Kho bạc Nhà nước: Đẩy mạnh cải cách hành chính, hướng tới Kho bạc số
Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước giai đoạn 2021-2030 đã đặt ra mục tiêu xây dựng Kho bạc Nhà nước theo hướng tinh gọn, hiện đại, tạo thuận lợi không chỉ cho khách hàng mà còn cho chính cán bộ công chức Kho bạc. Thực hiện Chiến lược trên, Kho bạc Nhà nước đã không ngừng đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hiện đại hóa các hoạt động nghiệp vụ của Kho bạc.
Đẩy mạnh cải cách hành chính đồng bộ
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, trong những năm vừa qua, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã đẩy mạnh CCHC đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực như: thể chế, thủ tục hành chính (TTHC), tổ chức bộ máy, cải cách chế độ công vụ, tài chính công và hiện đại hóa hành chính góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Theo đó, KBNN đã tập trung cải cách TTHC theo quan điểm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ công của KBNN và cũng là để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của KBNN. Cụ thể, KBNN đã rà soát, sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật có quy định TTHC thuộc lĩnh vực KBNN. Đặc biệt, kể từ khi Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/01/2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN được ban hành, TTHC thuộc lĩnh vực KBNN đã giúp cắt giảm nhiều thành phần hồ sơ; bãi bỏ nhiều chỉ tiêu của 43 mẫu tờ khai TTHC; giảm thời hạn giải quyết của tất cả TTHC; đồng thời, bổ sung thêm quy định việc gửi, nhận và trả kết quả kiểm soát chi ngân sách nhà nước qua Trang thông tin dịch vụ công của KBNN. Nhờ đó, đến nay, cơ chế, chính sách quy định về TTHC thuộc lĩnh vực KBNN ngày càng được hoàn thiện theo hướng vừa đẩy mạnh cải cách, vừa bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn.
“Điểm sáng” trong CCHC phải kể đến là việc hệ thống KBNN đã triển khai tiếp nhận và trả kết quả qua Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) từ năm 2018. Đến nay, cung cấp 100% thủ tục thực hiện DVCTT của KBNN mức độ 4 và tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Hệ thống DVCTT của KBNN đã góp phần rút ngắn thời gian giải ngân, tạo thuận lợi cho đơn vị sử dụng ngân sách trong quá trình nộp hồ sơ thanh toán, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 như thời gian vừa qua, công khai, minh bạch trong quá trình giải quyết hồ sơ TTHC và từng bước hướng tới kiểm soát chi điện tử.
KBNN đã tập trung xây dựng đội ngũ công chức có phẩm chất đạo đức, năng lực công tác, tinh thần trách nhiệm và tính chuyên nghiệp cao; sắp xếp hợp lý công chức tại từng bộ phận, từng đơn vị, phù hợp với việc kiện toàn tổ chức bộ máy, hiện đại hóa quy trình nghiệp vụ, đảm bảo đúng người đúng việc, nâng cao chất lượng phục vụ.
Bên cạnh đó, KBNN duy trì việc khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với chất lượng phục vụ của từng đơn vị trong hệ thống KBNN, kết quả năm 2022 đạt 94,5%.
Ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả hoạt động nghiệp vụ của KBNN
Song song với việc CCHC, KBNN tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các dự án công nghệ thông tin nhằm hiện đại hóa các hoạt động nghiệp vụ của KBNN; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng phục vụ đối với các đơn vị sử dụng ngân sá ch...
Theo đó, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, thời gian qua, KBNN đã vận hành Hệ thống DVCTT hoạt động ổn định, thông suốt phục vụ 100% đơn vị sử dụng ngân sách thuộc đối tượng bắt buộc tham gia sử dụng; số lượng giao dịch chi ngân sách nhà nước qua DVCTT đạt tỷ lệ trên 99,6%, lượng giao dịch trung bình mỗi ngày từ 100.000 đến 150.000 giao dịch, ngày cao điểm đầu tháng và cuối tháng từ 150.000 đến 200.000 giao dịch, ngày cao điểm cuối năm từ 400.000 đến 500.000 giao dịch.
Bên cạnh đó, KBNN đã ban hành theo thẩm quyền Quy định chuẩn kết nối và tích hợp phần mềm ứng dụng của các cơ quan, tổ chức vào hệ thống DVCTT của KBNN làm cơ sở để kết nối với hệ thống kế toán của các đơn vị sử dụng ngân sách nhằm liên thông dữ liệu chi ngân sách nhà nước và hồ sơ chi ngân sách nhà nước (DVC Gateway), qua đó nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ cho các đơn vị sử dụng ngân sách. Tính đến hết ngày 30/11/2022, đã có trên 20.000 đơn vị sử dụng ngân sách đã tham gia kết nối.
Trong những tháng đầu năm 2023, KBNN tiếp tục tập trung triển khai các dự án công nghệ thông tin thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Tài chính và dự án do Bộ trưởng Bộ Tài chính giao cho KBNN chủ trì, phát triển.
Đồng thời, nâng cấp các ứng dụng: Hệ thống DVCTT, chương trình quản lý, kiểm soát chi đầu tư (ĐTKB-GD)… và các nội dung đầu tư công nghệ thông tin để đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo an toàn bảo mật cho các hệ thống ứng dụng của KBNN nói riêng và hoạt động của hệ thống KBNN nói chung.
Đến năm 2030 trở thành Kho bạc số
Có thể nói, nhờ những bước tiến về CCHC và ứng dụng công nghệ thông tin, đến nay, KBNN đã cơ bản thực hiện thành công mục tiêu Kho bạc "3 không" - không chứng từ giấy, không khách giao dịch trực tiếp và không giao dịch tiền mặt tại trụ sở Kho bạc. Trong 2 năm liên tiếp (2020 và 2021), KBNN tiếp tục đứng vị trí thứ 2 trong khối các tổng cục trực thuộc Bộ Tài chính về CCHC.
Trong thời gian tới, để góp phần thực hiện thành công các mục tiêu đã đặt ra tại Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030, đặc biệt là hướng tới mục tiêu Kho bạc số, KBNN sẽ tiếp tục bám sát chương trình hành động của chiến lược để chủ động thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Trong đó, KBNN sẽ đặc biệt chú trọng thực hiện một số giải pháp, cụ thể sau:
Thứ nhất, rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn; sắp xếp cán bộ theo vị trí việc làm phù hợp với năng lực và trình độ của từng cán bộ; đào tạo và đạo tạo lại, tập huấn bồi dưỡng cho cán bộ đáp ứng với các yêu cầu mới.
Thứ hai, hoàn thiện cơ chế chính sách theo hướng cải cách thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và chia sẻ thông tin, dữ liệu điện tử nhằm đơn giản hóa về hồ sơ, TTHC và nội dung kiểm soát thanh toán, rút ngắn thời gian giải quyết.
Thứ ba, KBNN tiếp tục đẩy mạnh triển khai DVCTT trong xây dựng và triển khai cổng dữ liệu phục vụ quy trình thanh toán lương, thanh toán tự động điện, nước, viễn thông; gia tăng các tiện ích để hỗ trợ cho người sử dụng; tiếp tục triển khai chương trình cảnh báo rủi ro trong kiểm soát chi ngân sách nhà nước.