Huy động vốn cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ

ThS. NCS. Nguyễn Tuấn Thành - Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Tại Việt Nam, nhu cầu vốn cho phát triển giao thông đường bộ là rất lớn trong khi nguồn lực thì có hạn. Do đó, để thực hiện quy hoạch mạng lưới đường bộ đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 cần có những chính sách mang tính đột phá. Bài viết nghiên cứu, hệ thống hoá những nhóm yếu tố tác động đến huy động vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, qua đó đề xuất giải pháp gia tăng hiệu quả huy động vốn đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ nước ta hiện nay.

Các địa phương cũng tích cực, chủ động hơn trong việc khai thác nguồn thu, bố trí vốn đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng ở địa phương
Các địa phương cũng tích cực, chủ động hơn trong việc khai thác nguồn thu, bố trí vốn đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng ở địa phương

Đặt vấn đề

Hàng năm, Chính phủ luôn dành một lượng vốn không nhỏ từ ngân sách nhà nước (NSNN) đầu tư vào lĩnh vực xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, do đó, vốn đầu tư vào lĩnh vực này chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng nguồn vốn đầu tư của toàn xã hội.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2022, định hướng đến năm 2050, mạng lưới đường bộ có 29.795km quốc lộ, 9.014km đường cao tốc (đến năm 2030 có 5.000km đường cao tốc); nhu cầu vốn đầu tư mạng lưới đường bộ đến năm 2030 là khoảng 900.000 tỷ đồng, được huy động từ nguồn vốn NSNN, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn khác. Trong đó, vốn cho các dự án đường bộ cao tốc khoảng 728.000 tỷ đồng (giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 400.000 tỷ đồng và giai đoạn 2026 - 2030 dự kiến khoảng 328.000 tỷ đồng).

Nhu cầu vốn cho phát triển giao thông đường bộ là rất lớn trong khi nguồn lực thì có hạn, để thực hiện quy hoạch mạng lưới đường bộ đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 cần có những chính sách mang tính đột phá để thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đường bộ nước ta hiệu quả.

Yếu tố tác động đến huy động vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ

Từ thực tiễn, có thể hệ thống hoá những nhóm yếu tố tác động đến huy động vốn cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ Việt Nam như:

Các yếu tố khách quan

Môi trường kinh tế: Sự biến động của nền kinh tế thường thể hiện ở hai trạng thái cơ bản. Đó là trạng thái suy thoái và trạng thái hưng thịnh. Nói chung cả hai trạng thái của nền kinh tế đều có ảnh hưởng tiêu cực hoặc tích cực đến huy động vốn cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nói chung và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ nói riêng. Khi nền kinh tế ở trạng thái suy thoái sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng huy động vốn cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, phần vì nền kinh tế đang suy thoái nên nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ cũng giảm sút, mặt khác khả năng huy động vốn gặp nhiều khó khăn vì thu nhập trong xã hội giảm sút. Ngược lại, khi nền kinh tế ở trạng thái hưng thịnh các dấu hiệu kể trên biến thiên theo chiều hướng ngược lại. Với nền kinh tế ở trạng thái hưng thịnh một phần nhu cầu đầu tư phát triển hệ thống giao thông đường bộ gia tăng, đồng thời khả năng huy động vốn cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ trở nên dẽ dàng vì thu nhập của nhà nước, của khu vực phi nhà nước gia tăng, tạo tiền đề quan trọng cho việc huy động vốn.

Việc duy trì thị trường tiền tệ ổn định biểu hiện ở mức độ lạm phát và mức tăng giá của xã hội nằm trong một giới hạn cho phép thông qua các biện pháp vĩ mô bao gồm cả kinh tế, quản lý, hành chính của Nhà nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ phát triển ổn định, từ đó các cơ sở sản xuất kinh doanh này có khả năng hoàn thành nghĩa vụ với NSNN, đồng thời có thể đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ.

Hội nhập kinh tế thế giới và khu vực sâu rộng cũng đặt ra nhiều cơ hội, song cũng đặt ra thách thức đối với huy động vốn cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ. Một trong những yêu cầu quan trọng phải đảm bảo cho sự lưu chuyển hàng hóa với khối lượng lớn, với tốc độ nhanh, thuận lợi. Không thể đáp ứng được yêu cầu này, nếu như hệ thống giao thông đường bộ lạc hậu, manh mún, thiếu sự liên hoàn gắn kết giữa các vùng miền, giữa các nước, do đó yêu cầu phát triển hệ thống giao thông đường bộ đòi hỏi càng lớn, càng cấp bách.

