ICAEW bàn giải pháp nâng cao hiệu quả tài chính trong doanh nghiệp Việt Nam
Tiếp nối nỗ lực đồng hành cùng sự phát triển của ngành Tài chính Kế toán cũng như của doanh nghiệp thuộc các nền kinh tế khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, Viện Kế toán Công chứng Vương quốc Anh và xứ Wales (ICAEW) tiếp tục thực hiện chuỗi hoạt động chuyên môn thường kỳ với chủ đề “Hiệu quả hóa chức năng tài chính doanh nghiệp” với hai buổi chia sẻ tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh do ông Rick Payne – một chuyên gia đến từ Chương trình Quản lý Tài chính của ICAEW toàn cầu - đảm nhiệm.
Chuỗi hoạt động thu hút sự quan tâm và đồng hành của các Hiệp hội, Tổ chức nghề nghiệp uy tín và các đối tác quan trọng của ICAEW tại Việt Nam như Trung ương Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA), Hội Kế toán Tp. Hồ Chí Minh (HAA), Cộng đồng Doanh nghiệp Anh tại Việt Nam (BBGV), Đại học quốc tế RMIT, Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV), các giám đốc tài chính (CFO), trưởng phòng tài chính, kế toán trưởng cùng các giảng viên chuyên ngành tài chính kế toán tại Việt Nam.
Cùng chia sẻ với chuyên gia Rick Payne về chủ đề này tại Hà Nội còn có ông Nguyễn Viết Thịnh - Giám đốc Tư vấn Tài chính, Công ty PriceWaterhouseCoopers (PwC) - trình bày về “Bộ phận tài chính với quản lý rủi ro”; và ông Vikesh Mirani - Giám đốc Tài chính Tập đoàn, Ngân hàng Techcombank - với chủ đề “Xây dựng bộ phận tài chính hoạt động hiệu quả”.
Khi nói về vai trò của bộ phận tài chính cũng như của chuyên gia tài chính kế toán với sự phát triển của doanh nghiệp, Rick Payne đưa ra một so sánh sinh động: “Nếu tài chính được ví như nhiên liệu, còn doanh nghiệp được xem như một bộ máy nhiều động cơ, thì bộ phận tài chính và những người làm nghề tài chính là người điều khiển và kiểm soát “van” nhiên liệu để biết nên mở van khi nào, và mở chiếc van nào để nguồn nhiên liệu được truyền đến đúng động cơ và đem lại hiệu quả tối ưu khi bộ máy doanh nghiệp vận hành. Và do đó, việc trang bị, cập nhật những kiến thức chuyên ngành tiêu chuẩn chất lượng cao cùng những kĩ năng thiết yếu để những “người vận hành van” này thực hiện tốt nhất vai trò của mình là một điều tối quan trọng.”
Không những là người tham mưu trong các chiến lược tài chính, quản lý thông tin, chiến lược kinh doanh, bộ phận tài chính còn đóng vai trò tư vấn quản trị rủi ro trong doanh nghiệp. Do đó, để có thể xây dựng bộ phận tài chính vững mạnh, cần phải có sự vận dụng của rất nhiều yếu tố cấu thành, bao gồm: tầm nhìn, sứ mệnh, hệ giá trị, văn hóa, tổ chức, hệ thống quy trình và quan trọng nhất là con người.
Trong quá trình phát triển và vận động không ngừng, những quan điểm, mô hình truyền thống tiếp tục được thay đổi nhằm xác định và hình thành vai trò toàn diện hơn của chức năng tài chính, đặc biệt là khi phạm vi và quy mô kinh doanh tăng lên, các điều kiện và các quy định thay đổi liên tục, kéo theo lực đẩy của tổ chức chuyển từ “người kiểm soát” đơn thuần thành “nhà chiến lược và đối tác kinh doanh”. Do đó, chức năng tài chính cũng hướng đến vai trò đa dạng hơn, từ dự đoán tiến tới tạo dựng giá trị, tương ứng với các trách nhiệm cốt lõi và trách nhiệm mở rộng của nó.
Theo ông Vikesh Mirani – Giám đốc Tài chính Tập đoàn, Ngân hàng Techcombank, chức năng tài chính có 7 trách nhiệm cốt lõi, bao gồm: kiểm soát, lập kế hoạch và phân tích tài chính, kế toán/ kiểm toán, thuế, tài chính và ngân quỹ, quản trị & tuân thủ, quan hệ nhà đầu tư. Bên cạnh đó, có 5 trách nhiệm mở rộng là: giám sát chức năng hành chính, quản lý hệ thống cơ sở hạ tầng doanh nghiệp và đầu tư công nghệ thông tin, quản lý vận hành cơ sở hạ tầng, chỉ đạo & thực hiện giao dịch mua bán/ sáp nhập và chịu trách nhiệm đối với chiến lược doanh nghiệp.
Bên cạnh tâm điểm về “hiệu quả hóa chức năng tài chính doanh nghiệp”, ICAEW cũng có buổi chia sẻ chuyên môn cung cấp những cái nhìn mới về vai trò phân tích và ứng dụng của Big Data (Dữ liệu lớn) trong ngữ cảnh ngành tài chính, cũng như đưa ra những định hướng để các chuyên gia tài chính, kế toán Việt Nam khai thác và vận dụng hiệu quả Big Data, phát huy vai trò quan trọng của mình vào sự phát triển chung của doanh nghiệp.
