Đồng Nhân dân tệ vào giỏ tiền tệ quốc tế: Tác động thế nào tới doanh nghiệp Việt?
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa chính thức thêm đồng nhân dân tệ vào giỏ tiền tệ dự trữ quốc tế. Vậy, sự kiện này sẽ tác động như thế nào đối với doanh nghiệp Việt?
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho rằng: “Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ có trách nhiệm hơn với Nhân Dân Tệ, không còn những cú trượt giá liên tiếp làm chao đảo tài chính thế giới như năm ngoái. Tuy nhiên, điều này sẽ không làm thay đổi mọi thứ quá nhiều”.
Doanh nghiệp Việt vẫn chưa mặn mà với Nhân Dân Tệ
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động chiều 3/10, ông Nguyễn Thành Quế - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất - xuất nhập khẩu Dệt May cho biết: “Thực tế từ trước đến nay doanh nghiệp chúng tôi đều thanh toán bằng tiền USD.
Đối tác mua hàng là các doanh nghiệp đến từ Châu Âu và Mỹ nên họ chỉ định luôn đồng tiền giao dịch trong hợp đồng khi nhập nguyên vật liệu từ Trung Quốc là đồng USD.
Doanh nghiệp dệt may Việt Nam chủ yếu là gia công nên trong ngắn hạn, việc đồng nhân dân tệ (NDT) được đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế không quá ảnh hưởng đến việc kinh doanh của doanh nghiệp tôi”.
Là ngành hàng có nhiều giao dịch với Trung Quốc trong việc nhập khẩu nguyên phụ liệu, theo đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam, đồng NDT gia nhập vào giỏ tiền tệ quốc tế sẽ có tác động tới ngành hàng này. Tuy nhiên, mức độ tác động ra sao thì cần có thời gian để đánh giá.
Theo TS. Lê Đăng Doanh, câu hỏi được đặt ra đối với Việt Nam là đây có phải cơ hội xem xét sử dụng thanh toán bằng đồng NDT hay không? khi thanh toán bằng NDT, Việt Nam không thể sử dụng đồng USD và EURO nhờ kiếm được từ hoạt động xuất khẩu sang Mỹ, Châu Âu.
Thay vì thanh toán bằng USD và EURO như trước đây, DN Việt phải mất thêm chi phí đổi từ USD, EURO mà chúng ta có được từ xuất khẩu để đổi sang NDT. Điều này gây tốn kém và Việt Nam cần xem xét và cân nhắc trong từng vụ việc.
Tác động lên dự trữ ngoại hối
Theo TS. Phan Minh Ngọc, tác động đầu tiên có thể kể đến là tác động lên dự trữ ngoại hối. Đây là một cú hích khích lệ các ngân hàng trung ương trên thế giới đưa thêm (nhiều hơn) NDT vào trong giỏ tiền tệ dự trữ của mình.
Như vậy triển vọng là nhu cầu NDT sẽ tăng lên trong tương lai gần làm tăng áp lực lên giá của NDT. Nếu NDT lên giá thì Việt Nam sẽ được hưởng một vài lợi ích như áp lực nhập siêu từ Trung Quốc sẽ giảm đi vì xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam trở nên kém cạnh tranh hơn trước.
Tỉ giá VND vì thế sẽ chịu bớt áp lực điều chỉnh theo hướng VND bị phá giá hơn trước đây, giúp Ngân hàng Nhà nước có thêm dư địa để ổn định tỉ giá, và do đó, ổn định lãi suất ở Việt Nam.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng khả năng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (NHTƯ) các nước đưa tiền NDT vào giỏ dự trữ của họ sẽ xảy ra, nhưng việc NHTƯ các nước đưa NDT vào giỏ dự trữ với tỉ lệ bao nhiêu thì phụ thuộc nhiều vào mối quan hệ thương mại và tài chính với nước đó, chứ không phải phụ thuộc vào số 9,8% mà Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ấn định. Trong khi đó, chỉ số mua bán và sử dụng đồng NDT trên thực tế kém hơn nhiều so với mức 9,8%.
Theo TS. Lê Đăng Doanh, các nước có thể sẽ bổ sung NDT vào quỹ dự trữ ngoại tệ của họ nhưng con số không phải quá lớn. Trong thời gian qua, NDT bị đánh giá quá thấp nhưng NHTƯ Trung Quốc vẫn giảm giá NDT đến 7%, vì vậy dù sắp tới NDT có tăng giá thì vẫn ở mức điều chỉnh phù hợp.
TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho biết, việc NDT được đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế phản ánh tiến trình tiến lên của nền kinh tế thế giới, nó phản ánh hiện diện và vai trò kinh tế và thương mại của Trung Quốc trên thế giới.
Điều đó nói chung là có lợi cho các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam vì NHTƯ Trung Quốc sẽ có trách nhiệm hơn với đồng tiền của mình. Từ trước đến nay, các nhà đầu tư luôn e ngại vì không ai đoán trước được NHTƯ Trung Quốc sẽ làm gì, NDT điều tiết không theo thị trường.
Cùng quan điểm trên, Giám đốc một Tổng công ty thương mại lớn ở Hà Nội cho biết việc NDT tham gia vào giỏ tiền chung quốc tế sẽ giúp cho tỉ giá của đồng tiền này với USD và các đồng tiền khác ổn định hơn, và có lợi hơn cho các doanh nghiệp.
Trong ngắn hạn, TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng việc NDT được công nhận trong giỏ tiền tệ là thông tin tốt nhưng điều này không làm thay đổi mọi thứ quá nhiều bởi để đánh giá đó có phải là đồng tiền mạnh hay không thì phải phụ thuộc vào yếu tố đồng tiền đó có được giao dịch nhiều và ưu thế trong giao dịch quốc tế cả trong thương mại và đầu tư hay không.