Môi trường chính trị, pháp luật: Một xã hội ổn định là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, trong đó có huy động vốn đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ. Vì vậy, một môi trường chính trị ổn định sẽ khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ. Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào các nước đang phát triển không chỉ được quyết định bởi các yếu tố về kinh tế, mà còn chịu sự chi phối của các yếu tố chính trị, pháp luật. Các nhân tố thuộc về môi trường chính trị, luật pháp bao gồm:

Mức độ ổn định về chính trị và sự hoàn thiện của hệ thống luật pháp: Sự ổn định về chính trị, pháp luật tạo điều kiện cho các nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn đầu tư vào các lĩnh vực trong đó có hệ thống cơ sở hạ tầng. Một hệ thống luật pháp đồng bộ, hoàn chỉnh, tính pháp lý của các công cụ huy động vốn trong nước cũng như quy chế đấu thầu, quy chế quản lý sử dụng vốn đầu tư được nâng cao, tạo điều kiện tốt cho việc tổ chức thực hiện. Ngược lại, môi trường chính trị bất ổn, môi trường đầu tư rắc rối, môi trường pháp lý thiếu minh bạch, nạn tham ô, tham nhũng, cửa quyền, nhũng nhiễu thì khó có thể huy động được nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nói chung, cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ nói riêng. Để có thể tạo ra được môi trường chính trị ổn định, môi trường đầu tư trong sạch, môi trường pháp lý minh bạch, bình đẳng, điều quan trọng là phải tiến hành triệt để công cuộc cải cách hành chính làm cho bộ máy điều hành nhà nước, chính quyền các cấp thực sự trong sạch, có hiệu lực, hiệu quả, tạo ra niềm tin đối với các nhà đầu tư.

Tính chất phân quyền, phân cấp quản lý của Nhà nước cũng tác động mạnh đến việc huy động vốn đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ. Hiện nay, với cơ chế tăng tính tự chủ và phân cấp quản lý ngân sách cho các địa phương đã tạo điều kiện cho ngân sách trung ương tập trung đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm. Đồng thời, các địa phương cũng tích cực, chủ động hơn trong việc khai thác nguồn thu, bố trí vốn đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng ở địa phương. Nhờ có sự phân quyền, phân cấp rõ ràng đã tăng cường được tính trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc quản lý giám sát quá trình sử dụng vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ.

Điều kiện tự nhiên của địa phương: Dưới góc độ của nhà đầu tư khi quyết định đầu tư đối với một dự án, điều kiện tự nhiên cũng được đặc biệt quan tâm bởi vì điều kiện địa hình thuận lợi, vị trí thực hiện dự án thuận lợi sẽ giúp quá trình thực hiện dự án được thuận lợi hơn, giảm thiểu những rủi ro do vị trí địa lý, địa hình hoặc khí hậu… mang lại.

Vị trí địa lý điều kiện tự nhiên cũng sẽ mang lại cho địa phương những lợi thế so sánh và những đặc trưng riêng của địa phương, những đặc trưng và lợi thế so sánh này sẽ ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư và kết quả của dự án khi thực hiện. Do đặc điểm của công trình giao thông mang tính cố định, đi qua nhiều địa bàn thuộc các địa phương khác nhau nên sẽ chịu nhiều ảnh hưởng của điệu kiện tự nhiên như: Vị trí địa lý, điều kiện địa hình, điều kiện khí hậu... Như vậy, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ chịu ảnh hưởng rất lớn từ điều kiện tự nhiên. Nhận biết được những khó khăn này chính quyền địa phương nói riêng và Chính phủ cần có những chế tài và chính sách dành riêng cho các đơn vị thi công, đơn vị triển khai thực hiện dự án tại các vùng khó khăn nhằm khuyến khích các đơn vị liên quan, thực hiện dự án tốt nhất và hoàn thành đúng tiến độ, mục tiêu đề ra. Từ đó, thực hiện được các mục tiêu đề ra về kinh tế, xã hội của địa phương.

Điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của địa phương: Đây là nhân tố khách quan, có ảnh hưởng trực tiếp đến việc huy động vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ của địa phương. Mỗi một địa phương khác nhau, tùy thuộc vào đặc điểm kinh tế, chính trị, xã hội khác nhau mà có nhu cầu và nguồn lực vốn đầu tư khác nhau.

