Kho bạc Nhà nước tổ chức hội thảo dự thảo Báo cáo tài chính nhà nước

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Sáng ngày 26/10/2016, Kho bạc Nhà nước đã tổ chức Hội thảo dự thảo Nghị định về Báo cáo tài chính Nhà nước.

Đại biểu tham gia góp ý tại Hội thảo. Ảnh: Vân Hà
Đại biểu tham gia góp ý tại Hội thảo. Ảnh: Vân Hà

Hội thảo nhằm đi đến thống nhất, hoàn thiện nội dung chi tiết của dự thảo Nghị định trước khi thực hiện các thủ tục gửi Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ ban hành.

Tại cuộc hội thảo, Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN) Nguyễn Hồng Hà - Phó Trưởng ban thường trực Ban soạn thảo Nghị định cho biết, thực hiện chương trình xây dựng Nghị định của Chính phủ về báo cáo tài chính nhà nước (BCTCNN), Bộ Tài chính đã chỉ đạo KBNN phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, xây dựng dự thảo. Các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã cân nhắc kỹ lưỡng về các nội dung quy định trong nghị định. Đồng thời, dự thảo cũng đưa ra lấy ý kiến của các đơn vị liên quan, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế tại các cuộc hội thảo, tọa đàm được tổ chức trong suốt thời gian từ cuối năm 2014 đến nay.

Dự thảo Nghị định được xây dựng căn cứ vào hệ thống văn bản pháp luật hiện hành, đảm bảo phù hợp với quy định của Hiến pháp, Luật Kế toán năm 2015 và luật khác có liên quan, đồng thời kế thừa và phát triển những mặt tích cực trong công tác kế toán nhà nước.

Theo đó, dự thảo quy định rõ trách nhiệm lập BCTCNN, trách nhiệm cung cấp thông tin để lập báo cáo tổng hợp thông tin tài chính huyện, trách nhiệm cung cấp thông tin để lập và gửi BCTCNN tỉnh, trách nhiệm cung cấp thông tin để lập và gửi BCTCNN toàn quốc, kiểm tra việc lập BCTCNN, xây dựng và vận hành hệ thống thông tin tài chính nhà nước...

Ngoài ra, theo quy định của Luật kế toán, BCTCNN được lập và trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân cùng với thời điểm quyết toán NSNN theo quy định của Luật NSNN. Vì vậy, trong quá trình nghiên cứu, Bộ Tài chính đã xây dựng thời hạn của BCTCNN phù hợp với thời hạn lập và nộp báo cáo quyết toán NSNN của các đơn vị kế toán theo quy định hiện nay, để đảm bảo tính khả thi.

Đặc biệt, Tổng Giám đốc Nguyễn Hồng Hà cho biết, việc công khai thông tin tài chính là rất quan trọng. Theo kinh nghiệm các nước hiện nay, toàn bộ thông tin trên báo cáo tài Chính phủ được công khai trên các ấn phẩm và mạng Internet. Tuy nhiên, trong điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay mới đang bắt đầu triển khai thực hiện lập BCTCNN, việc công khai toàn bộ thông tin trên báo cáo có thể chưa phù hợp. Vì vậy, dự thảo Nghị định quy định theo hướng công khai các thông tin chủ yếu trong BCTCNN liên quan đến tài sản, công nợ, nguồn vốn, kết quả hoạt động và lưu chuyển tiền tệ.

Tại hội thảo này, cũng đã có nhiều ý kiến tham gia góp ý. Các ý kiến tham gia đều tập trung vào việc đề nghị bổ sung KBNN huyện là đối tượng lập BCTCNN và quy định KBNN huyện gửi báo cáo tổng hợp thông tin tài chính huyện cho UBND huyện. Theo các đại biểu, luật quy định Bộ Tài chính, KBNN lập BCTCNN toàn quốc, BCTCNN tỉnh, không có quy định BCTCNN huyện. Trong khi, KBNN huyện là đơn vị tổng hợp thông tin tài chính trên địa bàn huyện, là thông tin đầu vào để tổng hợp BCTCNN tỉnh, đây là một bước trong quy trình lập BCTCNN tỉnh.

Hay như về quy trình lập, gửi BCTCNN, ý kiến tham gia đề nghị bổ sung quy định điều chỉnh BCTCNN để có sự phù hợp về thông tin tài chính tại báo cáo quyết toán NSNN sau khi được Quốc hội phê chuẩn. Lý giải cho điều này, các đại biểu cho biết, việc điều chỉnh báo cáo xuất phát từ việc điều chỉnh số liệu kế toán. Luật Kế toán đã quy định về sửa chữa sổ kế toán trong trường hợp có sai sót, việc thực hiện điều chỉnh BCTCNN phải theo quy định của luật...

Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị có sự tham gia của cơ quan kiểm toán để đảm bảo tính chính xác và trung thực của các BCTCNN. Theo ý kiến này, BCTCNN là nội dung mới, phức tạp, lần đầu tiên được quy định tại Việt Nam. Do đó, giai đoạn đầu còn hạn chế về điều kiện và dễ phát sinh vướng mắc nên cần phải nghiên cứu, học hỏi, rút kinh nghiệm để hoàn thiện quy định pháp lý, quy trình kỹ thuật.

Hay để tránh việc “vừa đá bóng vừa thổi còi”, Bộ Tài chính vừa lập báo cáo vừa kiểm tra, các đại biểu góp ý cần có quy định cụ thể và sâu hơn về quy định kiểm tra, chế tài xử lý trong quá trình tổ chức thực hiện lập báo cáo.

Tổng Giám đốc KBNN Nguyễn Hồng Hà đã đánh giá cao những ý kiến tham gia của các đơn vị và cho biết: “Với một lĩnh vực mới, mang nhiều nội dung phức tạp cả về nguyên lý cũng như khả năng triển khai thực tế trong điều kiện ở Việt Nam, các ý kiến tham gia đóng góp thực sự là các ý kiến rất trách nhiệm và có giá trị, trực tiếp vào các vấn đề còn vướng mắc sẽ giúp hoàn thiện các quy định trong dự thảo. Đây sẽ là căn cứ để  Ban soạn thảo xây dựng các mẫu báo cáo phù hợp với định hướng hoàn thiện chế độ kế toán liên quan, cơ bản đáp ứng được các yêu cầu quản lý hiện đại, có tính đến các yếu tố trong tương lai”.