Huy động vàng và nguy cơ bất ổn hệ thống tài chính
Nhiều năm nay đã có một vài đề xuất thành lập sàn vàng quốc gia để huy động lượng vàng nhàn rỗi trong dân. Mới đây là kế hoạch huy động vốn vàng trong dân mà chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu (và quan điểm của một số chuyên gia cho rằng sẽ lấy sàn vàng làm trung tâm cho kế hoạch này). Bài viết này sẽ phân tích các kịch bản và tính khả thi của các đề xuất trên.
Thiếu cơ sở lập sàn vàng quốc gia
Từ nhiều năm nay Ấn Độ triển khai chương trình “tiền tệ hóa vàng” để huy động ước gần 20.000 tấn vàng trong dân với lãi suất huy động từ 2,5% năm trở lên tùy theo kỳ hạn. Mục đích của kế hoạch này là giảm nhẹ phần nào nhu cầu nhập khẩu vàng quá mức trong nền kinh tế.
Bộ Tài chính Ấn Độ đang nghiên cứu thành lập sàn giao dịch vàng “vật chất” để làm công việc này. Kế hoạch này đặt lên đặt xuống nhiều lần nhưng vẫn chưa dám triển khai vì mức độ rủi ro không lường trước đối với cả nền kinh tế. Nhưng họ vẫn phải tiến hành đến cùng kế hoạch “tiền tệ hóa vàng” vì không còn lựa chọn nào khác.
Trung Quốc có sàn vàng Thượng Hải nhưng mục đích không phải huy động vàng trong dân mà tham gia vào sân chơi vàng của thế giới bằng nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ của mình. Thậm chí họ còn có tham vọng định giá vàng thế giới trên sàn bằng đồng nhân dân tệ.
Thổ Nhĩ Kỳ là nhà sản xuất vàng lớn nhất châu Âu và là nhà tiêu thụ lớn thứ tư thế giới. Họ lập sàn vàng Istanbul với mục đích chính là xuất khẩu vàng (chủ yếu qua các nước Hồi giáo) để làm giảm bớt tình trạng thâm hụt cán cân thanh toán ngày càng trầm trọng.
Ngoài ra, sàn vàng Thượng Hải, Istanbul và sắp tới đây là của Ấn Độ còn hướng đến giao dịch các sản phẩm phái sinh cao cấp.
Liệu Việt Nam có đến mức bế tắc như Ấn Độ hay có tham vọng giống Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ để tốn công sức và nguồn lực lập sàn vàng chỉ để huy động quanh đi quẩn lại con số ước tính 500 tấn vàng còn trong dân?
Huy động vàng như thế nào, để làm gì?
Thử nhận diện cơ chế hoạt động để có thể huy động được lượng vàng trong dân. Đầu tiên người dân đem vàng đến ngân hàng thương mại hoặc sàn vàng để ký gửi vàng và nhận lại một chứng chỉ vàng với một khoản lãi suất tương ứng.
Số vàng này sẽ chuyển về NHNN. NHNN sau đó sẽ tạo ra một tài khoản vàng ký gửi cho các ngân hàng thương mại và trả lãi trên các khoản ký gửi vàng này để sau đó hệ thống ngân hàng thương mại trả lãi cho người dân.
Đến hạn người dân đem chứng chỉ vàng đến ngân hàng để nhận lãi và vốn gốc (có thể bằng vàng hoặc bằng tiền Việt). NHNN dùng số vàng huy động được để: (a) thay mặt Bộ Tài Chính trả nợ nước ngoài (b) bán vàng mua đô la, cho các nhà xuất nhập khẩu vay lại (c) để giải quyết tình trạng cung cầu căng thẳng trong nước giống như Ấn Độ (d) bù đắp thâm hụt cán cân thanh toán giống như Thổ Nhĩ Kỳ. Đến đây phần nào có thể hình dung ra vì sao Chính phủ cần phải huy động vàng trong dân.
Huy động vàng và nguy cơ bất ổn hệ thống tài chính
Nhìn chung ngân hàng trung ương có nhiệm vụ chính là ổn định giá cả, bảo đảm ổn định giá trị đồng tiền và duy trì ổn định hệ thống tài chính. Các nhiệm vụ này không khơi khơi có được mà phải xây dựng trên một nền tảng chính sách kinh tế vĩ mô cẩn trọng.
Liệu Việt Nam có đến mức bế tắc như Ấn Độ hay có tham vọng giống Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ để tốn công sức và nguồn lực lập sàn vàng chỉ để huy động quanh đi quẩn lại con số ước tính 500 tấn vàng còn trong dân trước đây?