Điều kiện kinh tế khác nhau cũng làm cho nguồn lực vốn đầu tư của các địa phương khác nhau. Với những địa phương có điều kiện kinh tế phát triển, nguồn vốn ngân sách dồi dào thì việc cân đối nguồn lực cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ càng thuận lợi. Mặt khác, với các địa phương có tiềm lực kinh tế mạnh, phát triển, các doanh nghiệp và người dân có thu nhập cao nên việc huy động vốn đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ cũng dễ dàng hơn so với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội kém phát triển. Với các tỉnh có tốc độ đô thị hoá nhanh cũng ảnh hưởng đến nguồn vốn cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ để phù hợp với mức độ phát triển của đô thị trong từng giai đoạn.

Bên cạnh đó, đặc điểm của đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ cũng có sự khác biệt, ảnh hưởng đến việc huy động vốn đầu tư như: địa bàn phức tạp, khối lượng đền bù giải phóng mặt bằng lớn, việc thi công phức tạp, ảnh hưởng đến nhiều đối tượng... Tất cả các nhân tố trên đã ảnh hưởng đến việc huy động vốn cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ.

Các yếu tố chủ quan

Năng lực của chủ thể quản lý:

Đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nói chung, cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ nói riêng là một công việc phức tạp, đòi hỏi phải có trình độ am hiểu nhiều lĩnh vực. Nếu tổ chức quản lý không tốt, không hợp lý, đội ngũ làm công tác trong lĩnh vực đầu tư hạn chế về trình độ, thiếu đạo đức nghề nghiệp sẽ gây lãng phí về nguồn lực, làm mất lòng tin đối với nhà đầu tư thì công tác huy động vốn sẽ gặp nhiều khó khăn.

Thực tế hiện nay, ở một số địa phương do việc phân cấp quản lý đầu tư xây dựng cơ bản các công trình trong đó có công trình giao thông đường bộ quá rộng, không chú trọng đến năng lực tổ chức quản lý, năng lực trình độ cán bộ trực tiếp quản lý làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công trình là nguyên nhân làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư dẫn đến việc huy động vốn đầu tư gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, vấn đề đặt ra là, để tạo thuận lợi cho công tác huy động vốn đầu tư nói chung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ nói riêng, phải tiến hành cải cách bộ máy quản lý nhất là các ban quản lý dự án ở các chủ đầu tư, đồng thời có biện pháp nâng cao năng lực, trình độ cán bộ trực tiếp làm công tác đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ.

Năng lực của chủ thể quản lý cả ở tầm vĩ mô và vi mô cũng có ảnh hưởng nhất định đến việc huy động vốn đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, cụ thể:

- Ở tầm vĩ mô, sự phối kết hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan Trung ương như: Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính sẽ tạo ra sự thống nhất trong khâu hoạch định chính sách và đưa ra các biện pháp huy động vốn đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng. Đồng thời, phân định rõ trách nhiệm kiểm tra giữa các khâu trong quá trình sử dụng vốn, giảm thiểu tình trạng thất thoát, lãng phí vốn đầu tư.

- Ở tầm vi mô, trình độ quản lý của chủ đầu tư và Ban quản lý dự án sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đến việc sử dụng vốn tiết kiệm, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư cho từng dự án cụ thể. Đối với các dự án sử dụng vốn ODA, trình độ quản lý thực thi dự án có ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ giải ngân, mức độ khai thác số vốn ODA đã cam kết đưa vào đầu tư thực tế.

Năng lực của đơn vị thực hiện:

Đơn vị thực hiện các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ bao gồm chủ đầu tư và các đơn vị nhà thầu xây lắp. Năng lực của các đơn vị thực hiện bao gồm từ năng lực tài chính, năng lực quản lý, năng lực công nghệ… ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ. Nếu đơn vị thi công hay nhà thầu xây lắp có năng lực tài chính tốt, nguồn vốn đối ứng dành cho các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của các đơn vị này sẽ tốt hơn, điều này rất quan trọng đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước khi các dự án triển khai thực hiện trước sau đó sẽ quyết toán khi hoàn thành dự án hoặc được tạm ứng trong khi thực hiện dự án, nếu khả năng duy trì và quay vòng vốn kém sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện dự án.

Hay như nếu các nhà thầu không có kinh nghiệm thi công các dự án cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thực hiện dự án đặc biệt với các dự án đặc thù như xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, những khó khăn và rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thi công, nếu chưa có kinh nghiệm có thể dẫn tới những ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả của dự án.

