hàng 0 đồng có sử dụng tiền ngân sách nhà nước không? TS. Trần Du lịch, ĐBQH TP Hồ Chí Minh cho rằng, tái cơ cấu ngân hàng hiện chỉ xử lý bằng cơ chế, chứ không bằng tiền. Ngân hàng Nhà nước đi mua 3 ngân hàng cũng bằng cơ chế chứ không bỏ tiền ra và trả nợ thay. Nếu NHNN đi xin tiền để xử lý thì chắc ĐBQH sẽ lắc đầu hết. Mà ở Việt Nam hiện nay, ngoài NHNN, không tổ chức kinh tế nào đủ tiềm lực và uy tín để mua lại 3 ngân hàng như thế để rồi củng cố và người dân vẫn gửi tiền vào.
TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết thêm, thực ra NHNN không tốn đồng nào. Họ không “xòe tiền” ra mua lại tài sản, mà mua để chấn chỉnh lại hệ thống của ngân hàng đó, sau đó bán lại cho một ngân hàng khỏe mạnh hơn. Trong trường hợp đặc biệt, NHNN có thể cho vay tái cấp vốn đặc biệt đối với ngân hàng này theo quy định của pháp luật. Do đó, những ngân hàng được mua 0 đồng cho đến giờ vẫn hoạt động khá ổn định và có thể phục hồi hoạt động cùng với sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách và can thiệp cần thiết của Nhà nước.
Thành công trong tái cơ cấu của hệ thống ngân hàng là nhân tố quan trọng hỗ trợ cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, góp phần bảo đảm an toàn hệ thống tài chính tiền tệ quốc gia, bảo vệ hàng triệu khách hàng và doanh nghiệp gửi tiền. Người dân và nền kinh tế có thể yên tâm hơn về một hệ thống tổ chức tín dụng ổn định hơn, vững vàng hơn. Một diện mạo mới của hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng đã được thể hiện: gọn ghẽ, an toàn, và có kỷ luật kỷ cương hơn đã được thiết lập. Các tổ chức quốc tế ghi nhận đánh giá tích cực, góp phần nâng hạng tín nhiệm quốc tế và củng cố vị thế của Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga: Qua theo dõi thực tế diễn biến quá trình tái cơ cấu các TCTD thời gian qua cho thấy việc NHNN mua bắt buộc các TCTD là một giải pháp cần thiết, phù hợp và giải quyết đồng thời được 3 vấn đề lớn là. Đó là: bảo đảm an toàn hệ thống, an ninh kinh tế, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền; bảo đảm sự công bằng cho các bên tham gia vào quá trình sở hữu, hoạt động ngân hàng.