Hướng tới mục tiêu kho bạc số, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng
Hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) đang ngày càng tiến gần mục tiêu trở thành kho bạc số - ở đó mọi tác nhân đều tương tác trên nền tảng số, theo chính sách và quy trình nghiệp vụ được cải cách, lấy người dùng trong và ngoài ngành làm trung tâm phục vụ.
Tăng cường các ứng dụng công nghệ thông tin
Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2025, cơ bản toàn bộ các giao dịch thu, chi ngân sách nhà nước qua kho bạc được thực hiện theo phương thức điện tử (trừ các giao dịch thuộc phạm vi bí mật nhà nước); liên thông dữ liệu số của các khâu lập dự toán, phân bổ, chấp hành, kế toán, kiểm toán và quyết toán ngân sách; chia sẻ thông tin, dữ liệu thu, chi ngân sách theo thời gian thực; hoàn thiện cơ chế kiểm soát chi ngân sách theo hướng kiểm soát theo rủi ro. Sau năm 2025, tập trung nghiên cứu, phát triển các dịch vụ theo nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước; đến năm 2030, hoàn thành xây dựng kho bạc số.
Để tiến gần đến mục tiêu này, KBNN đã nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý hiệu quả ngân sách, ngân quỹ và phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Hiện tại, KBNN đang duy trì 4 hệ thống công nghệ thông tin về quản lý ngân sách. KBNN đã liên thông các hệ thống trên để cán bộ kho bạc chỉ phải tác nghiệp ở hệ thống nguồn là dịch vụ công trực tuyến. Cho đến nay, 100% đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện các khoản chi ngân sách qua dịch vụ công trực tuyến, tỷ lệ giao dịch đạt trên 99,6% và KBNN đang bổ sung các tính năng của chương trình để phục vụ khách hàng tốt nhất. Số thu, chi ngân sách nhà nước bằng tiền mặt qua hệ thống kho bạc chỉ còn chiếm tỷ lệ dưới 1%.
Đáng chú ý, KBNN đã hoàn thiện liên thông dữ liệu giữa các hệ thống công nghệ thông tin của KBNN phục vụ kiểm soát chi đầu tư, góp phần đẩy nhanh tốc độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Đẩy mạnh thanh toán tự động điện nước, viễn thông thông qua ủy quyền của các đơn vị sử dụng ngân sách. Hoàn thành kiểm thử dịch vụ thanh toán, chi trả cho cá nhân qua tài khoản mở tại ngân hàng thương mại của đơn vị giao dịch tham gia dịch vụ công trực tuyến. Kiểm thử chương trình quản lý văn bản điều hành tập trung; đưa vào hoạt động hệ thống giám sát các hệ thống thông tin của KBNN.
Đặc biệt, KBNN đã nỗ lực triển khai các dự án công nghệ thông tin theo lộ trình triển khai Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030. Trong đó, tập trung vào dự án Nâng cấp hệ thống TABMIS và các ứng dụng hệ thống ngân sách và kế toán số (VDBAS); Chương trình quản lý, kiểm soát chi đầu tư, tổng hợp báo cáo đầu tư… Kết nối liên thông hệ thống dịch vụ công trực tuyến của KBNN với các phần mềm kế toán hành chính của các đơn vị sử dụng ngân sách (tính đến hết năm 2023, đã có trên 38.000/98.000 đơn vị tham gia kết nối, liên thông). Ngoài ra, KBNN còn thực hiện nâng cấp mới nhiều chương trình ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, an toàn bảo mật cho các hệ thống ứng dụng của hệ thống KBNN.
Trên thực tế, nỗ lực hiện đại hóa hoạt động nghiệp vụ của hệ thống KBNN đã được duy trì và đẩy mạnh trong nhiều năm qua. Nhờ đó, giảm thời gian đi lại, giảm chi phí hoạt động cho các đơn vị, công khai, minh bạch quá trình giải quyết hồ sơ, chứng từ chi ngân sách nhà nước, góp phần cải cách hiện đại hóa công tác kiểm soát chi, tiến tới thực hiện quy trình kiểm soát chi điện tử của KBNN. Có thể nói, nỗ lực hiện đại hóa hoạt động nghiệp vụ của hệ thống KBNN đã mang đến thành quả bao trùm.
Khách hàng là trọng tâm phục vụ
Trong Thông báo ý kiến kết luận tại cuộc họp Ban Cán sự Đảng bộ Bộ Tài chính về nhiệm vụ trọng tâm triển khai trong năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giao KBNN tiếp tục đẩy mạnh, triển khai nâng cấp, mở rộng, bổ sung các tiện ích hỗ trợ người sử dụng trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, với công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước, KBNN cần thực hiện thanh toán khối lượng hoàn thành cho các chủ đầu tư, đẩy mạnh thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến của KBNN để tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư, tăng tiến độ giải ngân của các dự án đầu tư công. Công khai, minh bạch trong quá trình xử lý hồ sơ, đảm bảo giao dịch thông suốt, liên tục, không để tồn đọng hồ sơ thanh toán mà không rõ lý do, phát sinh chi phí cho chủ đầu tư.
Để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho đơn vị giao dịch, nâng cao chất lượng hoạt động nghiệp vụ, thời gian tới, KBNN sẽ tiếp tục nâng cấp hệ thống dịch vụ công trực tuyến theo hướng: cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho khách hàng qua đa kênh, gồm cả kênh điện thoại di động (mobile); xây dựng và triển khai phân hệ lưu trữ điện tử đối với hồ sơ kiểm soát chi được thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng yêu cầu KBNN cần đẩy mạnh ứng dụng, hiện đại hóa công nghệ thông tin trong hệ thống KBNN; tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ để nâng cao chất lượng, hiệu quả và đảm bảo chặt chẽ trong công tác quản lý.
Theo KBNN, để thực hiện thành công Chiến lược phát triển đến năm 2030 mà ở đó, khách hàng vẫn là trọng tâm phục vụ, toàn hệ thống KBNN sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025 đồng bộ trên các lĩnh vực: thể chế, thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy, chế độ công vụ, tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Trong đó, sẽ tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục thu, chi ngân sách thuộc lĩnh vực kho bạc; nâng cấp và mở rộng một số chức năng Hệ thống dịch vụ công trực tuyến; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào các hoạt động nghiệp vụ và quản lý nội bộ của hệ thống.
Đồng thời, KBNN sẽ tiếp tục tổ chức công bố, công khai, niêm yết kịp thời các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN; tăng cường hướng dẫn, giải thích, cung cấp các thông tin về thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức giao dịch với KBNN để bảo đảm việc thực hiện thủ tục được thuận lợi.
Thời gian tới, toàn hệ thống KBNN tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, đề án, chính sách theo đúng lộ trình, tiến độ đã đề ra tại Chương trình hành động của Bộ Tài chính thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030. Đặc biệt, sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp để cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa các hoạt động nghiệp vụ, nhất là công tác kiểm soát chi và điều hành ngân quỹ nhà nước để ngày càng thuận lợi hơn nữa cho các đơn vị sử dụng ngân sách và khách hàng giao dịch.