Năng lực của đơn vị thực hiện sẽ quyết định tiến độ chất lượng của các hoạt động đầu tư trong giai đoạn thực hiện đầu tư. Đây là tiền đề quan trọng để nâng cao hiệu quả của đầu tư phát triển từ nguồn vốn NSNN. Đơn vị thực hiện đầu tư cần phải quản lý, tiến hành đơn vị mình trong giai đoạn thực hiện đầu tư theo các yêu cầu sau: Đơn vị thực hiện đầu tư phải tuân thủ các quy định của pháp luật và yêu cầu kinh tế, kỹ thuật trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng công trình theo đúng quy hoạch và kế hoạch đã được phê duyệt trên nguyên tắc đảm bảo sự bền vững và mỹ quan của công trình. Huy động tối đa và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn vốn đầu tư chống mọi hành vi tham ô, lãng phí trong quá trình sử dụng các nguồn vốn đầu tư và khai thác hiệu quả các kết quả đầu tư. Trong giai đoạn thực hiện đầu tư đơn vị thực hiện đầu tư cần phải áp dụng các công nghệ tiên tiến, đảm bảo yêu cầu về chất lượng và tiến độ xây dựng các công trình với chi phí hợp lý.

Chất lượng dịch vụ công:

Bao gồm thủ tục hành chính; năng lực cán bộ quản lý nhà nước và lãnh đạo địa phương có ảnh hưởng tích cực đến huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nói chung và giao thông đường bộ nói riêng.

Một địa phương có chất lượng dịch vụ công tốt giúp nhà đầu tư dễ dàng tuân thủ các chính sách của Nhà nước, tiết kiệm thời gian và tiền bạc giải quyết các thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh cũng như hưởng lợi từ những hỗ trợ của Nhà nước.

Năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức cũng như sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn sẽ tạo sự thống nhất trong khâu hoạch định chính sách và đưa ra các biện pháp để huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ như: Thẩm định chính xác các dự án đầu tư; phân bổ nguồn vốn hợp lý, đúng mục đích, đúng đối tượng; thường xuyên kiểm tra, giám sát chất lượng các công trình kết cấu hạ tầng... Bên cạnh đó, sự năng động của đội ngũ lãnh đạo cũng như những kinh nghiệm, khả năng tổ chức quản lý thông qua định hướng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương sẽ giúp thu hút các nhà đầu tư.

Quy hoạch và kế hoạch đầu tư của địa phương: Công tác quy hoạch và kế hoạch đầu tư có vai trò định hướng đầu tư rất quan trọng, tác động đến đầu tư của quốc gia, từng vùng, từng địa phương, từng ngành, lĩnh vực và thậm chí từng dự án đầu tư và vốn đầu tư. Quy hoạch có tác động đến cơ cấu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, việc lựa chọn dự án đầu tư và từ đó tác động tới huy động vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ. Kế hoạch đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ là một bộ phận trong kế hoạch đầu tư của địa phương, là tổng hợp các nhu cầu đầu tư cho các dự án thuộc lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ. Kế hoạch đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ có tác động tới hoạt động huy động vốn cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, từ bước chuẩn bị đầu tư tới thực hiện đầu tư và đưa vào sử dụng.

Giải pháp đột phá để thu hút vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ

Trên cơ sở nghiên cứu, hệ thống hoá những yếu tố tác động, một số giải pháp được khuyến nghị thực hiện nhằm huy động nguồn vốn và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong thời gian tới như sau:

Thứ nhất, đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có nhu cầu vốn lớn, lợi nhuận không cao, thời gian hoàn vốn kéo dài. Do đó, cần xem xét một số chính sách, giải pháp tạo sự hấp dẫn cho các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, cụ thể: Điều chỉnh tăng tỷ suất lợi nhuận vốn chủ sở hữu để thu hút nhà đầu tư khoảng 15-18% tùy thuộc vùng, miền; hoặc quy định bằng 1,3 – 1,5 lần lãi suất tiền gửi ngân hàng (tỷ suất lợi nhuận hiện nay khoảng 11 – 14% chưa thực sự hấp dẫn).

Thực hiện điều chỉnh giá, phí đường bộ đúng quy định của pháp luật, của hợp đồng, phù hợp tình hình phát triển kinh tế, xã hội. Các địa phương có sự tăng trưởng, phát triển kinh tế nhờ hưởng lợi từ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ theo hình thức công tư (PPP) có chính sách phân bổ hoặc hỗ trợ một phần từ nguồn thu ngân sách cho các dự án PPP để rút ngắn thời gian hoàn vốn các dư án.