Trong thực tế, Big Data có thể được sinh ra từ rất nhiều nguồn khác nhau từ mạng Internet, mạng xã hội, điện thoại di động, và thậm chí từ các thiết bị cảm ứng của máy móc.
Đối với những người hoạt động trong lĩnh vực tài chính, kế toán, Big Data và các kỹ thuật phân tích có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi được áp dụng như một công cụ hữu ích hỗ trợ đắc lực cho quá trình ra quyết định và hoạch định chiến lược của doanh nghiệp. Họ có thể áp dụng các phương pháp tiếp cận dữ liệu trong nhiều lĩnh vực khác nhau để phân tích và sử dụng các mô hình dự báo cho ra căn cứ xác đáng trong việc ra quyết định hoặc lên kế hoạch điều chỉnh và cải thiện ngân sách, kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro. Bên cạnh đó, những chỉ số từ phân tích dữ liệu lớn còn cho phép cải thiện hiệu quả và chất lượng các hoạt động tài chính, kế toán, kiểm toán.
Bên cạnh những cơ hội, cũng có những thách thức và rủi ro xung quanh việc ứng dụng Big Data như sự phụ thuộc vào nguồn dữ liệu, chất lượng dữ liệu, sự lựa chọn các bộ dữ liệu cũng như tính đúng đắn trong việc chọn mẫu dữ liệu. Ngoài ra, cũng cần phải xem xét một cách kỹ lưỡng về những khuôn khổ đạo đức và pháp lý xung quanh Big Data bởi nó có liên quan đến đời sống và quyền riêng tư của mỗi cá nhân. Doanh nghiệp do đó cũng cần phải sử dụng và xử lý dữ liệu mà họ có được một cách khéo léo, đảm bảo tôn trọng quyền riêng tư và tính bảo mật thông tin cá nhân.
Trao đổi tại buổi tọa đàm, Rick Payne cho biết: “Còn rất nhiều điều mới mẻ xung quanh Big Data nói chung và ứng dụng của nó vào việc hiệu quả chức năng ngành tài chính nói riêng. Chúng tôi dự kiến sẽ tiến hành một loạt các cuộc thảo luận bàn tròn và phỏng vấn cá nhân để tiếp tục có những tư vấn và giải pháp thiết thực cho các doanh nghiệp, giới chuyên môn ngành tài chính, kế toán cũng như các nhà hoạch định chính sách. Chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm đến các trường hợp đã ứng dụng tốt việc phân tích và khai thác Big Data tại Việt Nam, cũng như việc họ đã giải quyết các bài toán kinh doanh thực tế của mình như thế nào nhờ ứng dụng công cụ này. Và do đó, chúng tôi sẵn sàng đồng hành và chào đón sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm và mong muốn thảo luận sâu về chủ đề này”.
Không chỉ dừng lại ở những trao đổi và toạ đàm chuyên môn với những người hành nghề, và những tổ chức nghề nghiệp, nhân chuyến làm việc tại Việt Nam lần này, Rick Payne cùng ICAEW có buổi hội thảo chuyên môn dành cho các sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường đại học tại Hà Nội cũng như buổi trao đổi chuyên đề dành cho sinh viên và giảng viên Đại học Anh quốc Việt Nam và Đại học Quốc tế RMIT… với mong muốn cung cấp và chuẩn bị cho sinh viên Việt Nam nói chung và những sinh viên muốn theo đuổi giấc mơ nghề nghiệp trong lĩnh vực tài chính, kinh doanh nói riêng những kiến cơ bản và sự chuẩn bị cho những kĩ năng thiết yếu để trở thành một chuyên gia tài chính, kế toán xuất sắc sau này.
Thông qua những hoạt động này, ICAEW một lần nữa thể hiện vai trò tiên phong của mình trong việc chia sẻ kiến thức, tư vấn, định hướng và cập nhật những chuẩn mực quốc tế mới, gần gũi với thực tế Việt Nam trong lĩnh vực tài chính, kế toán và kinh doanh. Đây đồng thời là nỗ lực không ngừng của ICAEW trong việc thực hiện sứ mệnh đóng góp cho sự phát triển kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam, sự chuyên nghiệp hoá của ngành tài chính - ngân hàng, kế toán – kiểm toán và các tổ chức nghề nghiệp tại Việt Nam cũng như chuẩn bị nhân tài cho đất nước trong lĩnh vực tài chính, kế toán và kinh doanh.
Là những người dẫn đầu trong lĩnh vực kế toán, tài chính và kinh doanh, các hội viên của ICAEW có những kiến thức, kỹ năng và cam kết duy trì các tiêu chuẩn chuyên môn và tính chính trực cao nhất. Cùng với các đối tác, ICAEW đóng góp vào thành công của các cá nhân, tổ chức, cộng đồng và các nền kinh tế trên toàn thế giới.
ICAEW là thành viên sáng lập của Liên minh Kế toán Thế giới (Global Accounting Alliance) và Tổ chức Kế toán Công chứng toàn cầu. (Chartered Accountant Worldwide)