IMF (2009) đã có phân tích rất rõ luận điểm này với khuyến cáo các chính sách kinh tế vĩ mô cẩn trọng phải là: “Không được tích lũy những rủi ro hệ thống làm hệ thống tài chính bất ổn” và “việc không có khả năng nhận biết các gia tăng trong bong bóng tài sản sẽ là thất bại lớn nhất của ổn định tài chính”.
Liệu kế hoạch huy động vàng của Việt Nam có thể tích lũy rủi ro dẫn đến bất ổn hệ thống tài chính? Thử phân tích các khả năng này.
1. Chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương phần nào thất bại trong việc chống lại suy thoái ở quốc gia mình là bởi không tính đến (và cũng thật khó tính) các yếu tố mang tính hành vi của thị trường tài chính vào trong các mô hình dự báo và điều hành chính sách tiền tệ.
Nếu cho phép vàng được công nhận chính thức như một tài sản tiền tệ bằng việc tính lãi suất, có khả năng NHNN tự chuốc lấy rắc rối vào mình và lặp lại những sai lầm từ khủng hoảng tài chính của các nước và của chính mình trước đây. Đó là không chủ động được điều hành lượng cung tiền tệ, lãi suất và bong bóng tài sản sắp hình thành.
2. Khi 500 tấn vàng được hút về NHNN (để đơn giản ta giả dụ là huy động được một lần), cũng có nghĩa là bảng cân đối kế toán của NHNN sẽ mở rộng ra (ở một vài thời điểm trong tương lai) và làm cho cung tiền trong nền kinh tế tăng lên, với biết bao rủi ro tiềm ẩn ở phía trước.
Ngoài ra, NHNN còn phải tìm ra thị trường thế giới để thực hiện các hợp đồng phái sinh phòng ngừa rủi ro giá vàng và rủi ro tỷ giá. Chẳng lẽ chức năng của ngân hàng trung ương giờ lại phải lo toan thêm các công việc này? Đó là chưa tính đến không có phòng ngừa rủi ro nào là hoàn hảo.
Điển cứu cho nhận định này là sự phá sản “chỉ trong một đêm” không thể ngờ của quỹ đầu tư nổi tiếng LTCM của Mỹ vào thập niên 1990 mặc dù họ là một nhà đầu tư chuyên nghiệp và đã phòng ngừa rủi ro rất tốt cho danh mục đầu tư của mình.
3. Định nghĩa rộng nhất của tình trạng đô la hóa là ngoài đô la và các ngoại tệ khác, còn phải tính luôn cả vàng. Liệu cơ quan quản lý có dám đoan chắc 20 tỉ đô la quy đổi từ 500 tấn vàng sẽ không tác động gì đến tình trạng đô la hóa hiện nay. Lẽ nào trong các bản tin tức thời sự về hoạt động của một ngân hàng trung ương lại đầy ắp các sự kiện về vàng.
4. Phân tích một chuỗi các chỉ đạo của NHNN từ năm 2014 trở về trước đối với thị trường vàng, mỗi lần chính sách thay đổi là giá vàng biến động khôn lường. Như vậy các biến chính sách, chứ không phải cung cầu, mới là biến số chính tác động mạnh nhất đến giá vàng (kéo theo đó là tỷ giá).
Sự kiện giá vàng trong nước đã phản ứng thái quá và không theo quy luật nào trước sự kiện Brexit vừa qua chính là bài học cảnh tỉnh cho chúng ta. Thật khó tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra ngay bây giờ nếu có sàn vàng đang hoạt động.
5. Rủi ro tài khóa và tiền tệ cũng sẽ rất khó lường. Điều gì sẽ xảy ra tại thời điểm đáo hạn phải trả lại vàng cho người dân nếu như giá vàng và tỷ giá biến động? Một phương pháp khả dĩ mà Chính phủ Ấn Độ đang nghiên cứu là lập ra một quỹ bình ổn cho kế hoạch tiền tệ hóa vàng của mình (do Bộ Tài Chính quản lý). Việt Nam cũng có thể lập ra một loại quỹ tương tự để hấp thụ rủi ro từ các cú sốc giá vàng và tỷ giá ra khỏi hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Tiền lời thì đưa vào quỹ còn nếu gặp rủi ro thì ngân sách phải đứng ra trả nợ thay hay cấp bù lỗ. Chỉ có cam đoan như thế mới có khả năng người dân đem gửi vàng cho Nhà nước. Nhưng sử dụng tiền thuế của dân để bù lỗ cho rủi ro thì chắc chắn không có ghi trong Luật Ngân sách nhà nước.
6. Hội đồng Vàng thế giới (tháng 2-2010) có công bố một nghiên cứu về mối quan hệ giữa tăng trưởng cung tiền và giá vàng. Trang 7 của báo cáo có ghi: khi cung tiền tăng cùng lúc với tăng trưởng kinh tế, càng tăng thêm sự giàu có và cầu quá mức vào hàng hóa xa xỉ, trong đó có vàng (làm cho giá vàng tăng lên).
