Huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính nhà nước
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Bộ Tài chính xác định mục tiêu cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả các định hướng, chủ trương của Đảng, các nhiệm vụ của Chính phủ giao. Từ đó, góp phần huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính nhà nước nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn theo các mục tiêu đề ra.
Nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Bộ Tài chính đã ban hành Chương trình hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII.
Tại Chương trình hành động, Bộ Tài chính đặt mục tiêu đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống thể chế tài chính - ngân sách nhà nước, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch, gắn với việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực thi pháp luật trên các lĩnh vực công tác của ngành Tài chính; Huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm thực hiện tốt các đột phá chiến lược, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước, nợ công, giữ vững an toàn, bền vững nền tài chính quốc gia...
Đồng thời, hoàn thành nhiệm vụ sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, kế hoạch thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục rà soát, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động các thị trường tài chính, chứng khoán; quản lý chặt chẽ các tổ chức tham gia thị trường, bảo đảm tính thanh khoản cao và an toàn hệ thống. Nâng cao quy mô và hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán để thực sự trở thành một kênh huy động vốn chủ yếu của nền kinh tế. Phát triển nhanh và bền vững thị trường bảo hiểm.
Bộ Tài chính tiếp tục đẩy nhanh lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí vào giá dịch vụ sự nghiệp công, chuyển mạnh cơ chế cấp phát theo dự toán sang cơ chế đấu thầu, đặt hàng dịch vụ công trên cơ sở tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ, định mức kinh tế - xã hội. Hoàn thiện đồng bộ thể chế pháp luật về giá; thực hiện nhất quán nguyên tắc quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Nâng cao chất lượng dịch vụ thẩm định giá theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa.
Cùng với đó là thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.
Ngoài ra, Bộ Tài chính xác định triển khai quyết liệt, đồng bộ cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thiết lập nền tảng tài chính số; cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và kiện toàn bộ máy ngành Tài chính hiện đại, tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả.
Căn cứ vào các mục tiêu trên, Bộ Tài chính đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần thực hiện. Trong đó, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế tài chính; Cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước; đổi mới đồng bộ chính sách động viên ngân sách nhà nước theo hướng đảm bảo tính bền vững cả về quy mô và cơ cấu; Nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực tài chính gắn với quá trình tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng Tăng cường công tác quản lý bội chi ngân sách, tiếp tục cơ cấu lại nợ công theo hướng chất lượng, hiệu quả, bền vững đảm bảo an ninh tài chính quốc gia; Quản lý, sắp xếp, khai thác và sử dụng có hiệu quả tài sản công...
Tại Chương trình hành động, Bộ Tài chính đã giao nhiệm vụ cụ thể với từng đơn vị thuộc Bộ. Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị tổ chức quán triệt và xây dựng Kế hoạch triển khai công tác hằng năm, tập trung chỉ đạo bảo đảm thực hiện kịp thời, hiệu quả những nội dung của Chương trình hành động, cụ thể hóa thành các nhiệm vụ theo kế hoạch hằng năm.
Các đơn vị trong Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, đề án trình Bộ, trình cơ quan có thẩm quyền trong giai đoạn 2021-2025. Trong trường hợp cần thiết, báo cáo Bộ trưởng cho phép sửa đổi, bổ sung một số đề án, nhiệm vụ công tác được giao theo Chương trình hành động.