Trong giai đoạn đầu tư xây dựng, trường hợp nhà đầu tư có các giải pháp về công nghệ mới, vật liệu mới làm giảm giá thành, mang lại hiệu quả cho dự án, cho phép nhà đầu tư được hưởng lợi sau khi thực hiện nghĩa vụ về thuế theo quy định (được hưởng phần chênh lệch giữa giá trị được duyệt và thực tế thực hiện do áp dụng công nghệ, vật liệu mới, không phụ thuộc vào việc quyết toán); Cho phép thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, làm cơ sở cho các nhà đầu tư tham gia nhượng quyền thu phí; Cho phép tiếp tục thu phí đối với các dự án BOT trên cao tốc đã hoàn vốn, tạo nguồn thu để tiếp tục đầu tư cho kết cấu hạ tầng đường bộ.

Thứ hai, xem xét cho phép các tổ chức tín dụng được cho vay vượt khung quy định của Ngân hàng Nhà nước đối với các dự án trọng điểm quốc gia được Thủ tướng Chính phủ quyết định; cho phép nhà đầu tư huy động vốn từ các quỹ như hưu trí, thất nghiệp, bảo hiểm xã hội… để đa dạng nguồn vốn; Cho phép nhà đầu tư phát hành trái phiếu công trình, huy động vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài… Tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận với các tổ chức tín dụng nước ngoài vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức PPP.

Thứ ba, để nguồn vốn NSNN đầu tư hiệu quả, có vai trò dẫn dắt, định hướng đầu tư cho mạng lưới đường bộ, kiến nghị xem xét ưu tiên bố trí vốn NSNN đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, trong đó tập trung cho các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia. Đồng thời, ưu tiên sử dụng giá trị gia tăng từ quỹ đất do việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ để tái đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông; Cho phép vốn NSNN tham gia >50% tổng mức đầu tư các dự án PPP đối với các khu vực khó khăn để phương án tài chính của dự án được khả thi nhằm kêu gọi đầu tư đối với các khu vực trung du, miền núi.

Đối với các dự án PPP lớn, khó khả thi, xem xét tách thành các dự án thành phần hoặc tiểu dự án, nhà nước góp vốn 50% cho các dự án thành phần hoặc tiểu dự án thực hiện theo hình thức PPP, nhà nước đầu tư 100% đối với các dự án thành phần hoặc tiểu dự án hay các hạng mục không khả thi như hệ thống đường gom, công trình cầu, các công trình phụ trợ…

Thứ tư, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư để đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thực hiện dự án.

Thứ năm, phân cấp, phân quyền mạnh cho địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, quy định rõ trách nhiệm của địa phương về công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Tăng cường giao các địa phương là cơ quan có thẩm quyền đối với các dự án đầu tư theo phương thức PPP, tạo đột phá đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc, các địa phương ưu tiên bố trí ngân sách địa phương tham gia đầu tư để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương khi tuyến đường bộ hình thành; Chính phủ hỗ trợ ngân sách trung ương tùy theo tình hình cụ thể của địa phương.

Thứ sáu, hoàn thiện thể chế, chính sách đột phá trong đó ban hành Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, cụ thể giao cho địa phương được tham gia đầu tư các tuyến quốc lộ, cao tốc trên địa bàn; phân quyền địa phương quản lý hạ tầng giao thông đô thị. Đồng thời, điều chỉnh Luật NSNN theo hướng mở rộng phạm vi thu – chi ngân sách địa phương tạo điều kiện để địa phương có nguồn lực đầu tư, quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh, nhằm linh hoạt trong việc sử dụng ngân sách Trung ương và địa phương. Cùng với đó, điều chỉnh các Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Lâm nghiệp để tăng cường phân cấp cho địa phương quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất (rừng, lúa); khung chính sách đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng; báo cáo đánh giá tác động môi trường để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục thẩm định, phê duyệt.

Tài liệu tham khảo:

  1. Thủ tướng Chính phủ (2013). Quyết định số 356/QĐ-TTg, ngày 25/02/2013 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;
  2. Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải (2013). Báo cáo điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;
  3. Nguyễn Hồng Sơn (2013). Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ở Việt Nam, Bản tin Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải, số 1&2/2013;
  4. Hoàng Long (2022), Kiến nghị nhiều giải pháp đột phá để thu hút vốn đầu tư hạ tầng đường bộ, Tạp chí giao thông vận tải.