Huy động 500 tấn vàng trong dân có thể khiến thị trường bất ổn

PV.

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2016, trong đó cho rằng đề xuất huy động 500 tấn vàng trong dân là đi ngược với nguyên tắc kinh tế.

Người dân tranh nhau mua vàng. Nguồn: internte
Người dân tranh nhau mua vàng. Nguồn: internte

Nhận định việc huy động vàng là đi ngược với nguyên tắc kinh tế, TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR cho rằng, vàng hiện được cất giữ trong dân mang bản chất như mọi tài sản khác và chỉ ưu việt hơn về việc cất giữ, bảo quản.

Hơn nữa, nếu thực hiện huy động, vàng sẽ mang thêm chức năng là phương tiện lưu thông tương tự như tiền. Khi có thêm chức năng này, nhu cầu về vàng sẽ tăng lên thay vì giảm xuống. Cộng với những kích hoạt khác từ phía cầu như sự kiện Brexit khiến giá vàng thế giới tăng hiện nay, sẽ tạo ra những cú sốc tích trữ, đầu cơ, khiến thị trường bất ổn và dễ tổn thương hơn. Đó là chưa kể việc này sẽ dẫn tới hiện tượng “vàng hóa” trở lại.

Thực tế thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã dần loại vàng và ngoại tệ ra khỏi quan hệ tín dụng. VEPR cho rằng nhà điều hành cần thực hiện việc này một cách nhất quán, quyết đoán, tránh lặp lại những sai lầm không cần thiết.

"Về dài hạn, ý tưởng này đi ngược lại tiến trình chống vàng hóa, đôla hóa. Vì vậy cần kiên định con đường tách vàng và ngoại tệ (USD) ra khỏi lưu thông, và đưa vào vận hành theo các nguyên tắc của thị trường tài sản", TS. Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh. Trong trường hợp Nhà nước muốn người dân không giữ hoặc giảm giữ vàng thì duy trì lãi suất tiền mặt cao, ổn định. Khi đó, người dân sẽ bán vàng để giữ tiền mặt.

Quan điểm này cũng đã nhận được sự đồng tình của một số chuyên gia. Tại buổi công bố, TS. Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cũng cho rằng không nên huy động vàng trong dân vì việc này sẽ phải đánh đổi với sự bất ổn của thị trường vàng.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao NHNN chủ trì nghiên cứu, xem xét vấn đề huy động nguồn lực trong xã hội (bao gồm cả vàng và tiền), tạo nguồn vốn phục vụ tăng trưởng kinh tế.