Còn nếu nền kinh tế suy thoái thì lượng tiền dư thừa sẽ chảy vào vàng để tìm nơi trú ẩn an toàn (cũng làm cho giá vàng tăng lên). Báo cáo này còn công bố chi tiết mỗi phần trăm tăng trưởng cung tiền ở các nước làm cho giá vàng tăng lên bao nhiêu phần trăm.
Toàn bộ các phân tích trên chưa tính đến liệu các chứng chỉ vàng có được cho phép giao dịch trên thị trường chứng khoán; hay các ngân hàng thương mại được giao huy động vàng có phải lập dự trữ bắt buộc trên lượng vàng huy động tại NHNN (và do đó làm mở rộng cơ sở tiền)... Tất cả những điều này sẽ còn tác động phức tạp khác lên điều hành của cơ quan quản lý.
Tóm lại, bất kỳ khả năng nào trong các kịch bản trên cũng sẽ làm cho hệ thống tài chính bất ổn. Và đó cũng chính là đi ngược với các chính sách kinh tế vĩ mô cẩn trọng mà Chính phủ đang theo đuổi.
Mạo hiểm thực hiện chính sách tiền tệ “phi truyền thống” sẽ là giải pháp cho NHNN?
Ngày nay ngân hàng trung ương các nước thường hay sử dụng các chính sách tiền tệ “phi truyền thống” để giải quyết các bế tắc vĩ mô nghiêm trọng. Mỹ, châu Âu và Nhật thực hiện các chính sách “tiền trực thăng” bơm vào nền kinh tế.
Thậm chí, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc mới đây còn đưa ra một đề xuất lạ đời là dùng “tiền trực thăng kiểu Hàn” để tái cấu trúc các công ty lớn làm ăn thua lỗ? Các chính sách không có tiền lệ này mặc dù vậy đã nhận được không ít những phản ứng gay gắt từ các nhà kinh tế và người dân.
Thực tế cũng chứng minh các chính sách này đã không mang lại lợi ích như kỳ vọng để giúp nền kinh tế phục hồi. Hơn nữa lượng “tiền trực thăng” bơm ra đang luẩn quẩn đâu đó trong hệ thống tài chính của từng nước sẽ luôn là nguy cơ bùng nổ bong bóng tài sản và lạm phát trong tương lai.
Tiến hành một chính sách tiền tệ phi truyền thống giống như ngân hàng trung ương các nước thực hiện cũng là một giải pháp gợi ý cho NHNN nếu Chính phủ vẫn kiên trì theo đuổi kế hoạch huy động vàng. Nhưng liệu nền kinh tế có đang khủng hoảng đến mức NHNN phải mạo hiểm đảm đương một nhiệm vụ như vậy?
Đối với vàng, tác động của chúng đối với nền kinh tế như thế nào thì không ai có thể đoan chắc điều gì vì chưa có ngân hàng trung ương nào trên thế giới “được giao cho nghiên cứu” để Việt Nam học tập.
Cơ quan quản lý có thể tránh rắc rối này bằng việc lập ra một định chế riêng biệt hoặc giao cho một vài ngân hàng thương mại có uy tín thực hiện chức năng huy động vàng.
Nhưng như đã đề cập, nếu cuối cùng các định chế này gặp phải rủi ro và từ đó không có nguồn lực mua lại vàng để trả lại dân thì ngân sách nhà nước vẫn phải đứng ra trả nợ thay. Các lập luận định chế do nhà nước quản lý này sẽ tiến hành các kỹ thuật quản trị rủi ro hiện đại để tránh đổ vỡ sẽ chỉ là ngụy biện.
Kết luận
Việc khởi động lại kế hoạch huy động vàng, cùng với đề xuất lập sàn vàng, tuy có đạt được một vài lợi ích ngắn hạn trước mắt nhưng sẽ tiềm ẩn nguy cơ đe dọa các mục tiêu chính mà NHNN đang theo đuổi là ổn định giá trị đồng tiền và sự ổn định của hệ thống tài chính.
Ngoài ra là những rủi ro khó lường về tiền tệ và tài khóa, cũng như khó lòng nhận được sự đồng tình từ số đông công chúng nếu như phải dùng đến tiền thuế của người dân để xử lý các hoạt động huy động vàng.
Rất khó cho Chính phủ hay NHNN đứng ra lập sàn vàng và huy động vàng trong dân với những đánh đổi quá lớn như vậy. Con đường duy nhất để người dân tự động mang vàng đem bán cho Nhà nước chỉ có cách là chính sách kinh tế phải bảo đảm làm cho giá trị của đồng tiền Việt và hệ thống tài chính được ổn định.